Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhân ngày Nước và Khí tượng thế giới (23/3): "Theo dõi thời tiết bảo vệ tính mạng người dân và tài sản"

(15:05:01 PM 23/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Là một quốc gia phải thường xuyên gánh chịu nhiều tác động của thiên tai, do đó công tác khí tượng thuỷ văn trở thành một trong các điều kiện, thông tin căn bản để phục vụ hoạch định chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; bảo đảm an toàn tính mạng của người dân và tài sản của xã hội. Đặc biệt là, trong các giai đoạn của công tác phòng chống thiên tai, ngay từ giai đoạn giảm nhẹ đến giai đoạn phòng ngừa và sau cùng là giai đoạn khắc phục, thông tin khí tượng thuỷ văn đều giữ vai trò cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả của công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai.


 Ngư dân theo dõi thời tiết từ Radio - Ảnh IE

 

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu toàn cầu cùng với những tác động to lớn, là những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Nước ta được đánh giá là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu là một thực tế đang tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của kinh tế - xã hội. Thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đã được nhiều quốc gia coi là nhiệm vụ chiến lược. Trong đó, thông tin khí tượng thuỷ văn có một vai trò hết sức quan trọng đối với việc thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

 

Những vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai cùng với nước biển dâng do hậu quả của biến đổi khí hậu như: Ven biển, ven sông, các vùng đất thấp ở hạ lưu... ngày càng có nhiều cư dân sinh sống. Đây là những thách thức lớn, đòi hỏi phải có quy hoạch dân cư và sản xuất đúng đắn, dựa trên các cơ sở khoa học, trong đó thông tin tư liệu khí tượng thuỷ văn là một trong những căn cứ quan trọng. Sự gia tăng dân số đòi hỏi sự cung cấp dịch vụ về khí tượng thuỷ văn đa dạng và kịp thời hơn, giúp giải quyết những vấn đề then chốt như: Nước sạch, an ninh lương thực, cung cấp năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, du lịch, y tế...

 

Để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng đòi hỏi cần có thông tin tư liệu khí tượng thuỷ văn phù hợp hơn, phục vụ cho quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cây trồng, vật nuôi, cũng như những thông tin cảnh báo, dự báo khí hậu, thời tiết phục vụ trực tiếp cho việc điều hành sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp, đánh bắt thuỷ hải sản, phòng chống cháy rừng... Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nước trong sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện thời tiết có xu hướng ngày càng khắc nghiệt hơn, đòi hỏi việc quản lý tài nguyên nước nước tốt hơn; vì vậy mọi chiến lược hoặc chính sách về sử dụng nước sẽ phụ thuộc nhiều vào các thông tin khí tượng thuỷ văn và việc truyền tải các thông tin này đến các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.

 

Trong thế kỷ 21 này, năng lượng sẽ là một vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu. Việc sản xuất và sử dụng năng lượng như: Khai thác nhiên liệu, vận hành các hồ chứa, truyền tải cung cấp điện năng cho sản xuất, sinh hoạt; nhất là việc khai thác, xử dụng các nguồn năng lượng sạch như: Năng lượng gió, mặt trời... đều phụ thuộc rất nhiều vào số liệu các yếu tố khí tượng thuỷ văn. Và đặc biệt hơn là các yếu tố về khí tượng thuỷ văn còn là một trong những điều kiện tiên quyết trong luận chứng kinh tế kỹ thuật phát triển năng lượng điện hạt nhân trong tương lai. Mặt khác, đây còn là vấn đề liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một bên tham gia.

 

Hậu quả của tốc độ đô thị hoá đã, đang và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường do diện tích cây xanh, hồ nước giảm cùng với sự tăng lên của bê tông, sắt thép, phương tiện giao thông và sự phát thải các chất gây ô nhiễm; từ đó nảy sinh các vấn đề mà để giải quyết được một cách đúng đắn, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần đến thông tin tư liệu khí tượng thuỷ văn. Vấn đề sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, an ninh lương thực, chống sa mạc hoá... cũng đòi hỏi có sự hiểu biết thấu đáo về khí tượng thuỷ văn để lựa chọn cây trồng, phương tiện canh tác phù hợp, để vừa thu được lợi ích kinh tế, vừa không làm cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Đối với quốc phòng - an ninh, thì thông tin khí tượng thuỷ văn cũng rất quan trọng, trong chiến tranh bên cạnh việc lợi dụng thời tiết, khí hậu, còn có nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng chiến tranh khí tượng…

 

Qua phân tích, đánh giá ở trên chúng ta có thể nhận thấy, các sản phẩm thông tin khí tượng thuỷ văn có lợi ích rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra sâu sắc; việc sử dụng thông tin, số liệu khí tượng thuỷ văn trong các lĩnh vực là thực sự cần thiết. Tuy nhiên trong thực tế, công tác đo đạc, thu thập số liệu và dự báo khí tượng thuỷ văn vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong thời gian tới, để phát huy tối ưu hơn nữa các giá trị của thông tin khí tượng thuỷ văn, thì bên cạnh việc quan tâm đầu tư phát triển ngành khí tượng thuỷ văn của Đảng và Nhà nước. Một vấn đề vô cùng quan trọng nữa là chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng xã hội thường xuyên “Theo dõi thời tiết bảo vệ tính mạng người dân và tài sản”.

Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa, một bán đảo ở đông nam đại lục Âu – Á, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Biển Đông, thường xuyên phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai khốc liệt. Là một trong năm ổ bão lớn trên thế giới, nhiều năm có tới hơn mười cơn bão đổ bộ; theo thống kê trong vòng hơn 50 năm qua, nước ta đã phải chịu ảnh hưởng của gần 400 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Cùng với bão, là các loại thiên tai nguy hiểm khác cũng thường xuyên xảy ra như: Lũ lụt, lũ quét, hạn hán, mưa lớn, tố, lốc, nắng nóng, rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn, triều cường... với tần suất và mức độ khốc liệt ngày càng khó lường hơn; gây thiệt hại lớn tới tính mạng của người dân và tài sản của xã hội, tác động trực tiếp tới sự nghiệp phát triển bền vững, quốc phòng, an ninh của đất nước.

ĐẶNG BÌNH- PHAN HOÀN