Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hình ảnh minh họa
Dưa hấu xuống chân ruộng được xem là cách tăng thu nhập cho nông dân trong những tháng nông nhàn mùa khô ở Nam Bộ. Đặc biệt là những hộ nghèo có được khoản thu nhập khá lớn nhờ vào việc thuê những thửa ruộng của những hộ có nhiều ruộng để trồng màu. Nhờ phát huy được hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể nên trồng cây màu nhất là đưa hấu dưới chân ruộng ngày càng được nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng áp dụng. Đây được xem là cách làm hay của tỉnh Sóc Trăng trong việc tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Năm nào cũng vậy, gia đình chị Mừng ở xã Phú Mỹ luôn trồng vài công dưa hấu dưới chân ruộng, vừa tăng được thu nhập trong những tháng mùa khô, vừa góp phần cải thiện đất canh tác. Chị Mừng cho biết, gia đình chị vừa thu hoạch xong 3 công (mỗi công 1.000m2) dưa hấu, năng suất đạt 3 tấn/công. Cũng theo chị, chưa năm nào giá dưa hấu lại đạt cao như năm nay; với giá bán gần 5.000 đồng/kg, sau trừ chi phí gia đình chị thu lãi trên 20 triệu đồng sau gần 3 tháng, cao gấp 5 lần so với trồng lúa nhưng lại hạn chế được rủi ro vì hạn mặn so với làm lúa vụ 3.
Theo các hộ dân tại các vùng chuyên canh màu của tỉnh Sóc Trăng như Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), An Hiệp (huyện Châu Thành) thì dưa hấu dù chưa đến ngày thu hoạch nhưng đã được thương lái đến “đặt cọc” tại ruộng với giá từ 4.600-5.000 đồng/kg, tùy loại dưa. Đây được xem là giá bán đạt mức kỷ lục với người trồng dưa hấu từ trước đến nay. Anh Trần Minh Tâm, một chủ dựa thu mua dưa hấu ở Sóc Trăng cho biết, ngay từ sau Tết đến nay, đã xảy ra tình trạng hiếm hàng vì nhu cầu tiêu thụ trong mùa khô đang cao nhưng lượng cung không đủ do đa phần người dân đã thu hoạch cao điểm ngay trong đợt Tết Nguyên đán. Hiện, vựa của anh phải đến ruộng đặt cọc trước cho những hộ sắp thu hoạch để “chắc ăn” nguồn hàng.
Theo ngành nông nghiệp Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có hơn 200 ha màu, trong đó, những diện tích màu dưới chân ruộng lại đạt hiệu quả kinh tế cao vì chi phí đầu tư thấp, tránh được sự rủi ro khi đầu tư. Trước thực trạng lúa vụ 3 niên vụ 2012-2013 ở Sóc Trăng mất trắng gần 1.000 ha thì hiệu quả từ mô hình đưa màu xuống chân ruộng, chủ yếu là dưa hấu vừa mở ra cách sản xuất mới trong những tháng nông nhàn mùa khô, vừa là bài học cảnh tỉnh cho chính những hộ dân vẫn còn đang lưỡng lự về sự từ bỏ lúa vụ 3 trong những năm tiếp theo.