Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Công nghệ NANO ứng dụng vào đặc sản miến dong

(17:52:32 PM 17/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Cây dong riềng từ lâu đã trở thành cây xoá đói giảm nghèo đối với bà con nhiều vùng ở Bắc Kạn. Tuy nhiên để nâng cao giá trị kinh tế loại cây này trong quá trình chế biến là một bài toán khó. Ông Trịnh Đình Năng – Giám đốc Công ty TNHH nhiệt công nghệ Hỏa Tự Long (Bắc Kạn) đã tìm ra lời giải bằng phát minh "khoa học" của mình.


Hình ảnh minh họa

Ông Trịnh Đình Năng đã mạnh dạn nghiên cứu, thử nghiệm và thành công với công nghệ Nano trong sản xuất miến dong với một quá trình sản xuất khép kín nhằm nâng cao giá trị thành phẩm.

Quy trình công nghệ của ông có nhiều điểm sáng tạo như sau: Củ dong ban đầu được làm trắng đều 40 phút qua 2 chu trình (rửa củ và bóc vỏ), quy trình này đã tiết kiện được tài nguyên nước. Sau khi củ dong riềng được làm sạch sẽ qua máy nghiền sơ cấp, tại đây củ được nghiền nhỏ tới kích cỡ 1mm với chuyển động khép kín xuống máy nghiền Nano. Máy nghiền Nano có chức năng phá vỡ cấu trúc tinh, nghiền sơ nhưng không nghiền vỡ bao thể tinh bột. Tinh thể bột dong riềng có cấu trúc hình cầu, tính đàn hồi như quả bóng. Lợi dụng tính chất này máy nghiền Nano đã tạo ra sản phẩm hỗn hợp dịch sơ và bao thể tinh bột.

Sau đó đến máy gia tốc tách bã, có chức năng tách những sản phẩn có kích cỡ lớn hơn do gia công bị lỗi. Sản phẩm qua khâu này khi quay lại chu trình gia công lại không bị lãng phí. Máy tách nước sẽ có chức năng vắt khô tinh bột để chuyển sang máy sấy. Hệ thống lò sấy khô tinh bột dong riềng được hoạt động như sau: Tinh bột được vắt khô, máy sấy bột là một hệ thống lò lớp sôi điều khiển nhiệt tự động, không khí sấy là khí sạch mang nhiệt. Nhiên liệu tạo nhiệt là khí ga từ lò Bioga của hệ thống nhà máy.

Bể tách bã Bioga có chức năng tách bã Bioga lọc nước sạch thải ra môi trường . Bã dùng để đóng than, củi đốt lò phục vụ sản xuất. Sản phẩm cho ra là bột khô đóng bao, dễ bảo quản sau thu hoạch củ dong riềng.

Hiện nay ở nước ta bình quân 10kg (củ dong riềng) chỉ cho 1,8kg (bột ướt) tức được 18% (hay cao nhất ở Lai Châu cho 24%). Nhưng với mô hình sản xuất của ông Năng sẽ cho 4kg (40%), cao gấp đôi so với công nghệ cũ. Trung bình một ngày cơ sở sản xuất của ông tiêu thụ 25 tấn củ, cho ra 6,25 tấn miến dong và 4 tấn bột khô.

Phát minh của ông còn giúp bảo vệ môi trường vì bao nhiêu chất phụ gia như: bã, vỏ…được cho xuống bể Bioga làm chất đốt , đó là nơi nhận chất thải của máy bóc vỏ, xơ, nước sinh học do quá trình sản xuất của toàn bộ nhà máy thải ra , được cấy vi sinh tạo ra khí CH4 (mê tan) thành năng lượng đốt lò tải nhiệt cho sấy bột và dây chuyền chế biến miến. Năng lượng tái tạo làm giảm khí thải dioxicacbon ra môi trường không gây ô nhiễm môi trường xung quanh nơi sản xuất, nước thải ra môi trường là nước sạch. Trong khi công nghệ chế biến tại các tỉnh Hà Tây, Lai Châu thải ra môi trường 70% khối lượng sản phẩm đầu vào. Công nghệ của ông Năng chỉ tốn 40lít nước/kg bột so với 80 lít nước/kg bột và tiêu tốn 50% điện so với công nghệ truyền thống.

Dong riềng cho hiệu quả kinh tế cao, lại là cây chịu hạn tốt, dễ trồng ít bị sâu bệnh....do đó diện tích dong riềng ở Bắc Kạn không ngừng tăng lên. Đến năm 2012, diện tích được mở rộng lên trên 1.840 ha, tăng gần 4 lần so với năm trước.

Miến dong Bắc Kạn đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Nhãn hiệu tập thể, trở thành thương hiệu được ưa thích trong cả nước về chất lượng cũng như hương vị đặc trưng. Bắc Kạn có 66 điểm sản xuất miến dong vừa và nhỏ nhưng hiệu quả đem lại không cao, công nghệ còn lạc hậu nên còn lãng phí khi hàm lượng bột chiết xuất thấp. Để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất miến dong thì cần có một dây chuyền sản xuất khép kín làm sao vừa tiết kiệm được chi phí vừa đem lại giá trị cao nhất.

Với công nghệ Nano của ông Năng, nó như một “vòng quay” tái tạo sản xuất ra bột khô đóng bao, để được lâu, dùng để sản xuất miến dong khi khan hiếm nguyên liệu. Đây là dây chuyền sản xuất khép kín có nhiều ưu điểm, vừa giúp tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cần được bảo hộ.

Theo TTXVN