Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vựa lúa Việt Nam có nguy cơ ngập vì trái đất ấm lên

(00:19:11 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Sáng 20/1, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Tài nguyên&Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, 100 năm nữa nếu nhiệt độ trái đất nóng thêm 2 độ C, nước biển sẽ dâng lên 1 mét và 3/4 đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long bị ngập khiến sản lượng lương thực bị mất ít nhất 10 phần trăm.

Sáng 20/1, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Tài nguyên&Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, 100 năm nữa nếu nhiệt độ trái đất nóng thêm 2 độ C, nước biển sẽ dâng lên 1 mét và 3/4 đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long bị ngập khiến sản lượng lương thực bị mất ít nhất 10 phần trăm. 

 

- Việt Nam được nhận định là một trong năm quốc gia chịu tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Vậy xin Bộ trưởng cho biết trong những năm tới chúng ta sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

 

Các nhà khoa học của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng của nước biển dâng đối với Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng ba kịch bản khác nhau: nếu nước biển dâng 1 mét, 2 mét và 3 mét sẽ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam. Gói tài trợ 40 triệu USD của Đan Mạch giúp chúng ta nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của việc này.

 

Trong vòng 100 năm nữa, nếu thế giới không tích cực có giải pháp hạn chế hiệu ứng nhà kính và nhiệt độ trái đất nóng thêm 2 độ C thì chắc chắn ở Việt Nam nước biển sẽ dâng lên chừng một mét. Trong trường hợp này, 3/4 đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long sẽ bị ngập, sản lượng lương thực của chúng ta bị mất ít nhất 10 phần trăm và khoảng 10 phần trăm dân số Việt Nam sẽ mất công ăn việc làm.

 

Chúng ta có bờ biển dài hơn 3.000 km, 28 tỉnh thành phố giáp biển, mỗi năm xuất khẩu chừng năm triệu tấn gạo, vài triệu tấn hải sản, hạt điều, cà phê... nuôi một phần nhân loại. Nếu nước biển dâng, chúng ta phải cắt phần xuất khẩu này. Nhưng có nghịch lý là biến đổi khí hậu cũng sẽ gây hạn hán, nhiều vùng của nước ta sẽ bị sa mạc hóa, không trồng trọt được.

 

Một dấu hiệu đơn giản của nước biển dâng chính là triều cường. Tại TP HCM, triều cường dâng 1,5 mét và cả tuần mới rút hết, gây ảnh hưởng tới nhà cửa, giao thông... Do vậy, chúng ta phải đánh giá hết được mức độ của nước biển dâng và có các kịch bản khác nhau.

 

Triều cường tại TP HCM. Ảnh: Thiên Chương.

Triều cường tại TP HCM. Ảnh: Thiên Chương.

 

- Ông có thể nói rõ hơn tác động của biến đổi khí hậu đối với nạn triều cường ở TP HCM?

 

- Nhiều tỉnh thành phố ở nước ta bị triều cường nhưng TP HCM bị ảnh hưởng nặng nhất vì đây là nơi có kinh tế, giáo dục, du lịch phát triển rất mạnh. Triều cường khiến một số quận của thành phố ngập. Cuối năm ngoái, một số vùng ở đây ngập chừng 1,5 mét, đường sá không đi lại được, máy móc, nhà cửa chìm trong nước.

 

Nguy hiểm của triều cường là dự báo chưa chính xác và báo cũng không kịp để người dân di chuyển. Hiện tượng này mới xuất hiện được mấy năm gần đây và xảy ra khá thường xuyên. Hiện, chưa xác định được thiệt hại về kinh tế nhưng rõ ràng sinh hoạt của nhân dân bị ảnh hưởng.

 

- Vậy Việt Nam có giải pháp gì đối phó với tình trạng này?

 

- Chúng tôi đang nghiên cứu xem có đắp đê biển ở đồng bằng sông Cửu Long hay không và nếu có thì đắp như thế nào, bởi có ý kiến cho rằng đây là đồng bằng tự nhiên nên nếu đắp đê thì ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang nghiên cứu việc sử dụng 40 triệu USD tài trợ này.

 

Nhận thức của người dân thế giới về nước biển dâng đang nóng bỏng. Những hội nghị có nguyên thủ đến dự nhiều nhất hiện nay cũng liên quan đến biến đổi khí hậu. Như hội nghị ở Ba Lan vừa qua có nguyên thủ của 180 nước tới dự và Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn Việt Nam dự hội nghị này.

 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu chưa được như thế. Do vậy chúng ta phải tiết kiệm trong sinh hoạt, chọn công nghệ sạch trong sản xuất để không làm trái đất nóng dần lên. Nước biển dâng như vậy sẽ tàn khốc hơn cả chiến tranh thế giới bởi nó âm thầm, ngấm ngầm từng bước. Vì vậy, cả cộng đồng thế giới phải có trách nhiệm hơn trong vấn đề này.

 

Cánh đồng ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tiến Dũng.

Một góc vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tiến Dũng.

 

- Có khuyến cáo rằng, để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam cần đưa ra mức giá nước hợp lý hơn. Chính phủ Việt Nam suy nghĩ thế nào về giá nước cũng như giá cho thuê đất để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu?

 

- Từ tháng 12/2008, việc tính giá đất được chuyển từ Bộ Tài chính về Bộ Tài nguyên&Môi trường. Chúng tôi mới nhận nhiệm vụ này và đang xây dựng các kịch bản về giá đất. Nhưng tinh thần chỉ đạo chung là chuyển sang đấu giá đất. Loại trừ đất công làm đường, thủy lợi..., còn lại đất dịch vụ, xây dựng nhà máy xí nghiệp, khu công nghiệp, nhà ở... sẽ tiến tới đấu giá.

 

So với giá nước trên thế giới thì giá nước ở Việt Nam là rẻ nhất, gần như là cho không. Do vậy sẽ phải lấy cơ chế kinh tế để điều tiết về vấn đề tài nguyên nước. Ở vùng thừa nước dùng sẽ phải tính giá cao hơn để lấy khoản tiền đó hỗ trợ cho những vùng khô hạn, hạn hán.

 

Ngày 20/1, hội thảo khu vực về thích ứng với Biến đổi khí hậu trong quản lý tài nguyên đất và nước được tổ chức tại Hà Nội. Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Peter Lysholt Hansen cho biết, với bờ biển dài và thấp, thường xuyên bị bão và lốc hoành hành, lượng mưa cao và thất thường, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Còn Bộ trưởng Phát triển Đan Mạch Ulla Tornaes nhận xét: "Cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại trước những hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra đối với con người trên toàn thế giới, đặc biệt là người dân tại các nước đang phát triển - những người có ít khả năng nhất để thích ứng với những biến đổi này".

 

(Theo VnExpress)