Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Slogan quảng cáo 8 vùng cà phê đặc sản ngon nhất của Vinacafe Biên Hòa để chứng minh sản phẩm cà phê của mình là thật khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục phản ứng.
Theo hồ sơ tại Cục sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và công nghệ: trong 8 vùng chỉ dẫn địa lý mà Vinacafe Biên Hòa đưa ra chỉ có duy nhất cà phê Buôn Mê Thuột đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thậm chí Chư Sê là vùng bảo hộ sản phẩm hồ tiêu, Long Khánh là vùng trồng cao su được quảng cáo cho sản phẩm cà phê.
Quảng cáo của Vinacafe khẳng định cà phê được tuyển chọn từ 8 vùng đặc sản ngon nhất Việt Nam |
Bên cạnh đó, Trưởng phòng chỉ dẫn địa lý - Cục sở hữu trí tuệ, ông Lưu Đức Thanh cho biết, trong quy định về Luật sở hữu trí tuệ không có khái niệm nào là "ngon; ngon nhất" mà chỉ có thể dùng từ "đặc trưng, đặc thù".
Trả lời phỏng vấn báo Đất Việt, ông Ngô Tấn Giác - giám đốc công ty cà phê Thu Hà cũng bày tỏ quan điểm không bình luận về thị trường cũng như đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, với việc dùng chỉ dẫn địa lý 8 vùng đặc sản ngon nhất và thí nghiệm chứng minh cà phê thật, họ đang muốn ám chỉ điều gì? Sản phẩm của mình là thật, là nhất còn sản phẩm của doanh nghiệp khác là giả, là nhì hết hay sao?
Chỉ có anh là thật, còn sản phẩm khác là giả
Ông Giác cho biết, khi theo dõi những clip quảng cáo chứng minh mình là cà phê số 1, mình mới là cà phê thật, về nguyên tắc cách dùng từ như vậy là sai với Luật sở hữu trí tuệ và Luật quảng cáo.
"Nếu nói như vậy thì chỉ có họ mới là số 1, là cà phê thật còn các loại khác là giả hết đúng không?", ông Giác đặt câu hỏi.
Dù có muốn chứng minh sản phẩm của mình là thật, là nhất bằng cách dùng từ ngữ như vậy; phải chăng, nỗ lực chứng minh cà phê thật vì từ trước tới giờ anh làm cà phê giả, giờ mới làm cà phê thật? Nên giờ mới phải chứng minh mình là thật đúng không?. Quảng cáo như vậy đôi khi không chứng minh được cà phê thật mà lại tự vạch áo cho người xem lưng.
Quan điểm của tôi là không thể bôi nhọ doanh nghiệp khác, hạ thấp đối thủ bằng cách chứng minh chỉ mình mới là thật, là nhất còn lại có thể hiểu các anh là nhì, là giả hết được.
Hơn nữa, để chứng minh cà phê thật, cà phê giả bằng cách đó rất khó để nhận biết được. Vì với mỗi thí nghiệm cũng phải có cơ sở khoa học với hàm lượng, thành phần cụ thể. Tuy nhiên, khi làm thí nghiệm khoa học, hay thí nghiệm tại cơ sở, không ai đòi hỏi đủ bao nhiêu chất cà phê mà chỉ đòi hỏi mức tối thiểu của cà phê là bao nhiêu là được.
Ví dụ, 100g cà phê thì tỉ lệ bao nhiêu cafein. Còn sản phẩm lưu thông trên thị trường thì không thể quy định như vậy vì nó phụ thuộc vào gu thưởng thức của người tiêu dùng.
Vinacafe Biên Hòa nỗ lực chứng minh cà phê thật không có cơ sở khoa học. (Ảnh TTO) |
Có nhiều người chỉ muốn thưởng thức một ly cà phê có lượng cafein nhẹ thôi, nếu đặc thì họ không uống nổi.
Chiêu quảng cáo này có thể thấy nó giống với cách quảng cáo của nước chấm Chinsu, mì tôm Tiến Vua là đánh phủ đầu các doanh nghiệp khác.
Theo ông Giác, vấn đề này các cơ quan quản lý quảng cáo cũng cần phải xem xét lại.
Không chứng minh được cà phê thật, giả
Bằng kinh nghiệm làm cà phê lâu năm, ông Giác phân tích, thí nghiệm trên khó chứng minh được cà phê thật, giả vì cách pha chế, màu sắc, mùi vị hoàn toàn có thể do chủ ý của người thực hiện.
Ví dụ, nếu khi pha, bỏ bột cà phê vào trong phin, dù là nguyên chất hay pha độn, nếu biết cách chế thì nó vẫn chìm bình thường.
Chỉ cần, nếu rót nước mạnh vào phin thì cà phê sẽ bung lên và nổi trên mặt nước dù trong đó là cà phê hay không phải cà phê. Cách pha chế là do mình làm, phân biệt dựa vào cách pha là nói bậy. Chỉ chắc chắn cà phê thật, nguyên chất khi tự mình làm, mình thấy chứ không phải bằng cách pha cà phê thành phẩm.
Thí nghiệm này cũng giống như cuộc chiến starbucks vào Việt Nam, trước ý kiến của một hãng cà phê cho rằng stabucks không phải là cà phê liền bị phản pháo lại là "nói như vậy là không biết gì về cà phê". Thí nghiệm này cũng vậy, thí nghiệm đó cũng chứng tỏ không biết gì về pha chế cả.
Đối với cà phê pha, việc có trộn thêm đậu nành, bắp, bơ là rất bình thường. Ví dụ, anh có một con cá, thì phải có phụ gia đi kèm, hành, mắm, muối... ly cà phê cũng vậy, cũng cần có công thức pha chế, chế biến cho phù hợp với người tiêu dùng. Miễn là thành phần, tỉ lệ đó không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Còn về màu sắc, mùi vị. Màu cà phê có thể được quyết định bởi cách rang. Nếu vừa lửa, cà phê màu vàng, già lửa cà phê màu nâu vàng, quá lửa cà phê màu đen. Rất khó có thể khẳng định cà phê thật, giả nếu chỉ bằng màu sắc
Về mùi, mùi cà phê thật khác hoàn toàn mùi hương liệu. Nhưng nếu dựa vào mùi vị dịu nhẹ, dày, hậu là rất khó. Việc cà phê có pha trộn thêm đậu nành, bơ, bắp là bình thường vì đó là cách pha chế cho phù hợp gu thưởng thức của người tiêu dùng. Ví dụ, anh có một con cá, thì cần phải có hành, răm, mắm, muối. Đó không được gọi là giả mà là nghệ thuật chế biến.
Đối với cà phê 100% nguyên chất sẽ khó được thị trường Việt Nam đón nhận. Vì nó không phù hợp với gu thưởng thức và cơ địa của người Việt. Lượng cà phê quá nhiều thì sẽ dẫn đến mất ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
Chỉ dẫn 8 vùng ngon nhất là không hiểu gì
Từng là người trồng cà phê, sản xuất và kinh doanh cà phê lâu năm, ông Giác cho biết, chỉ dẫn 8 vùng cà phê đặc sản ngon nhất là không đúng. Không phải cứ cà phê mua ở vùng đó thì đó là cà phê ngon nhất. Chất lượng cà phê không chỉ phụ thuộc khu vực địa lý, mà nó tùy thuộc vào người nuôi dưỡng, người trồng, chăm sóc, chế độ ăn thế nào.
Nếu nói, cà phê được lựa chọn từ 8 vùng đặc sản ngon nhất là không hiểu gì về chỉ dẫn địa lý. Cùng là một khu vực, nhưng điều kiện, môi trường chăm sóc khác nhau chất lượng sẽ khác nhau. Nên nói, chất lượng ngon nhất có huênh hoang quá không?
Theo ông Giác, đâu cần phải thí nghiệm, hay quảng cáo nếu muốn chứng minh cà phê thật nhất, ngon nhất thì hãy mang những hạt cà phê rang nguyên hạt, xay tại chỗ, pha tại chỗ thì sẽ trả lời được thế nào là cà phê thật, cà phê giả. Con nếu nói như vậy thì không biết thế nào mà lần.
Cục An toàn Thực phẩm phản đối cách gọi cà phê giả
Liên tục chứng minh cà phê thật, luôn khẳng định "Vinacafe mới, đúng là cà phê thật", nhưng trên bao bì của loại Vinacafe mới này ghi rõ thành phần bao gồm: “Đường, bột kem thực vật, cà phê hòa tan (14%). Sugar, Non–dairy Creamer, Instant coffee (14%)”.
Như vậy, nguyên liệu thành phần sử dụng của Vinacafe mới chỉ là "cà phê hòa tan 14%" không phải cà phê nguyên chất.
Một lãnh đạo cấp cao của Cục An toàn Thực phẩm (đề nghị không ghi rõ tên) trả lời trên báo Giáo dục Việt Nam cho biết: Mặc dù Cục chưa tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng việc trộn thêm bắp, ngô hay đậu tương vào cà phê, không đáng ngại tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Quảng cáo Vinacafe mới "cà phê chỉ làm từ cà phê" nhưng thành phần lại không phải chỉ làm từ cà phê.
Một vị lãnh đạo Cục cũng phản đối cách gọi “cà phê giả” của Vinacafe. “Thế nào là giả? Nhiều thực phẩm hàng ngày ta sử dụng thường không bao giờ 100% nguyên chất cả, và không phải cứ thêm chất độn khác vào thì gọi là giả. Tất cả sản phẩm cà phê hòa tan trên thế giới dù cao cấp như VIA của Starbucks hay Vina đều phải có phụ gia trong sản phẩm.
“Tôi không bao giờ uống được cà phê trong khách sạn pha vì nó nhạt nhẽo. Nhưng người Tây thì lại không uống được thứ cà phê của ta – thứ mà họ gọi là strong (mạnh, đặc). Do vậy, chế biến thế nào cho phù hợp với từng loại sản phẩm và cho từng người khác nhau mà vẫn đảm bảo phụ gia thêm đó an toàn là được” – vị lãnh đạo chia sẻ.