Ghi nhận tại nhiều nhà sách ở TP.HCM cho thấy, hầu như hơn một nửa số đầu sách tham khảo dạy cho trẻ em mầm non (khoảng 2-3 tuổi) đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, do các nhà xuất bản/công ty sách của Trung Quốc biên soạn, được các đơn vị phát hành, nhà xuất bản (NXB) ở Việt Nam mua lại bản quyền, dịch sang tiếng Việt, xuất bản và phát hành.
Điều đáng lo ngại là các hình ảnh giúp bé nhận biết, phát triển trí tuệ trong những cuốn sách dành cho giai đoạn đầu đời này đều có “nguyên bản” mang đậm biểu tượng văn hóa, đất nước và kể cả quốc kỳ Trung Quốc.
Bộ sách Tiếng Anh nhập môn (bộ sách dành cho lứa tuổi nhi đồng), do Nhà sách Mỹ Đình và NXB Mỹ Thuật liên kết phát hành, ở tập 1, trang 38, khi dạy bé từ tiếng Anh August (tháng 8), không hiểu vì sao, hình minh họa đính kèm là một cậu bé, giống đóng vai công an, đứng trước lá cờ Trung Quốc.
Nhiều hình ảnh minh họa khác cho những bài học từ tiếng Anh của bộ sách này cũng là bối cảnh, hình ảnh “đậm chất Trung Quốc” như thư viện với chữ tiếng Hoa ở phía trước cổng (trang 39, tập 3), xe cứu hỏa có số 119 là số cứu hỏa của Trung Quốc (trang 42, tập 3).
Cuốn Bách khoa thư đầu đời cho trẻ - Từ điển bằng hình cho trẻ em, với lời tựa “nhận biết toàn diện cho trẻ từ 0-3 tuổi”, do Nhà sách Đinh Tỵ liên kết với NXB Mỹ thuật phát hành, trong trang 14, “dạy” trẻ nhận biết hình chữ nhật với nguyên lá cờ Trung Quốc.
|
Ngoài ra, bài nhận biết những người thân trong gia đình của cuốn sách (trang 36) với hình ảnh mẹ tươi cười trong trang phục sườn xám (trang phục truyền thống Trung Quốc).
Những hình ảnh giúp “phát triển toàn diện cho trẻ”, giúp trẻ nhận biết các sự vật, sự việc của cuộc sống xung quanh “đầy” hình ảnh Trung Quốc như thế này đang tràn lan trong các đầu sách tham khảo, sách dạy trẻ em Việt Nam, được bày bán tại các nhà sách.
Sách tràn lan, lập lờ nguồn gốc
Tại Hà Nội, dạo qua một số nhà sách: Trí Tuệ (đường Hồ Tùng Mậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), nhà sách Nguyễn Văn Cừ (đường Xuân Thủy, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), nhà sách Tiến Thọ (đường Láng, Q.Đống Đa, Hà Nội)… số lượng sách dành cho thiếu nhi “nhập khẩu” từ Trung Quốc khá nhiều, trình bày bắt mắt, chủ yếu do các NXB Hồng Đức, Dân Trí... liên kết với các đơn vị khác hợp tác biên dịch, in ấn rồi xuất bản.
Cuốn Những câu chuyện trẻ em yêu thích nhất do NXB Dân Trí phối hợp với Công ty Hương Thủy in ấn xuất bản, lấy nguồn từ NXB Mỹ thuật Giang Tây (Trung Quốc); Tủ sách mầm non do NXB Dân Trí phối hợp với Công ty Đông A in ấn, xuất bản, lấy nguồn cũng từ Trung Quốc.
Cuốn Những câu chuyện dạy trẻ trưởng thành (bộ 6 quyển), sách dành cho trẻ từ 2 - 6 tuổi, có nguồn từ Trung Quốc do NXB Hồng Bàng phối hợp với Công ty TNHH TM và DV văn hóa Đinh Tỵ in ấn.
Điều đáng chú ý là, tại các nhà sách, chúng tôi ghi nhận nhiều cuốn sách, bộ sách dành cho trẻ nhỏ được trang trí đẹp, bắt mắt nhưng không ghi rõ ràng nguồn, tác giả mà chỉ ghi người biên dịch.
|
Cuốn Khoa học đơn giản (bộ 10 quyển) dành cho thiếu nhi được đóng thành túi sách, khá bắt mắt do NXB Dân Trí xuất bản, chỉ ghi người dịch.
Như cuốn sách có in cờ Trung Quốc gây bức xúc dư luận là Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 (của NXB Dân Trí phối hợp cùng Công ty TNHH Văn hóa Hương Thủy phát hành) cũng nguồn gốc không rõ ràng. Cụ thể, trong lời giới thiệu của cuốn sách có nói dựa theo chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT, nhưng lại không nói rõ Bộ GD-ĐT Trung Quốc hay Bộ GD-ĐT Việt Nam (trong khi nội dung là hoàn toàn theo chương trình của Trung Quốc). Mặt khác, ở phần nhóm tác giả có ghi là của một số giáo sư đầu ngành nhưng không biết là giáo sư đầu ngành của Trung Quốc hay của Việt Nam, tên tác giả cũng không có.
Thị trường sách thiếu nhi đầy sách từ Trung Quốc, cùng với sự việc sách tham khảo cho trẻ em Việt Nam có in cờ Trung Quốc, hình ảnh đặc trưng văn hóa Trung Quốc và cả sách in bản đồ Trung Quốc với “đường lưỡi bò” 9 khúc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đã gây nhiều lo ngại cho phụ huynh.
Chị Trần Thanh Thủy (nhà ở Q.Đống Đa, Hà Nội) đi mua sách cho con ở nhà sách TiếnThọ trên đường Láng cho biết trước khi vụ sách in cờ Trung Quốc bị phát hiện, chị không hề có tâm lý đề phòng. “Từ lúc đọc báo thấy hiện tượng như vậy, mỗi lần đi mua sách cho con trai 4 tuổi, tôi phải lựa chọn rất kỹ để tránh mua phải sách có nội dung không phù hợp. Dạo này, mấy chị em ở cơ quan thường rỉ tai, tốt nhất không nên mua sách “nhập khẩu” từ Trung Quốc, ít nhiều gì cũng sẽ không phù hợp với con mình. Mỗi đứa trẻ đều như trang giấy trắng, nên phải rất thận trọng khi lựa chọn sách cho con. Tôi cũng mong, những nhà xuất bản, kinh doanh sách không nên vì quá ham chạy theo lợi nhuận mà làm ảnh hưởng không tốt đến thế hệ trẻ”, chị Thủy chia sẻ.
Có cùng tâm lý cảnh giác với chị Thủy là anh Nguyễn Anh Sơn (nhà ở Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Anh Sơn cho biết mỗi lần đi mua sách cho con là mỗi lần phải đối mặt với cơ man đầu sách tham khảo nhập khẩu từ Trung Quốc nên rất sợ mua phải sách không phù hợp cho con. Anh Sơn mong mỏi cơ quan chức năng cần có chính sách hạn chế hoặc kiểm duyệt chặt chẽ hơn những đầu sách cho trẻ có nguồn từ Trung Quốc.
Trong khi đó, trên thị trường hiện nay, sách do chính các tác giả, nhà giáo dục, NXB Việt Nam biên soạn dành cho trẻ em lại rất khiêm tốn. Chỉ có hiếm hoi một vài nhà xuất bản, đáng kể nhất là NXB Kim Đồng, là có nhiều đầu sách dành cho thiếu nhi, với câu chuyện, hình ảnh, nhân vật Việt Nam.
Trước đó, đã có bốn cuốn sách tham khảo, dạy cho trẻ em Việt Nam ở lứa tuổi mầm non có in cờ Trung Quốc được phát hiện: Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ (Công ty văn hóa Hương Thủy và NXB Dân Trí), Bé làm quen với chữ cái (hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1, Công ty cổ phần Dịch vụ văn hóa sư phạm và NXB Ðại học Sư Phạm), 10 phút cho bé trước giờ đi ngủ (tập 2: Bồi dưỡng tình cảm) và Trắc nghiệm trí tuệ toàn diện cho trẻ (Công ty Ðinh Tỵ và NXB Mỹ Thuật).
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phản ánh một ấn phẩm hướng dẫn tô màu dành cho trẻ mẫu giáo, với 12 con giáp của Trung Quốc. Đó cuốn Cầu vồng kỳ 9, do NXB Dân Trí xuất bản, phát hành tháng 2.2013. Ấn phẩm này gồm các bài viết có chủ đề ngày tết cổ truyền với những phong tục, tập quán, món ăn, loài hoa cắm ngày Tết của người Việt. Thế nhưng ở trang 24 của cuốn tạp chí này, trong hình 12 con giáp lại xuất hiện con thỏ (là con giáp của Trung Quốc) thay cho con mèo như đúng truyền thống của Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 12.3, Phòng Văn hóa-Thông tin Q.10 (TP.HCM) tiến hành kiểm tra và phát hiện tại Nhà sách Nhân văn (875 Cách Mạng Tháng 8, P.15, Q.10) bộ sách dạy Tiếng Hoa dành cho trẻ em có in bản đồ Trung Quốc với “đường lưỡi bò” vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Bộ sách này gồm 3 tập, phần nội dung sai phạm nằm ở bài số 14, trang 35, tập 1, do NXB Tổng hợp TP.HCM liên kết với Công ty cổ phần giáo dục và công nghệ Thế Giới Thông Minh xuất bản và phát hành. |