Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ngạc nhiên với... tre

(23:41:18 PM 11/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Tre làm xe đạp, nước hoa, tre giải độc môi trường…, nhiều người đến làng tre Phú An, huyện Bến Cát - Bình Dương đã bất ngờ về những ứng dụng của nó

“Đây là  loại tre Miss Bamboo, hoa hậu tre, tre đẹp nhất, da tre mịn màng, mướt như da con gái” - TS Diệp Thị Mỹ Hạnh (giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) giới thiệu về loài tre bà đưa từ Huế về ươm trồng tại làng tre Phú An, huyện Bến Cát - Bình Dương. Ngày 10-3, tại làng tre này, TS Hạnh đã tổ chức hội thảo giới thiệu về bộ sưu tập tre và những ứng dụng từ tre mà bà và các cộng sự đã và đang nghiên cứu. Làng tre Phú An là dự án bảo tồn từng được Liên Hiệp Quốc trao giải thưởng Xích Đạo. Đây là “bảo tàng tre” duy nhất ở Việt Nam.


Xe đạp với khung sườn làm từ tre

Hứa hẹn từ tre

Vào làng tre Phú An, chúng tôi mới biết tre cũng có thể làm nước hoa. Đó là một loại nước hoa màu xanh lơ. TS Mỹ Hạnh cho biết ở Pháp, họ đã dùng tre để chiết xuất ra loại nước hoa này. “Mùi hương của nó thoang thoảng, dễ chịu lắm, cảm giác mát dịu, khoan khoái như đứng dưới lũy tre làng trong buổi trưa nắng gắt” - một cô gái dự hội thảo dùng thử nước hoa này cho biết. Chưa hết bất ngờ vì “nước hoa tre”, chúng tôi lại càng ngạc nhiên với chiếc xe đạp có khung sườn làm từ tre. “Tre dùng làm xe đạp là loại tre đặc ruột, rất chắc, đẹp và rẻ” - một sinh viên tình nguyện hướng dẫn khách tham quan làng tre nói.

Tại làng tre, TS Hạnh cùng các nhà khoa học đến từ Pháp và các nghiên cứu sinh đã phân loại, định danh khoa học cho từng loại tre dựa trên hình thái và cấu trúc gien. Nghiên cứu sâu về các đặc điểm sinh học của tre đã giúp các nhà khoa học tìm ra những ứng dụng đặc biệt từ loài cây quen thuộc này. Một trong những ứng dụng tuyệt vời từ tre mà các cộng sự của TS Hạnh phát hiện là khả năng giải độc, thanh lọc môi trường.
Theo đó, một loài tre có tên là tre đuôi gà được phát hiện có thể xử lý nước thải ô nhiễm của các nhà máy. Thân và rễ cây tre như một bộ phận lọc nước. Vì vậy, thay vì bỏ hóa chất xử lý nước, gây hiệu ứng phụ không tốt, có thể dùng tre như một bộ lọc tự nhiên rất thân thiện.  Ngoài ra, tre khá dễ trồng, tái sinh nhanh, bộ rễ bám chặt vào lòng đất nên cũng được xác định là loại cây ưu việt để hấp thụ khí carbonic, phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn.
TS Hạnh cùng nhiều nhà khoa học cũng đã thực hiện đề tài “Đặc trưng cơ lý tre Việt Nam ứng dụng trong ngành xây dựng”. Nghiên cứu này phân tích các đặc điểm, tính chất cơ lý (thông số về độ ẩm, độ bền chịu uốn, chịu nén, chịu kéo, chịu cắt) của 50 loại tre Việt Nam có mặt tại làng tre Phú An.
Một kiến trúc sư nhận định: “Nắm được các thông số cơ lý của tre, giới kiến trúc sẽ chọn được những chất liệu tre phù hợp để làm nên những công trình bền, đẹp, thanh tao. Cây tre là chất liệu tuyệt vời. Vì thế, quán cà phê Gió và Nước (TP Thủ Dầu Một), công trình với nguyên liệu là 7.000 cây tre, đã đạt giải thưởng kiến trúc quốc tế vào năm 2008”.

Vất vả bảo tồn

TS Hạnh nói chưa bao giờ xã Phú An có bão mạnh nhưng vào ngày 1-4-2012, cơn bão Pakhar đã tấn công vào Đông Nam Bộ, trọng tâm là vào địa bàn xã Phú An.  Khu nhà tranh trong làng tre, nơi các nhà nghiên cứu làm việc, nghỉ ngơi, may mắn không bị thổi bay nhờ được tre che chắn. Tuy nhiên, sức gió quá mạnh, sau trận bão, hàng loạt bụi tre ngã rạp.
Để cứu tre, dựng những bụi tre hàng chục tấn lên cần có xe cẩu, dây thừng, ròng rọc, nhân lực… TS Hạnh cho biết bà đã đi gõ cửa nhiều cơ quan, đơn vị để xin kinh phí cứu tre nhưng đều bị khước từ. May mắn, một số người bạn, nhất là những người bạn ở nước Pháp, đã giúp kinh phí, giúp bà cứu tre. Sau 7 tuần làm việc cật lực, hàng loạt bụi tre đã được dựng lên, làng tre “sống lại”.

Công tác bảo tồn, phát triển cây tre đang bị chính những trí thức trẻ hờ hững. TS Hạnh cho biết học viên do bà đào tạo sau khi ra trường đã không chấp nhận về làng tre Phú An để công tác vì thu nhập thấp. Có người mang tiếng làm việc ở làng tre nhưng một năm chỉ tới làng tre vài lần. TS Hạnh nhìn nhận để có những nhân sự làm công tác, nghiên cứu, bảo tồn tre tốt thì ngoài tâm huyết, họ còn phải có thu nhập xứng đáng. “Nhiều lúc không có tiền để duy trì hoạt động, tôi phải đi bán tre giống cho một nghĩa trang làm cảnh…” - TS Hạnh cho biết.

 

Nhiều giống tre quý được bảo tồn

Hiện làng tre Phú An trồng khoảng 1.500 bụi tre với 350 mẫu tre, chiếm khoảng 90% giống tre ở Việt Nam. Trong đó có nhiều giống quý như Phyllostachys, Bambusa, Teinostachyum, mai ống, vàng sọc, tre ngà…

Làng tre được hình thành từ ý tưởng của TS Hạnh, cùng sự hợp tác của 4 đơn vị: vùng Rhône Alpes (Pháp), UBND tỉnh Bình Dương, Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Về pháp lý, hiện làng tre là trung tâm nghiên cứu trực thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM.

 

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ (NLĐ)