"Tháng 10/2011, Tuần lễ văn hóa Việt Nam tổ chức tại Berlin, có các gian hàng, các gian trưng bày của các thành phần kinh tế. Trong đó, Tổng cục du lịch có một gian trưng bày của mình. Tôi với tư cách trưởng đoàn Việt Nam tham dự Tuần lễ Việt Nam cùng với thị trưởng Berlin và ông đại sứ nước ta vào gian trưng bày Tổng cục du lịch thì chỉ thấy hai cái máy vi tính nằm chỏng chơ với hai cô nhân viên, ở ngoài đề Tổng Cục du lịch.
Hai máy tính để cho mọi người đến bình chọn cho Vịnh Hạ Long, thông qua bảo trợ của một công ty tư nhân. Mà theo tôi, giá trị bình chọn của công ty đó với bình chọn của UNESCO thế giới thì cái nào giá trị hơn. Đây vẫn đang là vấn đề xã hội đang có nhiều thắc mắc", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết. '
Ảnh tượng Lạc Sơn Đại Phật (Trung Quốc) nằm ngay trong gian hàng chung Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 diễn ra ở Berlin, CHLB Đức |
"Ngay từ tên miền của địa chỉ trang web New7Wonders.com có thể khẳng định đây là website của một công ty, tổ chức cá nhân. Nếu so sánh với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) có thể thấy UNESCO với website mang tên miền chính thức Unesco.org chứ không phải là Unesco.com.
Đó là một công ty tư nhân do nhà leo núi người Thụy Sĩ Bernard Weber điều hành. Bằng khả năng quảng bá, marketing khéo léo, cộng với cách chọn tên của dự án "New 7 Wonders of Nature", "7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới", Bernard Weber đã đánh vào lòng tự hào dân tộc, lôi kéo và đánh lừa được rất nhiều phương tiện truyền thông, thậm chí cả các ban ngành về tài nguyên thiên nhiên và du lịch ở nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, trên website chính thức của UNESCO, các cuộc bình chọn của New7Wonders không được UNESCO ủng hộ và phủ định sự liên quan. Và dĩ nhiên kết quả của các cuộc bình chọn cũng không được UNESCO công nhận".
Tổng cục du lịch đang nhầm tưởng
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhận định: “Tổng cục du lịch vẫn nghĩ đây là một tổ chức bình chọn uy tín của thế giới nhưng thực chất nó là của công ty tư nhân. Nó đứng ra làm cuộc bình chọn này, càng nhiều người vào mạng Internet truy cập thì nó càng được nhiều tiền và mình phải chia tiền lãi với nó”.
Bên ngoài, Weber tuyên bố rằng dự án của mình “phi lợi nhuận”, nhưng sự thật năm 2008, Vịnh Hạ Long đã từng bị rút ra khỏi cuộc bầu chọn của New7Wonders vì không đóng khoản phí 5.000 USD/tháng cho tổ chức này.
Tia Viering, thành viên của New7Wonders nói rằng tổ chức này phải áp dụng hình thức trả tiền để có thêm tiền trang trải khoản chi hơn 15 triệu USD mà chiến dịch "7 kỳ quan mới của thế giới" đã tiêu tốn.
New7Wonders được hưởng một phần cước phí viễn thông mà người bầu phải trả. Thậm chí, nhiều người còn trả tiền mua "sự xác nhận" để có thể bầu thêm nhiều lần trên mạng với giá 2 USD/lần.
Trang New7wonders chỉ là một trang web tư nhân |
Khi được hỏi về N7W, tổ chức UNESCO tuyên bố rằng: “Mặc dù nhiều lần được mời ủng hộ N7W, nhưng UNESCO quyết định không hợp tác với ông Weber. Mục tiêu của UNESCO là giúp các nước xác định, bảo vệ và bảo tồn các di sản thế giới. Cần xác định các tiêu chuẩn khoa học, xác định giá trị của các ứng viên.”
“Cuối cùng, họ công nhận Hạ Long là một trong 7 kì quan thiên nhiên của thế giới. Rõ ràng, Tổng cục du lịch tuyên truyền trên mạng quá giỏi. Tuyên truyền trên mạng giỏi mới có bằng đó phiếu bầu cho chúng ta. Nhưng đó chỉ là công ty tư nhân, chứ không phải UNESCO”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn khẳng định.
Cũng như theo UNESCO, kết quả bầu chọn của N7W không chính xác và không có khoa học.