Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cái chết trắng bủa vây rừng cao su

(07:40:18 AM 10/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Chỉ trong vòng 2 tuần qua bệnh phấn trắng trên cây cao su đã phát triển nhanh, đến mức phủ kín 9.200 ha, tương đương 100% diện tích cao su đang kinh doanh của Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum (Công ty cao su Kon Tum). Sau mùa rụng lá theo chu kỳ (sau thu hoạch), vườn cao su nơi đây tiếp tục rụng lần 2 và chưa có dấu hiệu dừng. Một mùa cạo thất thu chắc chắn hiện ra trước mắt với cây cao su nơi này.

Bệnh phấn trắng ở cao su

 

Vì bệnh phấn trắng mà năm qua Công ty cao su Kon Tum đã thất thu hàng chục tỷ đồng. Năng suất mủ giảm, thời gian cạo chậm. Các cố gắng của cả công ty để trị bệnh những tưởng đã đem lại bình yên cho cây thì năm nay căn bệnh này lại tiếp tục bùng phát theo cấp số nhân.

Hiện tại, các vườn cây ở Ia Chim, Dục Nông, Đắk Ring…lá cao su rụng phủ kín mặt đất. Tại các cành cây, những bộ lá còn trụ lại thì mặt lá lốm đốm những bào tử nấm phủ trên mặt lá. Sau khi nhị nhiễm bệnh, nấm bắt đầu ăn dần vào biểu bì làm lá rụng trước, sau đó là cuống. Trên cành cây, những chồi non vừa hé nụ cũng lần lượt rụng, cái còn trụ lại cũng co lại vì nấm. Năm nay bệnh bắt đầu xuất hiện trong dịp Tết và chỉ sau 3 ngày đã bùng phát, lan rộng hết các vườn cây. “Chỉ cần thời tiết sương mù lạnh buốt, trưa nắng nóng, chênh lệch nhiệt độ cao thì trong 1 đêm là lá rụng hết. Cùng đó là gió cũng đã góp phần đưa bào tử nấm lây lan rất nhanh” ông Nguyễn Hữu Lợi-Giám đốc Nông trường Ia Chim cho biết.

Đây không phải là lần đầu những vườn cao su này bị bệnh phấn trắng. Trước đó, trong 2 mùa cạo vừa qua vườn cây cũng bị bệnh nhưng lá rụng từng diện tích một. Đến năm nay lá non rụng đồng loạt khiến công tác phòng chống bệnh thêm phần khó khăn và bị động. Theo ông Nguyễn Văn Mân - Phó Tổng Giám đốc Công ty cao su Kon Tum, năm nay mặc dù đơn vị đã dự phòng trường hợp bệnh nấm trắng nhưng tốc độ phát triển của bệnh nhanh, lá rụng cùng thời điểm, thời gian rụng giữa các vườn cây chỉ chênh lệch 7 lệch 10 ngày (các năm gần 20 ngày) là quá nhanh. Trong khi đó, đây là giai đoạn ra lá non nên bộ lá rất mẫn cảm với nấm lại gặp bệnh cùng thời tiết thuận lợi nên công tác phòng trừ gặp nhiều khó khăn.

Trước tốc độ phát triển của bệnh, Công ty đã kịp thời mua thêm 28 máy phun thuốc cao áp, nâng tổng số máy của toàn công ty lên 37 chiếc. Các nông trường còn hợp đồng thuê máy ngoài thêm 10 chiếc nhằm góp sức cùng chống bệnh. Tuy nhiên với diện tích cao su lớn trên 9.200 ha, cây đã lớn thì số lượng máy này quá ít. Bình quân mỗi ngày, làm cật lực thì số máy trên cũng chỉ phun chưa được 1.000 ha. Trong khi quy trình điều trị phải phun thuốc từ 3-4 đợt mới mong cứu được vườn cây.

Tính toán là số máy trên sẽ phụ thuốc được cho khoảng 1.000 ha/ngày nhưng...đó chỉ là lý thuyết. Đến nay sau 2 tuần mà diện tích được phun mới đạt khoảng 7.000 ha cho diện tích phun lần 1. Thêm vào đó những ngày qua, thời tiết ở Kon Tum không thuận cho việc trị bệnh. Gió to, thời tiết nắng nóng, khiến thuốc không bơm lên được ngọn, nắng nóng khiến thuốc bốc hơi nhanh.

Vì vậy mà những ngày qua, Công ty cao su Kon Tum đã huy động tổng lực với phương châm tất cả đều tại chỗ để diệt bệnh cho vườn cao su. Các xe chở mủ được huy động vào chở nước để cấp, pha thuốc phun cây tại chỗ. Cùng đó, mọi người đều ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ. Lịch làm việc của Công ty cũng phải thay đổi. Mọi người tham gia chiến dịch diệt nấm phải làm việc bắt đầu từ 15 giờ ngày hôm trước và kết thúc vào 9 giờ ngày hôm sau. Mỗi máy phun thuốc sẽ do ít nhất 3 người đảm nhiệm thay ca liên tục suốt đêm, bình quân mỗi người làm 4-5 tiếng đồng hồ. “Chúng tôi phải làm đêm vì lúc đó ít gió, không nắng, việc phun thuốc cho cây mới hiệu quả” anh Mân cho biết. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc cũng phát sinh nhiều vấn đề từ chính các máy phun. “Các máy thuê ngoài đã cũ, hay hỏng, chúng tôi không rành, lại làm việc trong đêm nên rất khó xử lý. Ngoài ra, nhiều diện tích không bằng phẳng cũng khiến việc di chuyển máy khó khăn. Khi phun, gặp gió to chúng tôi buộc phải dừng vì có phun thì cũng chẳng lên tới ngọn, thuốc phân tán ra ngoài. Hiệu quả phun ít, tiến độ phun cũng chậm so bình thường. Một số diện tích lá đã nhú nhưng vì thiếu máy nên đành chịu” một công nhân tâm sự.

Sau 2 tuần trắng đêm chống bệnh, công nhân bơ phờ, mệt mỏi. Mặc dù vậy ai cũng quyết tâm làm việc hăng say, cật lực để cứu vườn cây, đảm bảo thu nhập cho mình trong mùa cạo mới. Để hỗ trợ cho công nhân, các nông trường đã tính toán, hỗ trợ ăn uống hợp lý cho anh em. Theo đó, các buổi làm việc này đều tính ngoài giờ, mọi người được phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi tại vườn cây. Tất cả các cán bộ từ cấp tổ đến nông trường đều huy động ra vườn cây. Cùng đó là các ban chỉ đạo cấp công ty, nông trường cũng được thành lập nhằm thúc đẩy, động viên anh em kịp thời…Chính những động thái trên cũng đã giúp mọi người yên tâm chống dịch.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh, anh Mân cho biết thêm: Quan điểm của công ty là tăng nhiều đợt phun thuốc cao su từ 3-4 lần, nếu diện tích nào nặng có thể tăng lên thành 5 đợt phun. Ngoài ra, công ty chỉ đạo các nông trường ưu tiên tập trung ở những diện tích cho năng suất cao (các nông trường Ia Chim, Dục Nông, Đắk Ring, Plei Kần…) nhằm hạn chế được thiệt hại cho vụ cạo. Hiện chúng tôi cũng chưa thể thống kê được thiệt hại nhưng mỗi ha khi phun thuốc cũng tốn hơn 600.000 đồng cho tất cả chi phí.

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh nấm bùng phát mạnh trên cây cao su ở Kon Tum trong những năm qua một phần là do giống cây. Theo đó, khi triển khai trồng cao su thì giống PB235 lúc bấy giờ là loại tốt nhất, năng suất cao nhưng sau này phát hiện giống có mặt hạn chế là rất mẫn cảm với bệnh phấn trắng.

Theo TTXVN