Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Quyền lợi của người tiêu dùng cần được bảo vệ tại tất cả các quốc gia trên thế giới (Ảnh: Kiều Giang)
Ngày 15/3, hàng năm được chọn làm Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới, do tổ chức Người tiêu dùng quốc tế (CI) - một tổ chức quốc tế của người tiêu dùng, có vai trò như cơ quan toàn cầu và duy nhất cho người tiêu dùng trên thế giới – khởi xướng.
Đây là dịp để cùng chào đón, kỷ niệm và bày tỏ tinh thần đoàn kết trong phong trào người tiêu dùng quốc tế. Nhưng quan trọng nhất, đây chính là thời gian để thúc đẩy các quyền cơ bản của tất cả người tiêu dùng, đòi hỏi những quyền này phải được tôn trọng và bảo vệ, và để phản đối việc nền kinh tế thị trường có thể lạm dụng và những bất công trong xã hội có thể làm suy yếu những quyền này.
Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới được kỷ niệm bắt nguồn từ tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, trong đó, xác định 4 quyền cơ bản của người tiêu dùng: Quyền được bảo vệ; Quyền được thông báo; Quyền được lựa chọn; Quyền được lắng nghe. Sau đó, cùng với sự phát triển của phong trào bảo vệ người tiêu dùng, những năm gần đây, tổ chức Người tiêu dùng quốc tế tiếp tục bổ sung thêm 4 quyền: Quyền được đáp ứng các nhu cầu cơ bản; Quyền được bồi thường; Quyền được giáo dục; Quyền được có một môi trường lành mạnh. Tựu chung lại, cả 8 quyền này chính là những quyền lợi cơ bản cần có của người tiêu dùng cũng như là chủ đề, là công việc mà tổ chức Người tiêu dùng quốc tế cùng với các nhóm bảo vệ người tiêu dùng trên khắp thế giới cùng thực hiện để đảm bảo quyền và lợi ích cho người tiêu dùng.
Trong tuyên bố được đưa ra trước Quốc hội Mỹ ngày 15/3/1962, cựu Tổng thống Kennedy đã từng nhấn mạnh: Người tiêu dùng theo định nghĩa, bao gồm tất cả chúng ta. Họ là những tập đoàn kinh tế lớn nhất gây ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng bởi hầu hết các quyết định kinh tế nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, họ là nhóm quan trọng duy nhất ... mà các ý kiến, quan điểm thường không được lắng nghe.
Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới đã được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 15/3/1983. Hai năm sau, vào ngày 9/4/1985, Đại hội Liên hợp quốc đã chính thức phê chuẩn bản Hiến chương của Liên hợp quốc về Bảo vệ người tiêu dùng. Bản Hiến chương đặt ra các nguyên tắc về 8 quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng cũng như đưa ra một kế hoạch chi tiết cho việc tăng cường các chính sách quốc gia để bảo vệ người tiêu dùng. Với việc thông qua Hiến chương của Liên hợp quốc, những quyền của người tiêu dùng không chỉ được xác định cụ thể, rõ rệt mà còn được đưa lên vị trí hợp pháp trên quy mô toàn cầu khi được công nhận bằng một văn bản chính thức, được thừa nhận ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
Tuy nhiên, những quyền lợi này có thể tiếp tục bị bỏ qua hoặc bị vi phạm bởi các chính phủ, các nhà sản xuất và các nhóm lợi ích. Chính vì vậy, Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới được kỷ niệm cũng nhằm mục đích thu hút sự chú ý của cộng đồng về những hình thức vi phạm như vậy, và thúc đẩy việc áp dụng một nền tảng cơ bản dành cho các nhóm người tiêu dùng tại chính các quốc gia nơi họ hoạt động.
- Quyền được đáp ứng các nhu cầu cơ bản: Có quyền được tiếp cận với các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cơ bản: Lương thực cơ bản, quần áo, chỗ ở, chăm sóc y tế, giáo dục, các dịch vụ công cộng, nước và vệ sinh;
- Quyền được thông báo: Được cung cấp thông tin cần thiết để có thể đưa ra một sự lựa chọn đúng đắn, hợp lý và được bảo vệ chống lại quảng cáo và nhãn hiệu gian dối hoặc lừa đảo;
- Quyền được lắng nghe: Có các lợi ích của người tiêu dùng đại diện trong việc thiết kế và thực hiện các chính sách của chính phủ và trong quá trình phát triển của các sản phẩm, dịch vụ;
- Quyền được bồi thường: Được xem xét, khiếu nại hợp lý, bao gồm cả bồi thường trong trường hợp thiếu, hoặc hàng hoá, dịch vụ bị lỗi hoặc không đạt yêu cầu;
- Quyền được giáo dục: Có những kiến thức và kỹ năng cần thiết để được thông tin nhằm đưa ra sự lựa chọn hàng hoá và dịch vụ với sự tự tin, được thừa nhận các quyền và trách nhiệm cơ bản của người tiêu dùng và làm thế nào để hành động với các quyền và trách nhiệm đó;
Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm 2013 được kỷ niệm với chủ đề "Công lý ngay cho người tiêu dùng!". Với việc lựa chọn chủ đề này, tổ chức Người tiêu dùng quốc tế mong muốn kêu gọi các thành viên và những người ủng hộ nhân cơ hội này để chỉ rõ các thiệt hại thực tế do việc thiếu hoặc không bảo vệ người tiêu dùng, nếu có, gây ra trên thế giới. Đó có thể là các sản phẩm bị lỗi và gây ra thương tích, các nhà cung cấp dịch vụ công cộng bỏ qua khiếu nại vì lợi ích, hoặc ngân hàng cho vay vô trách nhiệm...
Theo tổ chức Người tiêu dùng quốc tế, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn chính là một phần trong số những giải pháp cần có để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tất cả các nước giàu, các nền kinh tế đang chuyển đổi và các nước đang phát triển đều có thể được hưởng lợi nếu tiến hành cải thiện công tác bảo vệ người tiêu dùng và Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới 2013 sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng đến các lĩnh vực cần được cải thiện.
Thêm vào đó, chủ đề này cũng được chọn để phù hợp với những cập nhật và hoàn thiện bản hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng, từ đó để những nguyên tắc này đáp ứng tốt hơn mối quan tâm của người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay.
Trong tuyên bố đưa ra nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm 2013, Giám đốc điều hành tổ chức Người tiêu dùng quốc tế Helen McCallum phát biểu nhấn mạnh: "Bảo vệ tốt cho người tiêu dùng không phải chỉ đơn giản là một vấn đề của pháp luật. Nó có thể đảm bảo công lý, tạo ra một xã hội công bằng hơn và thậm chí cứu được nhiều sự sống... Tôi chắc chắn rằng, các thành viên và những người ủng hộ đều mong muốn cùng tập hợp trong ngày kỷ niệm lớn nhất của thế giới về quyền lợi của người tiêu dùng mà chúng ta đang có”.