Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tổng cục Du lịch nói "sơ suất’ là không hợp lý

(10:31:41 AM 17/03/2013)
(Tin Môi Trường) - "Tôi cho rằng đây là một sai lầm rất thô thiển, nhưng nó để lại hậu quả không phải nhỏ, mà là một hậu quả lớn", Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn.

PV: -Trong Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 tại thủ đô Berlin CHLB Đức, ngay trong gian hàng trưng bày của Tổng cục Du lịch Việt Nam lại treo bức ảnh Lạc Sơn Đại Phật tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở miền Nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Tổng Cục du lịch đã phân trần rằng sự nhầm lẫn đáng tiếc này là do bên thi công. Đem chuông đi đấm nước người, mà nhầm cái bé như thế, theo con mắt của một nhà ngoại giao, ông có nhận xét gì, thưa ông? 
 
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: - Tôi cho rằng đây là một sai lầm rất thô thiển, nhưng nó để lại hậu quả không phải nhỏ, mà là hậu quả lớn. Phải cám ơn người chụp bức ảnh đưa lên facebook chứ không phải phê bình họ. 
 
Chính nhờ họ mới phát hiện được sớm sự việc, không có bức ảnh đưa lên ngay thì bạn bè quốc tế, khách tham quan du lịch sẽ nhìn thấy, tại sao gian hàng của Tổng Cục du lịch lại treo ảnh phong cảnh Trung Quốc?Lúc đó còn khó xử lý hơn nhiều.
 
Không được phê bình vì họ đã kịp thời báo động và thức tỉnh những người có trách nhiệm, bởi vì họ không biết góp ý cho ai. Một cá nhân chưa chắc người ta đã nghe mà phải có dư luận xã hội.
 
Tất nhiên cá nhân nào, tổ chức nào cũng vậy khi mà có những hiện tượng phê phán thì cũng tìm những lí do tốt nhất để làm giảm khả năng, nguy cơ trầm trọng của khuyết điểm đó. Nói cách khác, đó chính là tìm một biện pháp tốt nhất để né tránh trách nhiệm, chúng ta không dám nhìn thẳng vào vấn đề. 
 
Bức ảnh treo nhầm trong gian hàng của Tổng cục du lịch Việt Nam
Bức ảnh treo nhầm trong gian hàng của Tổng Cục du lịch Việt Nam
 
Trong phỏng vấn Tổng Cục du lịch trên các báo về vấn đề này, thông tin được biết là tất cả các tranh ảnh của gian hàng trưng bày đó đều do Tổng Cục du lịch cung cấp. Thế bức ảnh lạ đó chui vào đấy thì lãnh đạo Tổng cục hoặc các cơ quan chức năng của Tổng cục phải phát hiện ra ngay. 
 
Cũng như đầu năm 2011, khi chúng tôi xảy ra sự cố cờ Trung Quốc 4 sao thành 5 sao thì dư luận phát hiện ngay. Có những người còn nâng quan điểm lên là liệu có vấn đề gì trong chuyện chủ ý ngầm không, mặc dù đây là một lỗi kĩ thuật chúng tôi kiểm điểm nghiêm khắc trong ngành ngoại giao.
 
Chúng tôi đánh giá đây là một khuyết điểm lớn chứ không nhỏ, vì vậy vấn đề này là vấn đề chúng ta cần nhìn lại một cách thẳng thắn, chúng ta phải dũng cảm, giống như Chủ tịch nước nói chúng ta đang thiếu sự dũng cảm và không dám nói thật. 
 
Đây là một nhầm lẫn, nó rất thô thiển, rất ngờ nghệch, tôi chưa nói có dụng ý gì không. Tại sao lại có bức ảnh phong cảnh Trung Quốc lọt vào trong gian hàng của du lịch Việt Nam ở một hội chợ lớn như thế, mà đến phút chót không ai biết? Sáng mùng 6 là khai mạc, nếu như không có người đưa bức ảnh lên thì liệu có phát hiện ra không? Phải lường được hậu quả của nó còn tồi tệ hơn nữa và phải nhìn thẳng vấn đề. 
 
Một khi xảy ra sự cố, nói thật, cũng khó có ai dũng cảm đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Dù rằng Vietnam Airlines có tham gia, dù rằng công ty thiết kế và lắp đặt các khu trưng bày của các doanh nghiệp tham dự hội trợ, họ là các tổ chức doanh nghiệp thì đầu mối vẫn là Tổng Cục du lịch. Tổng cục là người thuê mặt bằng, người cung cấp, cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm cung cấp tất cả các ảnh trưng bày ở đó, thế ảnh đó ở đâu lọt vào hay có bàn tay nào khác, tổ chức nào khác đưa vào?
 
Đổ cho Vietnam Airlines cũng không được, tôi cho là không công bằng khi đổ lỗi cho đơn vị thi công. Trách nhiệm của Tổng Cục du lịch là người thuê mặt bằng, cung cấp tư liệu, phải có cán bộ giám sát, hay nói vui các sếp lại đi hát karaoke. 
 
Tôi cho là muốn hay không muốn trách nhiệm chính vẫn là Tổng Cục du lịch, chứ không phải Vietnam Airlines, đơn vị thi công. Đã là đầu mối thì anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi chuyện xảy ra. Sơ suất ở đây nếu không có vấn đề khác thì nó chính là tinh thần, trách nhiệm. 
 
PV: - Rất nhiều độc giả cho rằng khó có thể có sự ‘nhầm lẫn’ về danh thắng Lạc Sơn Đại Phật của Trung Quốc với bất kỳ danh thắng nào của Việt Nam, vậy nhưng sự ‘nhầm lẫn’ đã xảy ra, chúng ta phải gọi đó là sơ suất nhỏ hay là cách làm việc thiếu trách nhiệm với văn hóa Việt? 
 
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: - Nói sơ suất là không hợp lý. Nói là lạc một cái ảnh, một địa danh rất nổi tiếng của Trung Quốc, một bức ảnh lớn như thế vào trong một gian trưng bày như vậy thì không hợp lý. Làm công tác du lịch là trước nhất phải thuộc như lòng bàn tay, như thuộc câu ca dao tục ngữ của chúng ta về các danh thắng, về các địa danh mà chúng ta gọi là các di sản nổi tiếng của chúng ta, hay là những danh thắng nổi tiếng của chúng ta. Tôi nói là Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cát Bà, Hồ Ba Bể...tất cả những địa danh chỉ cần nhìn là chúng ta biết. 
 
Giờ nói là nhầm lẫn do không biết thế thì cái tính chất chuyên môn trong công tác du lịch nó ở chỗ nào? Càng có ý kiến né tránh thì nó lại càng làm cho người ta thêm tò mò, càng né tránh thì càng làm cho dư luận thêm bức xúc. 
 
Chúng ta phải dám nhìn vào sự thật, dám dũng cảm và tôi vẫn mong muốn Tổng Cục du lịch phải luôn nhìn vào sự thật vì ngành du lịch là ngành rất có lợi thế ở nước ta. Một quốc gia có rừng có biển, có nhiều danh thắng, nhiều di sản trong tất cả các lĩnh vực vật thể, phi vật thể, tự nhiên, sinh quyển, mà chúng ta lại để hình ảnh Việt Nam lu mờ trong con mắt khách du lịch quốc tế. Nhiều người nói sẽ không đến lần thứ hai nữa nên chúng ta càng phải suy nghĩ. 
 
PV: -Ông đã từng lên tiếng về trách nhiệm quảng bá hình ảnh đất nước ra cộng đồng quốc tế của Tổng Cục du lịch Việt Nam, vậy ‘sự cố’ đáng tiếc lần này xảy ra ông có ngạc nhiên không, thưa ông?
 
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: - Tôi thực sự không ngạc nhiên. Tôi suy nghĩ nếu như Tổng Cục du lịch không nghiêm túc mà rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức các hoạt động quốc tế và không có chiến lược toàn diện về phát triển du lịch Việt Nam thì sẽ còn nhiều khuyết điểm xảy ra và có thể sẽ trầm trọng hơn. 
 
PV:- Kiều bào tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế ITB có phản ánh gì về sự việc này không? Uỷ ban nước ngoài tại Đức nói gì về ‘sự cố’ này, thưa ông? 
 
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: - Kiều bào tôi cũng chưa vào mạng để xem, nhưng có một số kiều bào đang đầu tư về trong nước họ cũng có những phản ứng không hay. Một số cá nhân vẫn thường trao đổi với tôi tâm huyết phát triển du lịch Việt Nam, bản thân họ cũng rất muốn làm, nhưng họ chưa tự tin vì họ thấy khả năng tham gia chưa đạt hiệu quả tốt nên chưa làm.
 
Họ cũng có nói đấy là một sự việc rất đáng tiếc, nhưng cũng như tôi nói, họ cũng có nói, nếu như không rút ra bài học xương máu thì sẽ có những cái khác trầm trọng hơn. Đây là một sơ suất nó rất thô kệch, nhưng nó không phải là nhỏ, từ cái này nó sẽ ra những cái khác. 
 
Tôi chưa nghe báo cáo và cũng chưa nghe trong Bộ ngoại giao có thông tin của cơ quan đại diện Bộ ngoại giao thông báo về, nhưng tôi cho rằng tất cả những thông tin đã được đưa lên mạng là đầy đủ, dư luận xã hội đã phản ứng ngay. 
 
PV:- Thưa ông, để những "sự cố" đáng tiếc và vô cảm như thế không xảy ra nữa, chúng ta cần phải làm những gì?
 
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: - Tôi nghĩ là trước hết ngành du lịch phải có một hoạch định, một chiến lược quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, văn hoá truyền thống của Việt Nam với những bước đi rất cụ thể. 
 
Không nên đổ trách nhiệm cho bên thi công hay thiết kế
Không nên đổ trách nhiệm cho bên thi công hay thiết kế
 
Và muốn làm được điều đó, song song với việc chúng ta có những chính sách lâu dài, rất cơ bản thì trước mắt phải tạo ra được những sản phẩm du lịch chất lượng. 
 
Mà những sản phẩm du lịch chất lượng ngay trong Việt Nam hiện nay chúng tôi thấy chưa có. Chúng ta có rất nhiều lễ hội, mùa này đang là mùa lễ hội. Mà lễ hội là một trong những thế mạnh của du lịch, có những lễ hội khách du lịch còn phàn nàn nhiều về môi trường, biện pháp tổ chức, thái độ ứng xử của người dân, độ an toàn. 
 
Ngành du lịch trước hết phải sốc lại đội hình, phải có một đội ngũ làm công tác du lịch với chuyên môn rất cao, với một am hiểu sâu rộng. Không những là lịch sử, văn hoá, địa lý, về truyền thống của đất nước chúng ta mà còn nghiên cứu đáp ứng cả nhu cầu phát triển du lịch Việt Nam trong môi trường chúng ta hội nhập với thế giới. 
 
Tiêu chí của ngành du lich hiện đại mỗi quốc gia là gì? Tôi cho rằng vẫn là chất lượng phục vụ, môi trường của các cảnh quan, danh thắng, các địa danh lớn... Làm được cái đó mới là những bước đi đầu tiên, còn về lâu dài chúng ta phải làm sao hình ảnh quảng bá về đất nước, về con người, về nền văn hoá truyền thống lâu đời của chúng ta, về thế mạnh trong lịch sử của dân tộc ta, các mũi nhọn trong du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, du lịch chiến tranh. 
 
Từ đó ngành du lịch mới rút ra được bài học rất quan trọng nữa đó là muốn hội nhập với thế giới thì du lịch Việt Nam phải có thế mạnh riêng. Chúng ta không thể chạy theo Thái Lan quảng bá du lịch. Những quang cảnh, những địa danh thiên nhiên như du lịch bãi biển họ có rất nhiều, với dịch vụ du lịch cao, chúng ta không phải không làm được như thế, chúng ta có thể làm hơn thế được, nhưng vấn đề chính sách của ta thế nào, biện pháp của chúng ta ra làm sao, cơ cấu tổ chức của chúng ta đến đâu?
 
Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch ở mức độ nào. Tựu trung lại thì ngành du lịch trong những năm vừa qua tuy rằng đã có đóng góp cho đất nước, nhưng nó chưa xứng với tầm một quốc gia ngàn năm văn hiến, một quốc gia có rất nhiều những điều đáng tự hào truyền thống lịch sử của mình với thế giới. Một quốc gia tuy rằng không lớn cũng không nhỏ ở châu Á cũng như Đông Nam Á, có nhiều danh lam, nhiều di sản được thế giới công nhận thì nó chưa xứng tầm. 
 
Tôi mong muốn trong thời gian tới đây, Tổng Cục du lịch hãy cố gắng nỗ lực, nhìn vào thực tế, nhìn vào những cái trong thời gian vừa qua nó đã xảy ra trong ngành. 
 
Nói với lãnh đạo Tổng Cục du lịch với một tâm huyết: chúng ta hãy thận trọng hơn, cụ thể hơn đối với tất cả hoạt động du lịch và chúng ta lắng nghe ý kiến của nhân dân cũng như khách du lịch. 
Theo ĐVO