Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Ba dự án, được tài trợ bởi Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA), đều sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các tổ chức dân sự xã hội trong toàn bộ qui trình từ lập kế hoạch, sản xuất và thương mại. Ba dự án có tổng giá trị là 1.5 triệu đô la Mỹ và được thực hiện từ năm 2012 tới năm 2014.
Việt Nam thuộc Khu vực tiểu vùng sông Mê Công cùng với Cam-pu-chia, Lào và Thái Lan. Các chính phủ trong khu vực và đối tác chiến lược của họ hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn trong bài toán cân bằng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường.
WWF cam kết hợp tác với các đối tác liên quan tại Việt Nam để chứng minh rằng có một con đường trong đó phát triển kinh tế có thể song hành với sự khỏe mạnh của hành tinh. Các dự án sẽ hỗ trợ phát triển các khung chính sách về quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên; thử nghiệm và nhân rộng các mô hình cải thiện sinh kế; thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đồng thời đảm bảo lợi ích kinh tế và chi phí sử dụng tài nguyên được chia sẻ cho tất cả các bên liên quan.
Phần lớn dân số Việt Nam phụ thuộc vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên. Trong nhiều trường hợp, sự phụ thuộc này đã tạo ra áp lực cho nhiều khu bảo tồn tại Việt Nam. Đó chính là lý do tại sao các dự án này sẽ tập trung vào nâng cao năng lực và kiến thức cho những người quản lý, phụ thuộc và khai thác nguồn tài nguyên. Đối tác dự án sẽ không chỉ là chính quyền địa phương, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chính phủ mà còn bao gồm các tổ chức dân sự xã hội, cộng đồng và các doanh nghiệp. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên sẽ giúp cho mục tiêu bảo tồn và xóa đói giảm nghèo được thực hiện một cách bền vững.
Ông Jacob Fjalland, cán bộ Quản lý Chương trình Greater Mekong, WWF-Đan Mạch phát biểu: “Nuôi trồng thủy sản, năng lượng và du lịch là ba trong số những ngành phát triển mạnh nhất hiện nay tại Việt Nam, đồng thời cũng tiềm tàng những rủi ro cao về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, nếu phát triển đúng hướng, ba ngành này có tiềm năng rất lớn đối với việc phát triển nền kinh tế xanh bền vững. Đó cũng chính là mục tiêu mà WWF muốn khẳng định và đẩy mạnh thông qua các dự án này.”
Các-bon thấp và phát triển năng lượng bền vững
Kế hoạch tương lai của ngành năng lượng Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu vào khai thác nguyên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quốc gia, tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo cũng đã được chú ý tới. Dự án Phát triển dựa vào phát thải các-bon thấp (LCD) hy vọng thu hút sự chú ý tới các kế hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo bền vững thông qua hỗ trợ phát triển chính sách năng lượng tại cấp quốc gia và cấp tỉnh, đồng thời thử nghiệm và nhân rộng các sáng kiến về năng lượng bền vững và phát thải ít các-bon trong các ngành sản xuất hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các ngành chiến lược tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự án sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách của tỉnh và các doanh nghiệp tư nhân tại Thừa Thiên Huế. WWF hy vọng rằng họ sẽ trở thành những nhân tố chính trong việc thực thi các giải pháp về năng lượng bền vững, phát thải các-bon thấp đồng thời khả thi về kinh tế. Ở cấp quốc gia, dự án cũng sẽ tập trung vào nâng cao năng lực cho các tổ chức dân sự xã hội.
Du lịch có trách nhiệm và Du lịch sinh thái
Mục tiêu của dự án Du lịch có trách nhiệm và Du lịch sinh thái là đưa ra một mô hình cụ thể về khả năng những hoạt động du lịch xung quanh các khu bảo tồn có thể đóng góp một nguồn thu nhập bền vững cho người dân địa phương, từ đó giảm thiểu áp lực sử dụng tài nguyên trong và xung quanh khu bảo tồn. Dự án sẽ hợp tác với các công ty du lịch, các vườn quốc gia (VQG) và cộng đồng địa phương để phát triển mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại khu vực VQG Cát Tiên và Bidoup Núi Bà. Thông qua việc huy động người dân địa phương trực tiếp tham gia các hoạt động, dự án đã hình thành một cơ chế trong đó lợi nhuận từ việc sử dụng tài nguyên được chia sẻ với người dân bản địa, tạo ra một nguồn tài chính bền vững cho chính địa phương. Thành công của mô hình thử nghiệm này sẽ được lồng ghép vào văn bản Hướng dẫn quốc gia về du lịch dựa vào cộng đồng, hiện đang trong quá trình xây dựng và sẽ được áp dụng cho tất cả các khu bảo tồn tại Việt Nam. Đồng thời, hướng dẫn này cũng sẽ tạo điều kiện cho đầu tư du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn.
Nuôi trồng tôm
Chủ trại nuôi tôm sẽ là những nhân tố tạo ra sự thay đổi trong dự án này. WWF sẽ cung cấp các khóa đào tạo về quản lý đảm bảo quy trình sản xuất tôm phù hợp với các tiêu chuẩn Chứng nhận Nuôi trồng Thủy sản (ASC) - bộ tiêu chuẩn về sản xuất, thương mại và đầu tư có trách nhiệm. Sau các khóa tập huấn của WWF, các cán bộ của Trung tâm Khuyến ngư địa phương sẽ là những người trực tiếp hướng dẫn nông dân về sản xuất bền vững.
Bức tranh toàn cảnh
Tháng 12 năm 2011, tại My-an-ma, trong Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 của Khu vực sông Mê Công mở rộng, bao gồm Lào, Thái Lan, My-an-ma, Cam-pu-chia, Tây Nam Trung Quốc và Việt Nam, chính phủ các nước đã thông qua Khung Chiến lược 10 năm của khu vực. Văn bản này tập trung vào các mối liên hệ đa ngành giữa năng lượng, nông nghiệp và an ninh lương thực với vấn đề môi trường, đồng thời thừa nhận biến đổi khí hậu không đơn giản là một quan ngại về môi trường mà là một vấn đề phát triển rộng hơn. Với những kết quả mong đợi, ba dự án chắc chắn sẽ đóng góp một phần vào thực thi khung làm việc này.