Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chúc mừng chị em 8/3
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng ta chúc mừng những tiến bộ đạt được nhằm thúc đẩy quyền của phụ nữ, vinh danh những nữ anh hùng, những bé gái, những phụ nữ đã làm nên lịch sử ở khắp các xã hội trên toàn thế giới.
Đây cũng là ngày để chúng ta nhìn nhận một cách khách quan về vị trí của chúng ta và xem xét những trở ngại hiện vẫn đang tồn tại. Bạo lực đối với phụ nữ là một trong những vi phạm nghiêm trọng quyền của phụ nữ lan tràn trên toàn thế giới. Bạo lực có ở nhiều hình thức - thể chất, tình dục, tâm lý và kinh tế- nhưng kết quả vẫn là sự vi phạm các quyền cơ bản và phẩm giá con người. Đã có những nỗ lực phối hợp ở mọi cấp độ nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực này nhưng chỉ đạt được những bước tiến rất chậm.
Cuộc tấn công tàn bạo bằng súng ngày 9 tháng 10 năm 2012 nhằm vào một cô bé 14 tuổi Malala Yousafzai vì đã đòi quyền được học tập cho các trẻ em gái nhắc nhở chúng ta về những thách thức phải vượt qua. Đây là lý do tại sao UNESCO đang nỗ lực làm việc với Chính phủ các nước trên thế giới nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái có quyền được hưởng giáo dục có chất lượng trong những điều kiện an toàn. Điều này là thiết yếu không chỉ đối với công bằng xã hội mà còn đối với sự phát triển bền vững.
Ngày 20 tháng 12 năm 2012, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết có tính chất bước ngoặt nhằm tăng cường nỗ lực toàn cầu xóa bỏ việc cắt âm vật ở phụ nữ . Ước tính có từ 100 đến 140 triệu phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới đã phải chịu đựng hủ tục này, riêng Châu Phi, con số đó lên tới 3 triệu trẻ em gái mỗi năm. Hủ tục này ảnh hưởng tới phụ nữ và trẻ em gái cả đời, kìm hãm sự phát triển của họ, làm họ mất tự tin và để lại những hậu quả to lớn cho toàn xã hội. Nghị quyết này của Liên Hợp Quốc là một bước tiến lịch sử mà chúng ta phải cùng chung tay thực hiện.
UNESCO đang họat động trên mọi lĩnh vực nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Chỉ riêng luật pháp là chưa đủ. Chúng ta phải giáo dục để tạo ra các chuẩn mực và hành vi mới. Chúng ta phải hỗ trợ phụ nữ trở thành các nhà lãnh đạo trong tất cả các lĩnh vực của đời sống con người, bắt đầu từ những lĩnh vực ưu tiên của UNESCO về giáo dục, khoa học, văn hóa, truyền thông và thông tin, bao gồm cả các phương tiện truyền thông. Để trao quyền cho phụ nữ và đảm bảo sự bình đẳng, chúng ta phải chống lại mọi hành vi bạo lực bất cứ lúc nào xảy ra. Đây là lời hứa của UNESCO trong Ngày Quốc tế Phụ nữ.