Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đẩy mạnh dự án khí sinh học vì môi trường

(08:49:01 AM 15/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Chương trình khí sinh học được Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang phối hợp thực hiện từ cuối năm 2009. Người dân được nhận mức hỗ trợ cho mỗi công trình là 1.200.000 đồng. Dự án này đến nay đã góp phần đáng kể cho bà con bảo vệ tốt môi trường và thúc đẩy chăn nuôi phát triển.


Hình ảnh minh họa

 

Kiên Giang là tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có biển nên nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp và hải sản khá dồi dào là điều kiện cho nghề chăn nuôi phát triển, nhất là chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, phần lớn bà con nuôi phân tán, nhỏ lẻ nên tất cả phân, chất thải đều cho xuống kênh rạch, ao hồ dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này, chương trình khí sinh học được triển khai ở Kiên Giang trong hơn 3 năm qua được bà con ở các địa phương đồng tình hưởng ứng. Mục tiêu của dự án nhằm làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp nguồn năng lượng sạch cho người dân ở nông thôn; tận dụng phụ phẩm khí sinh học cho trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời tạo thêm việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nông dân.

Gia đình chị Trần Thị Thu Trang, ở ấp An Thuận, xã Định An, huyện Gò Quao đã đầu tư xây dựng công trình khí sinh học vào tháng 8/2012, công trình này có thể tích 10 m3, gồm: hố nạp phân, hố chứa khí, hố điều áp và hố nước thải, tổng kinh phí hơn 17 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 1,2 triệu đồng. Nhờ có công trình khí sinh học, gia đình chị Trang giữ gìn môi trường tốt hơn, nuôi lợn cũng ít bị bệnh và tiết kiệm được tiền chất đốt đun nấu cho gia đình. Chị Trang cho biết: Sau khi thực hiện mô hình có rất nhiều lợi ích. Trước đây, cứ 2 tháng là phải tốn một bình gas, giờ chẳng tốn tiền gas mà môi trường cũng không còn ô nhiễm như trước . 

Công nghệ mới được áp dụng trong chương trình khí sinh học ở Kiên Giang là xây dựng công trình cố định theo hình vòm cầu kiểu T1 và T2. Phương pháp thực hiện của khí sinh học ở Kiên Giang là chọn những hộ chăn nuôi ổn định theo quy mô nhỏ và vừa từ 5 - 10 con lợn trở lên; nguồn phân thải tại chuồng nuôi ít nhất từ 20 kg phân mỗi ngày, có mặt bằng thích hợp, tự nguyện đầu tư xây dựng và có điều kiện ứng dụng công nghệ khí sinh học; đồng thời cam kết với dự án là tham dự các lớp tập huấn chương trình khí sinh học, thực hiện việc giám sát, kiểm tra, nghiệm thu cùng với cán bộ kỹ thuật của dự án cũng như vận hành, bảo dưỡng công trình theo đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, dự án khí sinh học ở Kiên Giang còn ưu tiên thực hiện cho các hộ thuộc diện chính sách, xã nghèo, xã nông thôn mới, vùng sâu, vùng xa. 

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Quao nhận xét: Qua mô hình này cho thấy, lợi ích về kinh tế, môi trường và các phế phẩm có thể dùng trong sản xuất nông nghiệp. Hội Nông dân kết hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm bảo vệ thực vật huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ nông dân trong huyện chăn nuôi lợn, thực hiện khí sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế hộ. 

Để các công trình khí sinh học trong chăn nuôi được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật và hoàn thành theo kế hoạch. Ban quản lý dự án khí sinh học ở Kiên Giang đã đào tạo được 14 kỹ thuật viên, 25 thợ xây dựng công trình nhằm đáp ứng nhu cầu cho địa phương đăng ký thực hiện công trình khí sinh học. Qua hơn 3 năm triển khai, dự án khí sinh học ở Kiên Giang đã xây dựng được 854 công trình ở các địa phương trong tỉnh. Các huyện xây dựng công trình này với số lượng nhiều là Tân Hiệp, Hòn Đất, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao và thành phố Rạch Giá. Sau khi có công trình khí sinh học đưa vào sử dụng, nhiều bà con chăn nuôi sử dụng khí sinh học làm chất đốt. 

Theo kỹ sư Phù Khí Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Kiên Giang, trong năm 2013 đã có 400 công trình đăng ký. Trung tâm sẽ phối hợp với các huyện, thị tiếp tục tuyên truyền đến bà con những lợi ích khi thực hiện công trình.  

Theo TTXVN