Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Luật Đất đai (sửa đổi): Cần chú ý đến cuộc sống của người dân sau tái định cư- Ảnh minh họa
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; khắc phục được những bất cập trong Luật hiện hành. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số hạn chế, mới chỉ chú ý đến việc bồi thường giá trị đất và giao đất mới, mà chưa thực sự chú ý đến cuộc sống, sinh kế của người dân sau tái định cư. Thực tế, khi người dân thay đổi chỗ ở là kéo theo những đảo lộn về cuộc sống, nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán. Do đó, quy định về bồi thường cần chú ý hơn đến những khía cạnh này, đồng thời bổ sung nguyên tắc : Trước khi thu hồi đất, phải lập phương án tái định cư rõ ràng, để tránh những vướng mắc trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định rõ hơn về tiền thuê đất, công khai việc bán đấu giá đất và việc bán đấu giá phải được cơ quan, tổ chức có năng lực, thẩm quyền chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Ngọc Đức, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đồng Nai cho biết: Người dân hiện quan tâm nhất đến giá đất, các khiếu nại trong thời gian qua trên lĩnh vực đất đai đa số cũng từ giá đất mà ra. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xác định được giá đất đúng theo cơ chế thị trường. Hiện nay, việc định giá đất chưa hợp lý, cần giao cho một cơ quan độc lập, chuyên nghiệp, bảo đảm công bằng, thỏa đáng. Dự thảo cũng mới chỉ đề cập hình thức thu hồi, song thực tế còn có các hình thức trưng mua, trưng thu, vì vậy Luật cần bổ sung những chương, điều quy định rõ vấn đề này.
V ề cơ chế giá đền bù đất, hiện vấn đề thu hồi đất có 2 dạng: Phục vụ lợi ích quốc gia và cho các doanh nghiệp. Theo các đại biểu, đối với trường hợp đền bù để giao đất cho doanh nghiệp thì phải có thỏa thuận về giá, nếu phục vụ lợi ích quốc gia thì áp dụng theo khung giá của Nhà nước. Vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), một số đại biểu nêu thực tế hiện nay có những khu đất hợp pháp nhưng do thiếu giấy tờ (đất do cha, ông để lại) nên không được cấp sổ đỏ. Để tạo thuận lợi cho người dân, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên có những quy định cụ thể về các trường hợp này.
* Ngày 20/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cán bộ hưu trí, lão thành cách mạng và nguyên Trưởng, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh các khóa về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực với đời sống nhân dân.
Hội nghị nhất trí đánh giá: Sau 10 năm thực thi Luật Đất đai năm 2003 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý đất đai, vận hành thị trường bất động sản. Dự thảo Luật Đất đai lần này còn có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những khuyết điểm, tồn tại trong thời gian qua, đã luật hóa nhiều thông tư, văn bản dưới luật, người dân rất đồng tình, phấn khởi. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lần này vẫn chưa bám sát thực tế. Mặc dù Dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung, nhưng nhiều đại biểu không yên tâm với quyết định thu hồi đất, đề nghị nên thu hẹp diện đất thu hồi; bỏ điều khoản thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội; xét trường hợp đất quốc phòng làm kinh tế, đất công làm kinh tế mà chuyển sang "Phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội". Luật nên qui định về trách nhiệm của nhà nước trong quản lý đất đai khi thu hồi, phải giải quyết ngay việc bồi thường bởi trong thực tiễn sau rất nhiều năm mới giải quyết bồi hoàn, đồng tiền mất giá, chưa kể đến việc thay đổi qui hoạch kéo dài, không đáp ứng được quyền lợi của nhân dân như mục đích và ý nghĩa của Luật.
Hầu hết c ác ý kiến đóng góp đều cho rằng: Đất đai là tài sản gắn liền với sản xuất, đời sống của nhân dân, là điều kiện tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước, như vậy không nên qui kịnh thời hạn sử dụng 50 năm và mức hạn điền, bởi Nhà nước "có giao" thì phải "có gia hạn" sẽ làm lãng phí công sức thời gian và tiền của. Trong thực tế, phần lớn điện tích đất nông nghiệp hiện đã quá thời hạn sử dụng, nên giao đất nông nghiệp trong mức hạn điền 3 ha "được cấp Giấy ổn định lâu dài" , không qui định thời gian và định mức hạn điền bởi Nhà nước đã cho phép nông dân "có quyền được chuyền nhượng".
Luật Đất đai liên quan đến tất cả cộng đồng và hầu hết các lĩnh vực của xã hội, khi thực thi sẽ mang lại quyền lợi và nghĩa vụ rất lớn đối với nhân dân và sự phát triển của đất nước. Hầu hết các ý kiến đề nghị Quốc hội nên lùi thời gian thông qua luật, ít nhất là sau khi Hiến pháp được thông qua để tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp tục nghiên cứu sâu sát hơn, để khi Luật thực thi sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.
* Ngày 20/3, UBND tỉnh Thái Nguyên và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đại diện một số doanh nghiệp, trường học, xã, phường trên địa bàn tỉnh…
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe phổ biến nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Luật gồm 14 Chương, 206 Điều, trong đó nhấn mạnh những Chương mới như: Quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai, gồm 2 mục, 16 Điều (từ Điều 12 đến Điều 27) quy định rõ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai và trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai. Chương IX về hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai gồm 5 Điều, từ Điều 115 đến Điều 119. Tại các Chương có nhiều điểm mới như: Thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân sử dụng là 50 năm; còn thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng không quá 50 năm. Hoặc quy định cụ thể về hạn mức giao đất nông nghiệp; những điểm mới trong nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất (ví dụ: Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch, sau đó giao đất, cho thuê đất... đồng thời bỏ cơ chế giao đất theo dự án, hạn chế giao đất không thu tiền sử dụng đất...).
Hội nghị đã có gần 20 ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo Luật, nhìn chung các ý kiến đều đánh giá cao các nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời đề nghị bổ sung nhiều nội dung, tập trung vào các vấn đề: địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tài chính đất đai và giá đất; giám sát thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai...
Đến nay, Thái Nguyên đã có 100% huyện, thành phố, thị xã tổ chức xong hội nghị lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức lấy ý kiến nhân dân với trên 700 ý kiến tham gia trực tiếp và gián tiếp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp gửi tới cơ quan cấp trên.
* Ngày 20/3, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị triển khai công tác lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với hơn 200 cán bộ lãnh đạo từ cấp xã đến cấp tỉnh tham dự.
UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) phải đảm bảo các yêu cầu: Tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân nhân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân góp ý vào dự thảo; ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, công khai, khoa học; đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm…
Về nội dung, hình thức; Lấy ý kiến toàn bộ Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) gồm các Chương, Điều, Khoản; hiệu lực của Luật; kỹ thuật trình bày các quy định của Luật. Việc lấy ý kiến đóng góp thông qua các hình thức như tổ chức hội nghị; góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm, đối với cá nhân góp ý bằng văn bản gửi qua đường bưu điện không phải dán tem; góp ý thông qua Báo Ðắk Nông, Ðài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Sở Tài nguyên & Môi trường. Ðối tượng lấy ý kiến gồm HÐND, UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chức chính trị xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các doanh nghiệp; các tầng lớp nhân dân…