Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Diện tích trồng điều ở Bà Rịa-Vũng Tàu liên tục giảm mạnh - Ảnh minh họa
Trước tình trạng đó, nhiều nông dân đã chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm có giá trị cao hơn, khiến diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh đang ngày một giảm rõ rệt.
Xuyên Mộc vẫn là địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất, chiếm 61,5% diện tích toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Nguyễn Tông Hạ, ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc 8 năm trước gia đình ông có 1ha điều nhueng đến nay ông đã chặt đi 8 sào để trồng thanh long. Ông Hạ so sánh, 1 sào thanh long một năm cho gia đình ông thu hoạch 3 lứa, với 1 lứa chính 2 lứa trái vụ. Một năm sau khi trừ chi phí, ông cũng thu lời từ 250 đến 300 triệu. Còn cây điều một năm chỉ cho 1 vụ may mắn lắm ông cũng thu về chưa tới 100 triệu đồng từ 1ha điều. Đã vậy có năm điều còn mất mùa, khiến thu nhập người nông dân bấp bênh.
Còn tại xã Hòa Hội là địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất huyện Xuyên Mộc nhưng trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích trồng điều bị giảm gần phân nửa, chỉ còn khoảng 600 ha.
Vườn điều của ông Nguyễn Anh Tuấn là một trong những vườn điều có hiệu quả nhất của huyện Xuyên Mộc, với diện tích 7 ha. Nhưng đến thời điểm này, ông Tuấn cũng chuyển dần 2 ha điều sang trồng tiêu- loại cây mang lại thu nhập khá cao cho người nông dân. Theo ông Tuấn, với 2 ha tiêu, giá bán hiện tại khoảng 110 ngàn đồng/kg sẽ cho thu nhập trên 200 triệu đồng, trong khi đó cả 7 ha điều, mỗi năm ông cũng thu được từng ấy. Chưa kể cây điều còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên năng suất và hiệu quả không cao.
Còn tại huyện Châu Đức (cũng là địa phương có diện tích trồng điều lớn thứ 2 của Bà Rịa-Vũng Tàu), nhiều nông dân cho biết sau khi thu hoạch xong vụ điều này họ cũng sẽ chặt điều để sang trồng tiêu hoặc cà phê. Vì hiện nay, thu nhập từ điều không còn cao và ổn định nữa.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (NN&PTNT) , trong những năm gần đây diện tích trồng điều của tỉnh liên tục giảm mạnh, chỉ trong vòng 2 năm từ năm 2011-2012 mà diện tích trồng điều của tỉnh giảm gần 500 ha, riêng vụ điều năm 2013, toàn tỉnh giảm thêm gần 900 ha. Trong năm 2012, diện tích trồng điều cả tỉnh trên 13.600 ha,nhưng nay diện tích điều sụt giảm chỉ còn khoảng 12.700 ha. Nguyên nhân của thực trạng trên là do thời gian qua năng suất một số vườn điều thấp do sâu bệnh phá hoại, giá cả lại bấp bênh nên một số bà con tại các địa phương đã chặt bỏ vườn điều để trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn như cao su, cà phê, tiêu…
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh trước thực trạng người nông dân trong tỉnh đang đua nhau chặt cây điều để chuyển đổi sang trồng loại cây khác, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai các biện pháp như: triển khai mô hình thâm canh cây điều với diện tích thực hiện là 193,4ha để thực hiện ghép cải tạo các vườn điều, tăng cường bón phân hợp lý, cắt cành tạo tán, xử lý hỗ trợ ra hoa đồng loạt, sử dụng các giống điều mới …với tỷ lệ đậu trái và năng suất tăng lên 30-40%, đạt 3-3,5 tấn/ha, lợi nhuận vì vậy cũng tăng lên 50-70 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, ngành cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về quản lý dịch hại, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bảo vệ thực vật trên cây điều.
Trước tình trạng diện tích cây điều đang ngày càng giảm rõ rệt, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng kiến nghị, để cây điều còn chỗ đứng cần ổn định các doanh nghiệp chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh, đồng thời đổi mới công nghệ, cải tạo, nâng cấp thiết bị của các cơ sở chế biến hạt điều theo hướng hiện đại, đồng bộ và đa dạng hóa sản phẩm phụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngành cũng đề nghị, để phát triển hiệu quả sản xuất điều trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần chú trọng vấn đề về giống, hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu điều. Song song đó, cũng cần có các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đa dạng các sản phẩm từ điều nhằm nâng cao giá trị hàng hóa.