Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tinh dầu thông “Made in Viet Nam”

(12:39:16 PM 06/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Trước đây, việc chế biến nhựa thông ở nước ta hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc, công nghệ của Nhật Bản, Đức, Trung Quốc... Tuy nhiên, những công nghệ chế biến này không đạt năng suất như mong muốn trong khi giá thành lại khá cao.

Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT) đã bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo ra một dây chuyền chế biến tinh dầu thông “Made in Viet Nam”, năng suất đạt 5.000 tấn/năm.

 

Tiềm năng dồi dào

TS. Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Nghiên cứu công nghệ & thiết bị bảo quản nông sản (Viện CĐNN & CNSTH) cho biết, dây chuyền chế biến tinh dầu thông xuất xứ bởi một đề tài nghiên cứu từ năm 2007 do viện chủ trì và ông làm chủ nhiệm.

 

Colophan và tinh dầu thông là hai sản phẩm chính được chế biến từ nhựa thông. Theo số liệu của FAO, sản lượng nhựa thông toàn thế giới đạt khoảng 1,2 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 60% là colophan và 35% tinh dầu thông. Các nước có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm từ nhựa thông đứng đầu thế giới là Trung quốc, Indonesia, Bồ Đào Nha. Trong đó Trung Quốc xuất khẩu xấp xỉ 277.000 tấn, chiếm 70% trong số mậu dịch thế giới, tiếp đến là Indonesia khoảng 46.000 tấn và Bồ Đào Nha với khoảng 26.000 tấn. Hoa Kỳ là nước có sản lượng lớn nhất chiếm 50% sản lượng thế giới.

 

TS. Phạm Anh Tuấn cho biết, nước ta có điều kiện tự nhiên về khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để phát triển trồng thông cho mục đích khai thác nhựa và gỗ. Tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương (năm 2005), diện tích rừng thông toàn quốc khoảng 194.721 ha, trong đó diện tích trồng thông nhựa khoảng 90.000 ha, phân bố từ các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng Bắc bộ, duyên hải Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

 


TS. Phạm Anh Tuấn tại hội chợ Quốc tế ITEX

 

Ở nước ta, nghề khai thác và chế biến nhựa thông đã có từ lâu đời nhưng chủ yếu là bằng phương thức SX thủ công, tạo ra các sản phẩm phục vụ nền kinh tế quốc dân. Từ năm 1975 bắt đầu thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh đến năm 2000, cây thông đã được coi là một nguồn lợi cần được đầu tư phát triển phục vụ xuất khẩu.

 

Nhiều cơ sở khai thác và chế biến quy mô nông trường đã được ra đời với những dây chuyền công nghệ thiết bị chế biến được nhập khẩu từ nước ngoài, cụ thể tại Uông Bí, Quảng Ninh (công nghệ và thiết bị của Đức, đến năm 1991 được thay đổi bằng công nghệ và thiết bị của Nhật Bản), Quảng Bình (Nhật Bản) và Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh (Trung Quốc)...

 

Tuy vậy, những dây chuyền công nghệ và thiết bị này chưa phù hợp với đặc thù của nguyên liệu nhựa thông nước ta. Chính vì vậy sản phẩm colophan và tinh dầu thông Việt Nam không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ...

 


Điều khiển dây chuyền chế biến tinh dầu thông

 
Vượt trội hơn hàng nhập

Từ những bất cập kể trên, Viện CĐNN&CNSTH đã đề xuất nghiên cứu đề tài làm sao để chế tạo ra một dây chuyền chế biến tinh dầu thông rẻ, dễ sử dụng, đồng thời năng suất vượt trội so với những dây chuyền nhập khẩu.

 

Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, công trình đã chính thức được đưa vào SX thành công tại Cty Cổ phần thông Quảng Ninh (5/2007). Đề tài đã được đánh giá thông qua Hội đồng Khoa học cấp cơ sở (8/2007) và Hội đồng Khoa học cấp Bộ NN-PTNT (10/2007).

 


Công đoạn xả tạp chất thô của thiết bị hóa lỏng

 

Kết quả đánh giá về công nghệ và thiết bị đã khắc phục được cơ bản những hạn chế từ công nghệ nhập khẩu (dây chuyền thiết bị công nghệ Nhật Bản, Trung Quốc, Đức...) đáp ứng được mục tiêu về nâng cao chất lượng sản phẩm và quy mô SX với các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

Đây là một dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến nhựa thông với quy mô 5.000 tấn sản phẩm/năm đầu tiên được nghiên cứu thành công trong cả nước. Tiếp đó, từ năm 2008 - 2010, dự án đã xây dựng được mô hình ứng dụng với hệ thống thiết bị đồng bộ tại TP Đông Hà (Quảng Trị), đáp ứng mục tiêu đề ra. Kết quả dự án đã được Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu và xếp loại xuất sắc vào tháng 12/2010.

 

 

“Công nghệ độc đáo nằm ở chỗ có thể khai thác triệt để quá trình “truyền nhiệt và chuyển khối”, tạo động lực cho quá trình chưng cất, đáp ứng yêu cầu công nghệ chưng cất nhựa thông, nâng cao tỉ lệ thu hồi dầu, chế độ làm việc ổn định không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, giảm tiêu hao than và nước, giảm thời gian và nhiệt độ chưng cất, nâng cao chất lượng sản phẩm colophan”, TS. Phạm Anh Tuấn cho biết.

 

Bên cạnh đó, dây chuyền đã kế thừa và phát triển hoàn thiện công nghệ, thiết kế kỹ thuật các bộ phận thiết bị (hóa lỏng, rửa, lắng, lọc và vận chuyển dịch nhựa) tạo nên một hệ thống làm việc đồng bộ với các quá trình cơ lý hóa kết hợp, qua đó nâng cao hiệu quả và chất lượng làm sạch dịch nhựa trước công đoạn chưng cất.

 

Việc nghiên cứu thành công dây chuyền chế biến tinh dầu thông đã tác động trực tiếp vào quá trình mở rộng, đa dạng hóa quy mô và phạm vi ứng dụng vào thực tiễn SX ở nước ta. Xét trên phương diện kinh tế, một dây chuyền SX tinh dầu thông quy mô 5.000 tấn/năm mang lại giá trị 200 tỷ đồng/năm, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tiết kiệm nguồn ngoại tệ nhập khẩu công nghệ và thiết bị của nước ngoài. Dây chuyền chế biến tinh dầu thông đi vào thực tiễn SX tạo được nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hàng vạn người dân từ nghề trồng, khai thác, dịch vụ và chế biến nhựa thông.

 

Theo NN