Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hình ảnh minh họa
Tại hội nghị, ông Đỗ Văn Nam, Vụ trưởng - Trưởng Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ NN&PTNT cho biết: Năm 2012, Bộ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) cho 6 đơn vị và tiếp tục chỉ đạo để chuyển thành công ty cổ phần trong Quý II/2013. Bên cạnh đó, phê duyệt phương án tái cơ cấu tài chính để chuyển Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam thành công ty cổ phần và dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2013. Đồng thời hoàn thành sắp xếp Công ty TNHH MTV Ván dăm Thái Nguyên và Công ty TNHH MTV MDF Gia Lai vào Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo của Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp Nhà nước, năm 2013, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo hoàn thành công tác CPH 6 đơn vị được phê duyệt trong năm 2012; hoàn thành tái cơ cấu tài chính Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam; hoàn thành giải thể Công ty TNHH MTV sản xuất và dịch vụ Khoa học công nghệ Thủy sản. Cũng trong năm 2013, Bộ cũng tái cơ cấu tài chính để chuyển Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Hà Nội, Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc, Xí nghiệp Dâu tằm tơ tháng 8 thành công ty cổ phần; Tách Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông, đơn vị thực hiện nhiệm vụ công ích về trực thuộc Bộ quản lý.
Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, trong năm 2013, Bộ cũng thực hiện CPH Công ty TNHH MTV Tư vấn và Đầu tư Phát triển Ngô; Thực hiện giải thể 3 đơn vị và tổ chức sắp xếp lại 9 đơn vị thành tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải 100% kinh phí hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP.
Cũng tại hội nghị, các doanh nghiệp, tổng công ty đã nêu lên những thực trạng, khó khăn trong quá trình sắp xếp, đổi mới, tiến hành cổ phần hóa như: vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp, không đủ điều kiện cổ phần hóa do vốn âm, khi tiến hành cổ phần thì cổ phần được mua quá ít, chưa thực hiện mua bán nợ, khó khăn trong quá trình thoái vốn…
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện CPH các doanh nghiệp thuộc Bộ hiệu quả, ông Đỗ Văn Nam kiến nghị Chính phủ cần phê duyệt cơ chế đặc thù cho phép xử lý các khoản nợ ODA đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ để tạo điều kiện cho việc xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện lộ trình CPH cũng như tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần ban hành các quy định, cơ chế thuộc lĩnh vực tài chính theo Nghị định số 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể về trả lương cho kiểm soát viên, cơ chế giám sát, chế độ quản lý tài chính… để tháo gỡ khó khăn trong việc CPH doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và bán cổ phần lần đầu. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngân hàng thương mại tăng cường xử lý và bán nợ đối với các khoản nợ của doanh nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu tài chính để CPH.
Đối với phương án sử dụng nhà đất của doanh nghiệp, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt trước thời điểm doanh nghiệp CPH và hoàn thành hợp đồng cho thuê đất trước thời điểm doanh nghiệp xác định giá trị đối với đất đai sản xuất nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Trường hợp ngân sách nhà nước không bố trí được kinh phí thực hiện, đề nghị thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt. Theo đó, doanh nghiệp CPH sử dụng tiền của doanh nghiệp để chi trả, hoàn thành thủ tục về đất và trừ vào vốn nhà nước của doanh nghiệp CPH.