Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhân Ngày thế giới phòng chống lao (24/3): "Khó" trong điều trị bệnh lao ở Đồng Nai

(16:07:24 PM 24/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Nhiều năm trở lại đây, số người mắc lao phát hiện tại Đồng Nai năm sau luôn cao hơn năm trước (hiện chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh). Trong khi việc phát hiện điều trị sớm bệnh lao, tình trạng lao kháng thuốc vẫn chưa tìm được lời giải, ngành y tế Đồng Nai lại đón nhận thêm những thông tin đáng lo ngại – từ nay đến 2015, các nguồn viện trợ của nước ngoài dành cho chương trình phòng chống lao ở Việt Nam sẽ bị cắt.

 

Ảnh minh họa


“Phức tạp lắm” - đó là nhận định của ông Lương Văn Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện lao phổi Đồng Nai về diễn biến bệnh lao trên địa bàn tỉnh. Hiện Đồng Nai mỗi năm tiếp nhận và điều trị khoảng 3.300 – 3.500 bệnh nhân mắc lao (hơn 45% trong số này là những ca mới được phát hiện), có 3% số người mắc lao bị chết hàng năm. Số người mắc lao được phát hiện, điều trị trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 1/3 so với con số thực tế. Trong cộng đồng còn rất nhiều người mắc bệnh này nhưng chưa phát hiện được.

Tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao với những bệnh nhân mới mắc lao (điều trị lần đầu) ở Đồng Nai đạt từ 87 – 88%. Tuy nhiên, những người đã điều trị lần 2, lần 3 thì tỷ lệ điều trị thành công giảm xuống còn hơn 75% và tình trạng kháng thuốc, điều trị thất bại, tử vong cũng xảy ra với những đối tượng này. Đặc biệt, ở Đồng Nai có một thực tế đó là nhiều bệnh nhân mới nhiễm lao nhưng không chịu điều trị dứt điểm. Ông Châu cho biết: “Rất nhiều người mắc lao, chúng tôi cấp thuốc và hướng dẫn họ uống liên tục trong 8 tháng để khỏi hẳn bệnh. Nhưng mới dùng thuốc được 5, 6 tháng, bệnh nhân thấy mình khỏe mạnh, nhầm tưởng khỏi bệnh nên không tiếp tục dùng thuốc, việc điều trị vì thế mà thất bại”.

Đồng Nai là một tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, một số bộ phận dân trí chưa cao, đời sống còn khó khăn. Ngoài ra, nhiều công nhân trên địa bàn tỉnh phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, thiếu thốn về vật chất, đây chính là những nguyên nhân khiến tình trạng bệnh lao diễn biến phức tạp . Người dân vẫn quan niệm rất nặng nề về bệnh lao, nên ở Đồng Nai mới có tình trạng người mắc lao ở huyện này nhưng đăng ký, lấy thuốc ở huyện khác. Rồi một số bệnh nhân lao vì quan hệ giao tế xã hội nên không muốn cho mọi người xung quanh biết mình mắc lao. Họ tìm đến các phòng mạch tư, nhưng không biết rằng các phòng mạch tư không đủ điều kiện để điều trị đầy đủ.

Hiện thuốc dùng để điều trị lao vẫn được cấp miễn phí, nhưng sắp tới đây, khi các nguồn tài trợ bị cắt, nếu ngân sách địa phương không đủ chi thì người mắc bệnh lao phải mua thuốc. Theo ước tính, nếu phải chi trả tiền để điều trị lao, mỗi bệnh nhân, chỉ dùng thuốc mỗi tháng cũng phải chi hơn 400.000 đồng. Ngoài ra, người bệnh còn phải chi trả tiền hóa chất xét nghiệm, kinh phí chữa bệnh.

Hiện Đồng Nai tăng cường năng lực khám, phát hiện bệnh tại tất cả các tổ lao trong tỉnh, phát động rộng rãi các chiến dịch truyền thông phòng chống lao. Song ngành y tế Đồng Nai thừa nhận công cuộc chống lao rất khó đạt được mục tiêu thiên niên kỷ, đó là “Đến năm 2015 giảm một nửa số mắc lao trong cộng đồng, năm 2050 thanh toán bệnh lao”

Công Phong (TTXVN)