Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Mùa đông năm nay có thể lạnh hơn mọi năm

(00:20:27 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Mùa đông năm nay có khả năng lạnh hơn trung bình nhiều năm nếu La Nina xuất hiện trong ba tháng tới. Theo các chuyên gia thời tiết, khả năng La Nina xuất hiện trong ba tháng tới là 95%.

 

Mùa đông năm nay có khả năng lạnh hơn trung bình nhiều năm nếu La Nina xuất hiện trong ba tháng tới.  

 

Trao đổi với Thoibaoviet, KS Đào Thị Thúy - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Khí tượng Khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn&Môi trường -  cho biết kết quả dự báo của các mô hình trong ba tháng tới, nhiệt độ có khả năng hụt chuẩn ở hầu hết diện tích phía Bắc (từ Quảng Bình trở ra) với chuẩn sai là -1,5 - 0 độ C.

La Nina là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng lạnh đi không bình thường của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương kéo dài từ ba mùa trở lên. Trong 50 năm qua (1951-2000), có 10 đợt La Nina, đợt ngắn nhất kéo dài tám tháng, đợt dài nhất là 22 tháng.  

 

Nhiệt độ có khả năng vượt chuẩn trên đa phần diện tích của phía Nam (từ Quảng Trị trở vào) với chuẩn sai vượt chuẩn là 0-1,5 độ C.

 

Vẫn theo KS Đào Thị Thúy, nếu La Nina xảy ra, mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn trung bình nhiều năm nhất là vào những tháng chính đông (tháng 12/2007, tháng 1 và tháng 2/2008).

Theo nguồn tin của báo Tiền Phong, thông thường phải mất 5-6 tháng sau El Nino, mới xuất hiện La Nina, nếu có. Nhưng La Nina gần đây nhất tác động đến nước ta vào mùa đông năm 1998. La Nina này bắt đầu ngay sau khi kết thúc El Nino kéo dài từ 1997-1998.

Không những thế, đấy cũng là La Nina dài nhất, từ năm 1998 đến 2000. Thiệt hại do mưa bão gây ra bởi La Nina trong thời gian này rất lớn.

Hầu hết các La Nina và El Nino ở Thái Bình Dương đều ảnh hưởng đến nước ta. Từ năm 1950 trở lại đây, tổng cộng có 11 La Nina tác động đến nước ta và mức độ ảnh hưởng diễn tiến theo xu thế ngày càng trầm trọng.

La Nina tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2008  

 

Theo báo chí nước ngoài, Trung tâm Dự đoán Khí hậu CPC/NCEP/NWS của Hoa Kỳ hôm 8/11 đưa ra phân tích La Nina tiếp tục mạnh lên từ tháng 10/2007 khi nhiệt độ bề mặt nước biển (SST) có những thay đổi dị thường. Nó đã gia tăng tác động tiêu cực từ 170 độ kinh đông đến vùng bờ biển Nam Mỹ.

 

Phân tích bốn tuần gần đây nhất cho thấy SST giữa 140 độ kinh tây và vùng bờ biển Nam Mỹ, bắt đầu giảm (−0,5 độ C đến −1 độ C) đã được quan sát theo tuần tự thời gian.

 

Tất cả vùng El Nino, ngoại trừ vùng El Nino 4, nhiệt độ đều thấp hơn (−1 độ C), chỉ rõ rằng La Nina đạt đến cường độ bình thường và có hiệu lực trong vòng ba tháng. 

 

Cũng trong suốt tháng 10/2007, sức nóng bên trên mặt đại dương 300m tại vùng trung tâm và giữa phía đông xích đạo Thái Bình Dương vẫn như cũ, với nhiệt độ dao động từ 2 độ C đến 6 độ C. Các dự báo SST vừa qua cũng cho thấy La Nina sẽ phát triển đến đầu năm 2008. 

 

Giới khoa học tin rằng La Nina sẽ tác động mạnh từ tháng 11/2007 đến tháng 1/2008, bao gồm lượng mưa trên trung bình tại Indonesia và dưới trung bình khắp trung tâm xích đạo Thái Bình Dương.

 

Mưa có khả năng hụt chuẩn

 

KS Đào Thị Thúy nói với Thoibaoviet, mưa có khả năng hụt chuẩn ở hầu hết khu vực phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra), chuẩn sai hụt chuẩn được dự báo là -200-0 mm.

 

Khả năng vượt chuẩn của lượng mưa được thể hiện rõ rệt ở khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) với chuẩn sai vượt chuẩn là 0-200mm.

 

"Về xoáy thuận nhiệt đới (bão và áp thấp nhiệt đới), chúng tôi chưa có mô hình dự báo. Tuy nhiên, mô hình Downscaling Thống kê (sản phẩm của một đề tài nghiên cứu khoa học của chúng tôi), cho thấy, khả năng không khí lạnh ảnh hưởng tới nước ta ở mức trên trung bình. Điều này phù hợp với tác động của La Nina đối với nền nhiệt độ mùa đông mà trong nhiều kết quả nghiên cứu đã đưa ra", KS Đào Thị Thúy nói.

 

Trả lời phỏng vấn Thoibaoviet, KS Đào Thị Thúy nói thông thường, xoáy thuận nhiệt đới thường ở ngoài khơi và đi sâu vào đất liền. Tuy nhiên, cơn bão số 7 vừa qua đi hướng vào đất liền rồi lại quay ngược ra ngoài. Ngoài ra, hiện tượng bão nối kiếp bão (bão kép đôi) bão số 7 và bão Mitax xuất hiện cùng lúc, cũng được coi là di biệt.

 

Thứ hai, lượng mưa trong ba tháng vừa qua vượt chuẩn khá lớn. Trong ba tháng 9, 10 và 11, mưa vượt chuẩn rất lớn ở hầu hết các khu vực từ Hòa Bình-Nam Bộ, đặc biệt, lượng mưa vượt chuẩn cực lớn ở Nam Thừa Thiên Huế và Bắc Quảng Bình.

 

Tính riêng tháng 10, lượng mưa tại Mai Châu (Hoà Bình) đạt tới 357,9%, Mộc Châu (Sơn La) đạt tới 331,5%, Nam Đồng (Huế) là 241,3%.

 

Báo Dân Trí dẫn kết quả thống kê cho biết trung bình ba tháng 12, 1, 2 của thời kỳ 1971-2000, trong thời gian này còn có khoảng gần hai cơn xoáy thuận nhiệt đới (áp thấp nhiệt đới và bão) hoạt động trên khu vực biển Đông; trong khoảng 10 năm có từ 3 đến 4 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam (trung bình là: 0,38 cơn/năm).

 

BTV (tổng hợp)