Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Quang cảnh hội thảo- Ảnh: VEA
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng: Công tác bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, ngày càng phát huy hiệu lực và hiệu quả. Sau gần 8 năm đưa vào triển khai áp dụng, Luật bảo vệ môi trường 2005 đã góp phần quan trọng bảo vệ, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng. Tuy nhiên trước những yêu cầu của thời kỳ mới, với chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ môi trường 2005 đã bộc lộ một số bất cập như còn có một số điểm chưa đồng bộ, thống nhất với một số đạo luật khác trong hệ thống pháp luật; phân công, phân cấp đối với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các quy định về tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự… chưa phù hợp với thực tế dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Ryutaro Yatsu khẳng định: Công tác sửa đổi luật lần này là một công việc quan trọng để hình thành cơ chế bảo toàn môi trường của Việt Nam trong tương lai. Bộ Môi trường Nhật Bản luôn nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác để cùng các nước khu vực Đông Nam Á giải quyết vấn đề về môi trường. Nhật bản khẳng định sẽ cử chuyên gia đến Việt Nam làm việc và chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp xử lý môi trường trên diện rộng, giải quyết vấn đề môi trường trong lúc Việt Nam đang chuẩn bị sửa đổi Luật môi trường.
Dự thảo Luật bảo vệ môi trường 2005 (sửa đổi) đã bổ sung thêm nội dung mới về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường không khí đó là: Gắn kết bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường với biến đổi khí hậu; bổ sung khái niệm "an ninh môi trường”; nhấn mạnh tăng trưởng xanh, khuyến khích phát triển công nghiệp và đô thị sinh thái; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường; sắp xếp lại các chính sách theo thứ tự ưu tiên. Bảo vệ môi trường không khí quy định mọi nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá, kiểm soát; các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải khí tác động xấu đối với môi trường đều phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý, bảo đảm chất lượng môi trường không khí. Việc xem xét và phê duyệt các dự án có phát thải khí phải căn cứ vào khả năng chịu tải của môi trường không khí, đảm bảo không có tác động xấu đến con người và môi trường sinh thái...
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang phải đối mặt với những sức ép rất lớn về môi trường. Ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị, khu công nghiệp, các làng nghề gia tăng đã trở thành một vấn đề nóng và là mối quan tâm của toàn xã hội.