Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Làm gì cho diêm dân cứu lấy nghề muối

(08:47:35 AM 18/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Những cơn mưa trái mùa sau Tết Nguyên đán đã làm cho hàng ngàn ha muối của Bạc Liêu chuẩn bị thu hoạch chìm trong nước, thiệt hại trên 8 tỷ đồng. Thiệt hại nặng nề nhất là diêm dân huyện Đông Hải, nơi sản xuất muối lớn nhất của Bạc Liêu với hơn 1.958 ha chuẩn bị thu hoạch mất trắng.

Hình ảnh minh họa

 

Năm nay, do mưa xuất hiện bất ngờ vào ban đêm nên bà con ở đây không kịp trở tay. Đợt mưa này, Bạc Liêu mất khoảng 60% lượng muối. Trên các đồng muối xác xơ, diêm dân đang gắng sức cải tạo lại đồng.

Ông Trần Văn Thảo, diêm dân ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Thịnh), than thở: “Nghề muối phụ thuộc vào ông trời nhiều lắm. Nếu thời tiết tốt, nắng, nhiệt độ cao, thì không chỉ trúng mùa mà hạt muối làm ra còn rất đẹp. Nếu thời tiết cứ ẩm thấp, mưa gió thất thường, thì mình thất thu bởi chất lượng hạt muối không cao, bán không được giá. Đợt mưa vừa qua, tôi chỉ thu hoạch được 0,8/2,8 ha muối, mất trắng 2 ha. Tôi như vậy là còn may, nhiều hộ khác phải trắng tay, không thu được hạt muối nào”. 

Người làm muối không chỉ đối mặt với thời tiết, mà còn phải giải quyết khó khăn đầu ra cho hạt muối. Ngoài “ông trời”, diêm dân còn phụ thuộc vào thương lái. Vất vả hàng tháng trời làm ra hạt muối, bà con chỉ mong bán được giá, vậy mà năm nào cũng bị thương lái ép giá. 

Việc thu mua muối của diêm dân phần lớn phụ thuộc vào thương lái hay phải thông qua các điểm thu mua đầu mối. Thông thường, muối thu mua tại ruộng rẻ hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/giạ (giạ 15 kg) so với bán trực tiếp cho các công ty. Dù biết bị ép giá, nhưng diêm dân vẫn phải bán. Ông Hứa Văn Niên, diêm dân ở ấp Vĩnh Mới (xã Vĩnh Thịnh) nói: “Những diêm dân có diện tích làm muối nhiều, có vốn thì có điều kiện vựa muối lại để chờ giá cao mới bán. Còn những người có diện tích sản xuất nhỏ, phải vay mượn tiền đầu tư thì dù giá muối có thấp cũng phải bán để trang trải chi phí. Dựa vào khó khăn này mà các thương lái thay nhau ép giá”. Đó là chưa kể mỗi khi thu hoạch rộ là muối “bỗng dưng mất giá” mà không rõ nguyên nhân. Từ đầu năm đến nay, giá muối đã nhiều lần giảm, hiện giá chỉ còn từ 1.100 - 1.200 đồng/kg đối với muối đen và từ 1.500 - 1.600 đồng/kg đối với muối trắng, giảm so với thời điểm tháng 1/2013 từ 1.000 - 1.200 đồng/kg. 

Diện tích sản xuất muối năm nay của Bạc Liêu giảm hơn 400 ha so với vụ muối năm 2012, chỉ còn hơn 2.668 ha; đặc biệt, muối trải bạt, muối trắng chất lượng cao hiện chưa đến 100 ha. Nguyên nhân là do diêm dân không có vốn để thực hiện mô hình sản xuất này. Trong khi Ngân hàng không còn ''ngó ngàng'' đến nghề muối, dù biết sản xuất muối theo mô hình trải bạt là ''tối ưu'', năng suất cao, bán có giá, nhưng đa số diêm dân đành bó tay.

Nghề làm muối lắm rủi ro, song với diêm dân đó là “cái nghiệp” đã trót mang. Gương mặt ướt đẫm mồ hôi, chị Tư - diêm dân ở xã Điền Hải (huyện Đông Hải), đang cố tận thu những hạt muối còn sót lại trên đồng sau những trận mưa trái mùa. Chị Tư bộc bạch: “Của đổ thì hốt chứ bỏ tội lắm! Hơn nữa, nghề muối là nghề của ông bà để lại, nên dù có vất vả đến mấy mình cũng phải gìn giữ”. Còn ông Ngô Văn Dứt, diêm dân ấp Vĩnh Hòa, cho rằng: “Đã chọn cái nghề này, thì coi như mình chấp nhận phơi nắng cùng hạt muối. Vất vả mấy chúng tôi cũng chịu được. Những năm gần đây, do mưa gió thất thường, giá muối thấp, người làm muối nhiều lúc trắng tay. Tôi đã làm nghề này hơn 30 năm chẳng qua chỉ vì yêu nghề, chứ thu nhập từ hạt muối mang lại chẳng là bao”.

Tình yêu của diêm dân đối với hạt muối là thế, nhưng không biết tình yêu đó có mãi vững bền khi sự nghiệt ngã của thiên tai, thị trường cứ thay nhau đẩy diêm dân vào cảnh khó khăn. Muối Bạc Liêu đã có thương hiệu và nổi tiếng từ xa xưa, sao diêm dân vẫn nghèo? Muối sản xuất ra nằm đầy đồng, nhưng ngành quản lý vẫn thông báo Việt Nam nhập khẩu muối?

Thực tế, không phải là không có lối ra cho nghề muối. Nếu ngành quản lý có quyết tâm vì diêm dân, thì nên kiên trì thực hiện vận động diêm dân liên kết làm ăn theo mô hình tập thể, để có được tư cách pháp nhân, để có thể vay vốn ngân hàng tổ chức lại sản xuất theo mô hình làm muối trải bạt tiên tiến; vận động, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân xây kho chứa muối. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, cập nhật lịch thời tiết cho bà con cũng rất quan trọng...

Được ngành chức năng hỗ trợ kịp thời khắc phục thiệt hại do đợt mưa trái mùa sau Tết Nguyên Đán vừa qua, diêm dân Bạc Liêu đã ổn định lại sản xuất; tuy nhiên họ lại tiếp tục với nỗi lo mới, muối rớt giá. 

Thực hiện chính sách hỗ trợ diêm dân bị thiệt hại là cần thiết, nhưng đây cũng chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời, chưa bền vững khi sản xuất muối hiện nay vẫn gặp khó từ đầu vào đến đầu ra. Đã đến lúc cần có những giải pháp căn cơ đối với nghề muối ở Bạc Liêu.

Theo TTXVN