Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cá tầm mở hướng làm giàu trên vùng đất khó

(09:42:53 AM 20/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên (Yên Bái) Nguyễn Kim Ba cho biết: “Trục đường vào thôn 2 của xã đi lại rất vất vả, nhưng ông Nguyễn Khánh Vị - một người lính bộ đội cụ Hồ năm xưa đã tình nguyện vào đây mở trang trại làm kinh tế, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao.”

Cá tầm mang lại hướng làm giàu mới
 

Theo chỉ dẫn của Chủ tịch UBND xã, chúng tôi vượt qua quãng đường dài lầy lội, đến với trang trại giữa đại ngàn của ông Vị tại xã nghèo vùng 3 này. Từ cung đường cao nhất, nhìn xuống thung lũng nhỏ lọt thỏm giữa núi rừng bạt ngàn, có thể dễ dàng nhận thấy khu trang trại nuôi cá Tầm của ông Vị được xây dựng khá quy mô.

Sinh năm 1960 tại Phú Thọ, sau khi đi bộ đội trở về địa phương, năm 1989 chàng trai Trần Khánh Vị quyết định chọn Lục Yên, một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, làm quê hương thứ 2 của mình. Trải qua những tháng ngày vất vả, cực nhọc với đủ thứ nghề, nhờ chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm, đến năm 2012 ông Vị đã có vốn liếng trong tay để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trang trại. Khi được bạn bè giới thiệu và đi tham quan mô hình chăn nuôi cá Tầm ở một số địa phương khác, ông Vị nhận thấy tại Lục Yên cũng có đủ những điều kiện để phát triển mô hình này. Nghĩ là làm, ông bàn với vợ mua gần 3000 nghìn m2 đất tại thôn 2, tuy là nơi xa xôi, giao thông đi lại khó khăn nhưng lại có nguồn nước sạch, không khí mát mẻ, trong lành, phù hợp với mô hình chăn nuôi cá Tầm. Ông đầu tư xây dựng ao nuôi, xây dựng hệ thống dẫn nước sạch về trang trại. Ban đầu, ông Vị mua 3000 con cá Tầm giống, do chưa có kinh nghiệm nuôi và đây cũng là giống cá mới, lại chưa nắm vững kĩ thuật chăn nuôi, chỉ học hỏi qua bạn bè, sách báo, nên lứa giống mới thả chết với số lượng khá lớn. Khó khăn là vậy nhưng với ý chí, nghị lực của người lính cụ Hồ năm xưa, ông Vị không chịu thất bại, tiếp tục tìm tòi, học hỏi trong sách báo, tham quan các mô hình hiệu quả để có thêm kinh nghiệm, cũng như kĩ thuật chăm nuôi cá Tầm.

Sau một năm, số cá Tầm giống còn lại phát triển khá tốt, đến nay có thể cho thu hoạch cá thịt với cân nặng từ 2,5 kg đến 4 kg/con. Với giá thị trường dao động từ 250 nghìn đến 300 nghìn đồng/kg thì năm đầu thu hoạch, trừ mọi chi phí về giống, thức ăn, thuê nhân công, mô hình nuôi cá Tầm của ông Vị đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Khánh Vị cho biết: “ Trong thời gian tới, ngoài việc phát triển thêm các bể nuôi cá Tầm, ông sẽ đầu tư mở rộng diện tích trang trại kết hợp trồng thêm một số loại cây ăn quả. Cái khó khăn trước mắt là làm sao bảo vệ được nguồn nước đầu nguồn vì nuôi cá Tầm quan trọng nhất là phải có nguồn nước sạch. Việc này đòi hỏi sự vào cuộc, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể về nguồn vốn, cũng như kĩ thuật chăn nuôi cá Tầm…”

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, chịu khó tìm tòi mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, chắc chắn mô hình trang trại nuôi cá Tầm của ông Vị sẽ tiếp tục đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn và quan trọng hơn là sẽ được nhân rộng, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo, trở thành hướng làm giàu của người dân nơi đây.    

Theo TTXVN