Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Quy trình ướp xác Lenin diễn ra trong 4 tháng. Mọi cơ quan nội tạng được lấy ra hết, sau đó lồng ngực được rửa sạch bằng nước cất...
Thi hài của Lênin. Ảnh: blogspot.com.
Lãnh tụ Xô viết Lenin
Sau gần hai năm bị các cơn đau và cơn đột qụy hành hạ, Vladimir Ilich Ulianov (Lenin) đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6h50 chiều ngày 21/4/1924. Ngay lập tức, các cơ quan chính thức của nước Nga đã họp để thảo luận vấn đề giải quyết thi hài của Lênin. Theo truyền thống, thi hài Lenin được ướp tạm thời để bảo quản cho tuần quốc tang trước khi an táng, nhưng Stalin đã quyết định ướp xác lâu dài. Những dấu hiệu của sự phân hủy đã xuất hiện trên cơ thể vị lãnh tụ và phải sau gần 5 tuần, vào ngày 13/3/1924, Bộ Chính trị Nga mới đưa ra quyết định "bảo quản thi hài Lênin với nhiệt độ thấp".
Nhưng cái lạnh chỉ khiến tình trạng của thi hài trở nên xấu hơn. Cách ướp xác thông thường, được giáo sư Abricosov sử dụng để bảo quản tạm thời thi hài (tiêm qua động mạch chủ 6 lít cồn, phoocmaldehit và glyxerin) không phát huy tác dụng. Cuối cùng, Stalin nhất trí tiến hành ướp xác lâu dài theo phương pháp của giáo sư Vorobiev. Theo đó, thi hài Lenin được mở ra, mọi cơ quan nội tạng được lấy ra hết, lồng ngực được rửa sạch bằng nước cất. Mặt, hai bàn tay và toàn bộ bề mặt da được phủ bằng khăn ướt tẩm phoormaldehit. Quá trình này kéo dài 4 tháng.
Để hiệu quả hơn và phải được phép của Đảng Cộng sản, các giáo sư đã khía lên bụng, vai, chân, lưng và lòng bàn tay của thi hài lãnh tụ để cho dầu ướp xác thấm vào và ngấm khắp toàn bộ thi thể. Sau đó, họ mới thả Lenin vào bồn cao su ngập đầy thứ rượu thuốc bí mật.
Giáo sư Ilia Zbarxki, người gìn giữ thi hài Lênin, giải thích: "Trong thành phần của dung dịch có glyxerin, axetat kali và clo-quinin. Công thức này đã được nhà bác học Manicov Razvedencov đưa ra vào thế 19. Mỗi tuần chúng tôi lại dùng khăn thấm chất lỏng lên mặt và hai bàn tay của xác ướp". Cho đến nay, hằng năm lăng Lenin vẫn đóng cửa một tháng rưỡi để thi hài vị lãnh tụ này được ngâm trong dung dịch và thấm đẫm nó bằng các chế phẩm hoá học.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành
Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã được các chuyên gia Nga ướp xác sau khi qua đời năm 1994. Hiện nay di thể của ông được đặt trong Cung tưởng niệm Kumsusan.
Trong một bài phỏng vấn trên tờ Moskovsky Komsomolets, ông Pavel Fomenko, người đã tới Triều Tiên hỗ trợ ướp xác chủ tịch Kim Nhật Thành, đã nói rõ hơn về quy trình ướp xác. "Thông thường ba đến sáu chuyên gia tham gia những ca ướp xác. Những ca đặc biệt thì số lượng chuyên gia có thể lên tới bảy. Đầu tiên, tất cả nội tạng được lấy ra, tĩnh mạch bị cắt và máu được lấy ra khỏi các mô của cơ thể. Thi hài được đặt trong một bồn thủy tinh chứa đầy dung dịch để ướp, sau đó đóng lại và được phủ một tấm vải trắng. Những điều kiện khắt khe về nhiệt độ và độ ẩm phải được áp dụng trong phòng chứa thi hài", ông nói.
Dần dần, nước trong các tế bào của cơ thể sẽ được thay thế bởi dung dịch ướp. Quá trình này diễn ra trong khoảng 6 tháng. Fomenko cho biết, chính phủ Triều Tiên đã chi hàng triệu USD để ướp và duy trì thi hài của chủ tịch Kim Nhật Thành.
Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông
Ngày 9/9/1976, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông từ trần. Ngay tối hôm đó, Bộ Chính trị Trung Quốc họp khẩn cấp, xác định phải bảo quản thi thể ông để mọi người đến viếng. Họ ấn định thời gian là 15 ngày.
Sinh thời, Chủ tịch Mao Trạch Đông là người đề xướng chủ trương hỏa táng và là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên ký vào văn bản đề nghị hỏa thiêu thi hài sau khi chết. Vì thế, thời gian bảo quản lúc đầu được ấn định là 15 ngày để tiến hành các hoạt động viếng và truy điệu. Thế nhưng, trong thời gian tiến hành hoạt động truy điệu, ngày 10/9, Trung ương Đảng do Hoa Quốc Phong đứng đầu lại quyết định bảo quản lâu dài thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông, xây dựng lăng mộ để người đời sau được thấy di dung của ông.
Đây quả là một vấn đề lớn đối với các nhân viên y tế. Thông thường sau khi những lãnh tụ chết 2 giờ, thi thể họ phải được giải phẫu, lấy nội tạng ra, dùng hóa chất tẩy rửa mọi mạch máu trong cơ thể, sau đó đem ngâm vào phoóc-môn và một số hóa chất khác để ướp xác. Trong khi đó, thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông lúc đầu lại chỉ xử lý đơn giản, không được rửa mạch máu, nay làm theo quy trình bình thường thì không được nữa.
Cuối cùng, quyết định được đưa ra là lựa chọn phương pháp của các nhà khoa học Bắc Kinh: kết hợp giữa bảo quản ngâm dung dịch với bảo quản khí. Những phần da cần lộ ra bên ngoài như phần đầu và hai bàn tay thì bảo quản bằng khí, còn lại toàn thân không cần bộc lộ thì được ngâm trong chất lỏng. Ngoài ra, họ còn phải áp dụng tổng hợp các biện pháp bảo quản khác như vật lý, quang học. Tóm lại, đó là sự tổng hợp các biện pháp rất phức tạp.
Khi Nhà kỷ niệm mở cửa cho nhân dân vào thăm thì thi hài được đặt vào vị trí mà người ta có thể quan sát nhưng không đổ nước vào trong quan tài. Sau khi đóng cửa, thi hài lại được đưa xuống ngâm trong bồn kín dưới hầm ngầm. Ngoài ra, hằng năm cứ sau sinh nhật Chủ tịch Mao Trạch Đông (26/12) thì Nhà kỷ niệm đóng cửa để nhân viên kỹ thuật ngâm thi hài trong dung dịch một thời gian dài, bổ sung phần nước đã bị mất.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-il của Triều Tiên
Ông Kim Jong-il qua đời ngày 17/12/2011 do một cơn đau tim khi đang trên tàu. Hàng trăm nghìn người dân Triều Tiên đã đổ ra đường phố Bình Nhưỡng, khóc thương thảm thiết trong tiết trời mưa tuyết, khi đoàn xe tang chở thi hài ông Kim Jong-il đi qua các con phố thủ đô.
Một năm sau ngày ông mất, Bình Nhưỡng mới hé lộ thi hài được bảo quản của cố lãnh đạo Kim Jong-il, vẫn trong trang phục khaki. Ông Kim nằm dưới cha ông, Kim Nhật Thành, một vài tầng nhà trong Cung kỷ niệm Kumsusan. Nơi đó từng là văn phòng của chủ tịch Kim Nhật Thành. Thi hài ông Kim Jong-il được phủ một tấm chăn màu đỏ, với ánh đèn chiếu rọi vào gương mặt, trong căn phòng ngập tràn sắc đỏ.