Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đến đũa Trung Quốc cũng tẩm độc

(13:42:55 PM 21/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Nhúng đũa dùng một lần vào nước, nước biến màu, bốc mùi khó chịu. Tổng thư ký Hiệp hội Đóng gói Thực phẩm Quốc tế nói rằng, màu sắc và mùi vị như vậy chứng tỏ đũa bị tẩm sấy hóa chất độc hại, thuộc diện cấm sử dụng.

 
Một công nhân nhà máy đũa dùng một lần ở tỉnh Quảng Tây chỉ cách đánh bóng đũa bằng đá tan và sáp độc hại. Ảnh: Xinhua.


Diễn viên nổi tiếng Huang Bo ngày 17/3 viết trên mạng xã hội rằng, khi rửa đũa dùng một lần mà một nhà hàng đưa cho, ông kinh ngạc nhận thấy nước trong biến thành màu vàng, bốc mùi hăng nồng.

 

“Hãy ngừng sử dụng đũa để không những bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ mạng sống của chính bạn”, diễn viên góp mặt trong “Tây Du Ký” (2013), “Huyền thoại Trần Chân” (2010), “Kungfu bóng rổ” (2008), viết trên blog.

 

Thông điệp này được người dùng internet chuyển cho nhau 125.000 lần. Nhiều người đề nghị tài tử Huang Bo tiết lộ tên nhà hàng; ông nói rằng, đũa bẩn không chỉ được cung cấp cho một hiệu ăn đó mà rất nhiều nơi khác.

 

Ông Dong Jinshi, Tổng thư ký Hiệp hội Đóng gói Thực phẩm Quốc tế, nói rằng, màu sắc và mùi vị bất thường như vậy chứng tỏ đũa bị tẩm sấy lưu huỳnh và nhiều hóa chất bị cấm sử dụng khác.

 

“Lưu huỳnh, hydrogen peroxide, sodium sulfite và chất chống mốc là những hóa chất thường được người ta sử dụng trong sản xuất đũa dùng một lần, dù không được phép”, ông Dong khẳng định.

 

Theo ông Dong, hầu hết đũa được sản xuất tại những xưởng nhỏ ở miền núi - nơi các công ty không cần giấy phép sản xuất. Sau đó, đũa được vận chuyển tới các thành phố lớn để đóng gói.

 

“Ví dụ, có tới 7-8 nhà máy đũa ở huyện Daxing của thủ đô Bắc Kinh, nhưng tất cả chỉ phụ trách đóng gói. Vì đũa được mua đi bán lại quá nhiều lần trước khi đến nhà máy đóng gói, nên ngay cả chủ nhà máy đũa cũng không thể chỉ rõ nguồn gốc sản phẩm của họ”, ông Dong nói.

 

Năm 2010, báo chí Trung Quốc phát hiện lỗ hổng lớn trong quản lý sản xuất đũa. Cục Thực phẩm và Dược phẩm Nhà nước yêu cầu các đơn vị địa phương điều tra chất lượng đũa. Nhưng kết quả điều tra không được đăng tải trên website của Cục và những năm sau đó, chất lượng đũa không còn được coi là hạng mục điều tra quan trọng nữa. “Tiêu chuẩn chất lượng chỉ có ở trên lý thuyết, chưa bao giờ được áp dụng trong thực tế”, ông Dong nhận định.

 

Bà Fan Zhihong, chuyên gia an toàn thực phẩm công tác tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, nói: “Không có số liệu về việc lượng hoặc dư lượng hóa chất ngấm vào người dùng, nên rất khó xác định tác động của chúng đối với sức khỏe con người”. Vì vậy, sức khỏe người tiêu dùng bị bỏ mặc cho họ tự lo, mà trên thực tế, nhiều người tặc lưỡi cho qua khi mua đũa.

 

Nhiều người nghĩ rằng, đũa dùng một lần đảm bảo vệ sinh, nhưng thực tế là chúng bị tẩy trắng quá mức và có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Có công nhân nhà máy đũa nói rằng, họ còn dùng sáp độc hại paraffin để đánh bóng đũa.

 

Hộp xốp gây lo ngại

 

Giữa tháng 3, các chuyên gia an toàn thực phẩm Trung Quốc bày tỏ lo ngại trước việc dỡ bỏ lệnh cấm hộp xốp dùng một lần làm từ polystyrene để đựng thức ăn mang đi. Lệnh cấm được dỡ bỏ ngày 16/2, sau 14 năm áp dụng ở Trung Quốc đại lục.

 

Ông Dong Jinshi nói rằng, polystyrene chủ yếu được làm từ polystyrene bỏ đi sau khi được dùng để bọc tủ lạnh, ti-vi, nên không đủ độ an toàn để đựng thức ăn.

 

Tuy nhiên, ông Cao Jian, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Nhựa Trung Quốc, cho rằng, công nghệ tái chế hiện nay đã được cải tiến nên hộp xốp chịu được nhiệt, dầu mỡ và nước, nên có thể dùng để đựng thực phẩm.

 

“Polystyrene rất xốp. Khi bị đun nóng trong lò vi sóng hoặc đựng thức ăn có nhiệt độ trên 70 độ C, nó sẽ giải phóng ra các hóa chất độc hại”, ông Dong khẳng định. Một nhà sản xuất hộp xốp nói rằng, một số nguyên liệu tối màu nên phải dùng chất tẩy trắng.

 

Theo ông Dong, bất chấp lệnh cấm, hộp xốp đựng thức ăn vẫn được sản xuất, sử dụng ở Bắc Kinh nhiều năm qua. Ở Trung Quốc, khoảng 100 triệu hộp polystyrene vẫn được sản xuất mỗi năm, và “khoảng 20% bộ đồ ăn dùng một lần ở Bắc Kinh hiện nay được làm từ polystyrene”, ông nói. Theo ông, hơn 50% hộp xốp đựng thức ăn ở Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn quốc gia.

 

Mỗi năm, Trung Quốc chặt 20 triệu cây 20 năm tuổi để làm ra 80 tỷ đôi đũa dùng một lần, theo đại biểu Quốc hội Trung Quốc Bai Guangxin, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Rừng Cát Lâm.

Theo YM