Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Rác cũng là nguồn thu nhập
Từ cuối năm 2011, sau khi những thành viên của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ba Trinh đi họp trên huyện và nhận được sự động viên, đề nghị của cán bộ huyện về việc mỗi xã trên địa bàn nên chọn đăng ký một đề tài gắn liền với bảo vệ môi trường, Hội LHPN xã Ba Trinh đã đăng ký mô hình “Chuyển rác thành tiền”. Tháng 2/2012, mô hình được thành lập với 15 thành viên tham gia ban đầu. Một thời gian ngắn sau, mô hình kết nạp được thêm 10 chị tham gia, đồng thời phát triển mô hình lên thành câu lạc bộ (CLB).
Theo chị Trần Ngọc Vàng, Chủ nhiệm CLB "Chuyển rác thành tiền" cho biết, trước đây, khi chưa tham gia, hầu hết chị em đều gom rác đổ xung quanh nhà, thậm chí, nhiều chị em còn gom rác đổ thẳng xuống sông, bất kể đó là rác gì mà không hiểu được tác hại về lâu dài từ hành động của mình. Sau khi tham gia CLB, chị em đã có ý thức cao trong việc xả thải rác. Thay vì xả bừa bãi như trước, hiện các chị đã tự phân loại rác, những loại rác như như vỏ chai, giấy vụn… được các chị gom vào để một chỗ rồi đem bán, còn những loại rác thải khác thì chị em bỏ vào hố thải sau nhà. Việc làm đó vừa góp phần hình thành thói quen phân loại rác thải trong sinh hoạt vừa để gây quỹ cho CLB.
Đến nay, định kỳ ngày mùng 7 hàng tháng, 32 thành viên trong CLB họp, mỗi lần họp, chị em đều xách theo một giỏ rác thải đã qua phân loại. Trung bình mỗi tháng, chị em cũng thu được quỹ hội từ 60.000-80.000 đồng từ bán rác. Để khẳng định tính hiệu quả và bền vững cho mô hình, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, cứ định kỳ hằng tháng, chị em góp vốn xoay vòng, mỗi tháng 50.000 đồng/người. Hiện, số tiền tiết kiệm của chị em đã tăng lên hơn 14 triệu đồng, số lượng bốc thăm định kỳ hàng tháng cũng được tăng lên 3 người, mỗi người được 1,2 triệu đồng/lượt bốc và sẽ hoàn vốn sau 4 tháng. Việc duy trì hình thức xoay vòng vốn vừa giúp chị em tham gia CLB có được số vốn kha khá để hỗ trợ phát triển sản xuất trong gia đình, vừa tạo động lực và gắn kết chị em trong CLB lại với nhau.
Chị Nguyễn Thị Dự, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ba Trinh cho biết, trước khi tham gia CLB, các hội viên sẽ được tập huấn cách phân loại rác thải, cách thuyết phục gia đình, hàng xóm trong việc thay đổi hành vi xả thải rác ra môi trường. Lúc đầu mới tham gia mô hình, nhiều chị cũng không tránh khỏi những lời dị nghị từ hàng xóm và cả những người trong gia đình vì cho rằng đây là mô hình không thiết thực, không hiệu quả, không mang lại lợi ích. Vượt qua trở ngại, khó khăn, chị em đã minh chứng cho sự đúng đắn của mô hình và tính tích cực với môi trường sống xung quanh khi tham gia vào CLB. Vào những ngày họp định kỳ của tháng, ngoài nhiệm vụ chính là tập trung các loại rác thải của hội viên, tham gia góp vốn xoay vòng và bốc thăm tiền tiết kiệm thì các hội viên còn được những cán bộ của Hội LHPN của xã và của huyện tuyên truyền thêm nhiều nội dung thiết thựcc khác như phòng chống HIV/AIDS, phòng chống bạo lực gia đình, chính sách về hôn nhân gia đình… Bên cạnh đó, sự đa dạng trong ngành nghề của các hội viên trong CLB cũng chính là yếu tố tạo nên sự thành công của CLB chuyển rác thành tiền ở Ba Trinh.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, một thành viên tích cực của CLB giải thích: Sở dĩ chị em đi họp định kỳ phải mang cả giỏ đựng chai, lo, bình, giấy vụn…là để góp phần tác động đến ý thức của người dân trên địa bàn xã thông qua những hành động cụ thể. Với những người hàng xóm, chị đã thuyết phục họ thay đổi hành vi xả thải vô ý thức ngày trước bằng việc đào những hố chôn rác thải sau nhà cũng như có một bao tải đựng vỏ chai nhựa sau khi sử dụng. Bản thân chị cũng là một tiểu thương buôn bán ở chợ trung tâm xã nên chị còn tích cực cả trong việc tuyên truyền cho những tiểu thương.
Nhờ việc làm đó của chị em, đến nay, hầu hết những tiểu thương trong chợ đều có một túi đựng rác ngay bên cạnh ở mỗi buổi chợ, vừa tiện trong việc gom rác sau buổi họp chợ, vừa tạo cho họ ý thức trong việc bảo vệ môi trường xung quanh.Vì vậy, mô hình CLB chuyển rác thành tiền của chị em phụ nữ Ba Trinh sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh; góp phần giảm thiểu tác hại của rác thải đối với môi trường sống của người dân, đặc biệt là vùng nông thôn.