Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hồ Dầu Tiếng là nguồn nước rủa mặn cho sông Sài Gòn
Ông Nguyễn Văn Lanh, phó trưởng phòng Quản lý nước và công trình – công ty khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà (đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng), cho rằng giải pháp tối ưu để các nhà máy nước Tân Hiệp và Kênh Đông yên tâm là thay thế nguồn nước thô lấy từ sông Sài Gòn bằng nguồn nước lấy thẳng từ hồ Dầu Tiếng.
“Nếu giải pháp này được thực hiện, tôi cam đoan hai nhà máy nước Tân Hiệp và Kênh Đông (sắp vận hành) không phải lo ngại nguồn nước sông Sài Gòn nhiễm mặn hay ô nhiễm. Và ngược lại hồ Dầu Tiếng có thêm nguồn kinh phí để duy tu, bảo quản, đảm bảo hoạt động ổn định”, ông Lanh khẳng định.
Theo thông tin từ hồ Dầu Tiếng, chỉ trong vòng nửa cuối tháng 2.2013 đến nay, đơn vị này đã ba lần xả nước để đẩy mặn cho nguồn nước thô của nhà máy Tân Hiệp lấy từ sông Sài Gòn, với tổng lượng nước phải xả đến 52 triệu m3. Cụ thể, giữa tháng 2.2013, hồ Dầu Tiếng phải xả 13,824 triệu m3. Tiếp đó, chưa đầy nửa tháng, hồ Dầu Tiếng lại tiếp tục xả 17,28 triệu m3. Và mới đây, hồ Dầu Tiếng phải xả thêm hơn 20 triệu m3 nước cũng với mục đích trên.
“Năm ngoái, cùng thời điểm, hồ Dầu Tiếng chỉ xả nước đẩy mặn có một đợt, năm nay tới ba đợt chứng tỏ tình trạng xâm mặn rất căng thẳng. Tuy nhiên, dù bơm nhiều hay bơm ít, theo cơ chế khoán gọn mỗi năm hồ Dầu Tiếng chỉ nhận được khoảng 4,5 tỉ đồng từ công ty cấp nước TP.HCM”, ông Lanh nói.
Theo ông Lanh, hiện tại hồ Dầu Tiếng đủ khả năng đáp ứng chuyện xả nước đẩy mặn, bởi hồ xuống mực nước chết thì vẫn có thể điều tiết qua sàn được vì ngưỡng sàn nằm ở cao trình 13m, trong khi đó cao trình ngưỡng chết là tới 17m. Tuy nhiên, tiền bạc cũng như cao trình nước ở hồ Dầu Tiếng không phải là vấn đề lớn trong chuyện này. Chuyện lớn là đến một lúc nào đó, nếu hồ Dầu Tiếng không thể kham được nhiệm vụ đẩy mặn cho sông Sài Gòn, phục vụ việc tiếp nước cho nhà máy Tân Hiệp và Kênh Đông sẽ đặt thành phố vào thế khó.
Được biết, vào tháng 6.2012, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo trong quy hoạch dự án lấy nước giai đoạn 2010 – 2015 rồi 2015 – 2020 thì hồ Dầu Tiếng có trách nhiệm cung cấp khoảng 1 triệu m3/ngày đêm cho các nhà máy nước của TP.HCM (không còn phụ thuộc vào nguồn nước thô từ sông Sài Gòn).
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi ngày 18.3, ông Khổng Anh Dũng, tổng giám đốc công ty Sài Gòn Dầu Tiếng – đơn vị lập dự án tiếp nước từ hồ Dầu Tiếng về các nhà máy nước Tân Hiệp, Kênh Đông, cho hay, sau hơn gần năm năm xúc tiến (trước chỉ đạo của Chính phủ – PV) thì dự án này vẫn dậm chân tại chỗ. “Mình đã trình dự án từ lâu nhưng các bên chỉ nói đang xem xét chứ chưa có trả lời dứt khoát”, ông Dũng nói. Theo ông Dũng, đứng ở khía cạnh lợi ích chung thì dự án tiếp nước trực tiếp ở hồ Dầu Tiếng hoàn toàn có lợi về mặt xã hội cũng như kinh tế, cả cho TP.HCM lẫn hồ Dầu Tiếng (có nguồn thu để tái đầu tư và bảo quản hồ).
Chia sẻ sự sốt ruột của các bên, ngày 19.3, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Hà Thanh Trung, trưởng phòng Hợp tác phát triển tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco – đơn vị phối hợp với công ty Sài Gòn Dầu Tiếng thực hiện dự án) cho hay “Sawaco hoàn toàn ý thức được tầm quan trọng của dự án cũng như ủng hộ cách làm trên”. Tuy nhiên, sở dĩ hiện tại dự án trên vẫn còn “nằm đó” và Sawaco tiếp tục yêu cầu các bên nghiên cứu thêm là do Sawaco phải chờ kết quả của đơn vị tư vấn nước ngoài đánh giá về thực trạng ô nhiễm của nguồn nước thô tại sông Sài Gòn. Việc đánh giá này sẽ có kết quả vào tháng 6.2013, sau đó Sawaco sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM quyết định về dự án lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng.