Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thu gom lá cây Giá tỵ để làm gì?

(19:05:03 PM 05/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Ông Lê Văn Thịnh- Chủ Hộ kinh doanh Nông lâm sản Cát Tiên (Địa chỉ: 92, tổ 3, khu 1, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai)- đã có thư gửi Tin Môi Trường cung cấp thêm thông tin về việc thu gom lá cây Giá tỵ mà các cơ quan truyền thông đã phản ảnh

Theo nội dung ông Thịnh cho biết thì, hộ kinh doanh của ông hoạt động tại: 92, tổ 3, khu 1, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, theo Giấy đăng ký kinh doanh Hộ kinh doanh số 47B8003790, cấp ngày 14/5/2012 do UBND huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cấp. Chức năng: mua bán, sơ chế (ép, đóng gói) nông sản, phế phẩm lâm sản.

 

Thu gom lá cây Giá tỵ 

Mục đích của việc thu gom lá cây giá tỵ  

Lá cây Giá tỵ có thành phần chủ yếu là xenlulo, có tác dụng làm tơi xốp đất. Giống như rơm rạ, xơ dừa, đây là nguyên liệu tốt để sản xuất: Đất sạch/đất mùn (leaf mold): xenlulo ủ với nước. Phân hữu cơ vi sinh (micro organic fertilizer): xenlulo ủ với nước và vi sinh. 

Ở Việt Nam, do tập quán canh tác, chúng ta thường đốt bỏ rơm rạ, lá cây, phế phẩm nông lâm sản để dọn dẹp sau vụ mùa, … Tuy nhiên, ở các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, … họ tận dụng rơm rạ, lá cây, phế phẩm nông lâm sản để sản xuất phân vi sinh hoặc đất sạch/đất mùn để phục vụ nông nghiệp, nhất là trồng các loại hoa, rau sạch và cây lấy củ, … Họ cho rằng đốt bỏ chúng là lãng phí tài nguyên, tiêu diệt hệ sinh vật trong đó có những vi khuẩn, côn trùng hữu ích cho đất, đồng thời tạo ra khí thải làm ô nhiễm môi trường, trong khi việc đốt này chỉ tạo ra được một lượng kali mà không phải loại cây trồng nào cũng hấp thu hết. 

Do được sản xuất thủ công nên giá nhân công chiếm phần lớn giá thành của phân vi sinh, đất mùn, nên người Nhật Bản họ có xu hướng chuyển sang sản xuất phân vi sinh/đất mùn ở các nước đang phát triển. Người Indonesia, Thailand, Malaysia, … đã làm sản phẩm này từ hàng chục năm nay. Và đến thời điểm hiện nay thì Việt nam có thể cạnh tranh do giá nhân công rẻ, nguyên liệu dồi dào. Cũng chính vì vậy mà hiện nay ở nước ta đã có công ty sản xuất mặt hàng này, như: Công ty CP Đất Sạch Bến Tre (sản xuất đất mùn/đất sạch từ mụn dừa), ở phía Bắc có Công ty TNHH Lâm Sơn mua nguyên liệu lá vải để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, … Đây là ngành mới với Việt Nam nhưng ở các nước họ đã làm từ rất lâu. 

Ông Thịnh giải thích: Do có mối quan hệ tốt với một số bạn bè người Nhật, chúng tôi đã đặt mối quan hệ kinh doanh với một công ty Nhật để xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật. Tôi xin khẳng định và cam đoan về mục đích thu gom lá cây giá tỵ là để làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh/Đất mùn xuất khẩu sang Nhật Bản. Không có chuyện xuất đi Trung Quốc để sử dụng với bất kỳ mục đích nào khác. Tôi chịu hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này. 

Tại sao là giá tỵ mà không phải loại lá khác? 

Phần lớn các loại lá cây đều có thể ủ làm đất mùn ngoài một số loại lá có chứa tinh dầu hay hoạt chất có hại cho cây trồng. Vấn đề thu hoạch tập trung để đảm bảo sản lượng và giảm chi phí, thu có chọn lọc để tránh ảnh hưởng đến cây trồng và đảm bảo chất lượng nguyên liệu cũng là yếu tố quan trọng. Vì những lý do trên, nên trước mắt chúng tôi chọn thu nhặt lá cây rừng trồng: như lá giá tỵ, lá keo,…  và các loại phế phẩm nông sản khác như: lõi ngô (cùi bắp), cây ngô, rơm rạ, … Cũng xin nói thêm, nguồn rơm rạ ở nước ta hiện nay rất lớn, giá rẻ, số ít được sử dụng làm nấm rơm, phần lớn bị đốt bỏ, tuy nhiên có nhược điểm là bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nên những nước có tiêu chuẩn khắt khe như Nhật Bản lại không chuộng. Ngoài ra, chúng tôi cũng không có chủ trương thu hoạch lá cây ăn quả, lá cây công nghiệp vì có thể làm ảnh hưởng đến cây trồng. 

Ở Đồng Nai là nơi có nhiều rừng trồng, đặt biệt là cây giá tỵ. Hằng năm, các lâm trường phải tốn nhiều chi phí để dọn lá khô, đốt lá có kiểm soát để phòng chống cháy rừng. Hiện nay cây giá tỵ trong mùa rụng lá, chúng tôi muốn tận dụng nguồn nguyên liệu này khi chúng có nguy cơ bị đốt bỏ. Chúng tôi chỉ thu nhặt lá khô, rụng tự nhiên. Không thể xảy ra chuyện hái lá tươi đem bán. 

Để phát triển nông nghiệp bền vững, các nước tiên tiến ngày nay đã chú trọng việc sử dụng phân hữu cơ để tránh tình trạng đất bạc màu do sử dụng phân hóa học lâu năm, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy chúng tôi cũng đã có kế hoạch sản xuất phân vi sinh từ nguồn phế phẩm bỏ đi này, sẽ xuất khẩu và cung cấp cho thị trường nội địa. 

Lợi và hại của việc tận thu phế phẩm nông lâm sản để làm phân bón 

Theo ông Thịnh giải thích thì: Tại rừng giá tỵ, theo quy định của chủ rừng, chúng tôi không thu nhặt hoàn toàn mà ngắt bỏ lại phần cuốn lá. Vấn đề nào cũng có hai mặt: lợi và hại. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc tận dụng nguồn phế phẩm nông lâm sản để làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh, đất mùn sẽ nhiều lợi ích so với tác hại. 

Do chúng tôi mới bước vào sản xuất thử nghiệm nên có thể không tránh khỏi những bỡ ngỡ, thiếu sót. Chúng tôi sẽ khắc phục và cam kết: Hoạt động đúng chức năng, ngành nghề quy định.Đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động thu gom nguyên liệu. Chỉ sử dụng lá cây rừng trồng, rụng tự nhiên, phế phẩm nông lâm sản. Không mua lá cây ăn quả. Thực hiện đúng cam với người dân, đảm bảo quyền lợi của người dân. 

Việc tận dụng phế phẩm nông lâm sản, cụ thể là lá giá tỵ là để làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh và đất mùn xuất khẩu sang Nhật Bản, không phải sử dụng cho mục đích nào khác và càng không phải xuất sang Trung Quốc. 

Dù trong giai đoạn làm thử nghiệm, nhưng chúng tôi cũng đã đầu tư máy móc thiết bị và có kế hoạch kinh doanh lâu dài, không làm theo kiểu "chụp giật” gây hại cho người dân. 

Ông Thịnh cũng khẳng định: “Tôi là chủ hộ kinh doanh, có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, có đăng ký kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước. Xin đừng gọi tôi là “thương lái” và đánh đồng với vụ “thu gom lá điều” có thể tạo sự hiểu nhầm. Từ trước đến nay chúng tôi chưa từng thu gom lá điều. 

Việc thu gom lá cây để làm phân vi sinh, đất mùn là “hiện tượng lạ” đối với Việt Nam chúng ta, nhưng ở các nước tiên tiến thì họ đã làm từ rất lâu. Hiện tại ở Nhật, hầu như ở Home Center nào cũng bán mặt hàng phân vi sinh, đất mùn làm từ lá cây này.  

Giao thương được với người Nhật là rất khó, vì họ rất kỹ tính và có quy định nghiêm ngặt đối với chất lượng hàng hóa. Làm việc được với họ là nỗ lực rất lớn của chúng tôi. Tạo ra hướng đi mới để chúng tôi tồn tại và tạo thu nhập cho dân nghèo. Cây giá tỵ cũng không phải là thế mạnh tại Việt Nam. Là những người mới mày mò làm, nên chúng tôi hiện đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ Thailand và Indonesia. 

"Mong rằng mọi người hãy ủng hộ chúng tôi. Hãy nghĩ đến công sức của chúng tôi và những người dân nghèo đang rất cần việc làm để sinh sống. Việc tận dụng những thứ bỏ đi để chế biến thành hàng xuất khẩu là việc làm nên được khuyến khích"- Ông Thịnh viết.

Phương Khanh