Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Xã Phương Tiến nằm chơi vơi trên dãy núi Tây Côn Lĩnh (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Nơi mà cái ăn cái mặc còn nhiều khó khăn vì sự xa xôi cách trở. Vậy mà trên đỉnh núi Xà Phìn có hai gã đàn ông mỗi năm chia nhau vài ba tỷ thì quả là chuyện lạ lùng.
Đường lên Xà Phìn không dành cho người yếu bóng vía. Một bên là núi, một bên là vực, mây mù đặc quánh khiến người ta có cảm giác đang đi lên trời. Đỉnh Xà Phìn nằm giáp ranh giữa hai bản Xà Phìn và Mào Phìn. Tổng cộng có 100 hộ dân tộc Dao, nghèo sàn sàn như nhau cả.
Nhìn những dãy núi đá tai mèo xám ngắt, những thửa ruộng bậc thang màu bạc phếch khó ai tin vùng cao này có hộ giàu chứ đừng nói là tỷ phú. Vậy mà nhầm. Sự khác biệt nằm ở đầu nguồn con suối Sửu, trại nuôi cá hồi của hai người đàn ông, Đặng Văn Chạy và Nguyễn Mạnh Hùng.
Hai gã phiêu lưu thành tỷ phú sau những lần thất bại
Họ là đôi bạn thân. Ông Chạy người Dao còn ông Hùng người Tày. Hai người sống trong một chiếc lán, điện chạy bằng tua bin nước, một ống điếu thuốc lào, trông coi 4 bể xi măng nuôi cá hồi, mỗi bể rộng 100m2, mỗi năm xuất hàng tấn cá hồi, thu nhập gần hai tỷ đồng.
Họ sống đơn sơ với núi rừng hoang hoải nhưng cả hai đều có cơ ngơi to đùng dưới trung tâm xã. Một giấc mơ mà độ dăm bảy năm trước những người lạc quan nhất cũng không dám nghĩ.
Trước năm 2006 chưa có đường xe máy lên Xà Phìn. Phương tiện giao thông nối vùng cao này với trung tâm xã nếu không đi bộ thì thồ bằng ngựa. Mùa đông ở Xà Phìn là một sự trừng phạt của ông trời đối với bản người Dao dám sống quá cao. Những năm rét đậm xuống đến 0 độ C thì chẳng có nổi cây trồng, vật nuôi gì sống sót.
Ông Hùng lúc ấy còn làm Chủ tịch xã, được đi tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế nhưng vẫn chưa tìm được cách gì có thể áp dụng với Xà Phìn. Trong một lần sang Sa Pa (Lào Cai), thấy mô hình nuôi cá hồi ở Thác Bạc, trên đỉnh Phanxipăng ông cứ gật gù xem xét. Thác Bạc cũng như suối Sửu. Nước trong và lạnh như nhau. Sự tương đồng ấy khiến ông Hùng tâm đắc. Vị Chủ tịch xã nuôi ý định đưa mô hình nuôi cá hồi về áp dụng cho các bản vùng cao Phương Tiến.
Hàng tháng trời tìm kiếm, cuối cùng ông Chủ tịch xã chọn ông bạn Đặng Văn Chạy, một người mà ông cho là dám nghĩ, dám làm để thí điểm. Nhưng ở nơi mà ăn mặc người ta chưa làm nổi thì tính chuyện làm giàu có khi quá vội vàng. Cái ý tưởng nuôi cá hồi ở suối Sửu cũng chỉ lảng vảng trong đầu anh nông dân Đặng Văn Chạy rồi bị cái ăn, cái mặc của đàn con vùi cho mụ mị.
Một lý do nữa mà ông Chạy chần chừ là vì ông tìm hiểu biết được rằng cả tỉnh Hà Giang chưa nơi nào nuôi cá hồi thành công cả. Từ đèo Gió (Quản Bạ) cho đến vùng cao huyện Xín Mần đều thất bại với loài cá có nguồn gốc từ Châu Âu, Châu Mỹ. Phải đến lúc ông Hùng đưa bạn mình cùng với mẫu nước lấy từ suối Sửu sang Sa Pa mua một con cá hồi thả vào để thử nghiệm, họ mới dám hợp tác cùng nhau.
Đồng ý về hướng làm ăn nhưng vốn ở đâu mới là vấn đề quan trọng. Gầng 20 năm làm cán bộ xã nhưng ông Hùng gần như chẳng tích cóp được gì. Ông Chạy lại càng khó khăn hơn. Tay trắng nuôi con lợn con gà đã khó, huống hồ là loài cá quý tộc, giống, thức ăn đều phải đi máy bay từ Đà Lạt ra. Đang lúc túng bách thì Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (AGRIBANK) có chương trình cho vay vốn.
Quyết tâm hừng hực, cả ông Chạy lẫn ông Hùng vay một lúc 300 triệu đồng để đầu tư. 4 bể xi măng rộng 400m2 được xây dựng ở đầu nguồn suối Sửu, mỗi bể nuôi thả từ 1.500-2.000 con cá, tổng mức đầu tư 80 triệu đồng/bể. Cá hồi giống và thức ăn tạm thời mua lại của các hộ nuôi ở Sa Pa với giá cao hơn thị trường. Mấy tháng đầu tiên cá phát triển tốt, hai ông bạn đêm đêm rít thuốc lào bàn chuyện cuối vụ sẽ trả bớt vốn cho ngân hàng thì tai họa ập đến. Không những một mà hai lần.
“Lần đầu là vỡ bể vào năm 2008. Do chưa có kinh nghiệm nên bể bê tông bị nước suối Sửu đánh cho vỡ hết. Tổng cộng 3,5 tấn cá hồi theo suối đổ ra thượng nguồn sông Lô chỉ trong vòng có một đêm. Rút kinh nghiệm, anh em xây được bể kiên cố thì dịch bệnh. Chẳng hiểu sao cá lại bị nấm, chết một lúc 8.000 con, đi tong 700 triệu đồng”, kể lại mà cả hai người đàn ông rắn rỏi này vẫn chưa hết bàng hoàng.
Trước thảm cảnh ấy, hai người ôm nhau khóc ròng như trẻ con. Ngân hàng AGRIBANK cũng không dám bỏ rơi hai khách hàng lớn nhất huyện Vị Xuyên vì sợ các ông nghĩ quẩn mà làm liều thì hỏng. Hai ông tiếp tục được vay vốn, đến vụ thứ ba thì thành công. Mỗi bể 2.000 con cá cho sản lượng 1,2 tấn. 4 bể có gần 5 tấn cá. Giá cá hồi ở các nhà hàng thời điểm bấy giờ là 300 ngàn đồng/kg. 5 tấn cá có 1,5 tỷ đồng.
Chỉ khổ nỗi, các nhà hàng ở Hà Giang lúc ấy cũng chưa chuộng cá hồi vì đắt quá. Hai ông bạn đánh hàng xuống Vĩnh Phúc, Hà Nội để tiếp thị. Và bây giờ thì người ta đã leo tận suối Sửu để mua hàng. Các bể cá đang được mở rộng. Kinh nghiệm đã có, vốn cũng đã thu hồi, chẳng có lý do gì để hai gã phiêu lưu này thất bại nữa.
Mô hình nuôi cá hồi thành công trên đỉnh Xà Phìn
Đặng Văn Chạy và Nguyễn Mạnh Hùng đã trở thành tỷ phú, nhưng Xà Phìn vẫn còn nghèo. Đường lên đỉnh Tây Côn Lĩnh đã có thể đi ô tô nhưng sự gập ghềnh, khúc khuỷu vẫn gian nan, khó nhọc.
Huyện Vị Xuyên chủ động dự án xây dựng thương hiệu cá hồi Tây Côn Lĩnh từ mô hình của ông Chạy và ông Hùng khi đầu tư cho họ hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Giấc mơ cá hồi Tây Côn Lĩnh dần trở thành hiện thực. Nhưng với hai gã đàn ông này, họ có một giấc mơ khác, thiết thực hơn, cấp bách hơn: Giấc mơ không giàu một mình.
Suối Sửu là tài sản chung của cả bản. Đầu nguồn suối Sửu là Hố Nai. Đó là địa danh thể hiện sự đoàn kết, đùm bọc của người dân hai bản Xà Phìn và Mao Phìn. Thuở xưa, dân bản cùng nhau lên rừng săn bắn, những con nai bị người dân bao vây, chạy đến đầu suối này thì cùng đường, chỉ còn cách lao xuống hố chịu trói.
“Bây giờ rừng chẳng còn nai. Suối Sửu có cá hồi, mình giàu mà dân bản nghèo thì coi sao được”, cả ông Hùng lẫn ông Chạy đều nghĩ vậy. Đó cũng là tâm tư, nguyện vọng của những cán bộ ngân hàng AGRIBANK huyện Vị Xuyên như ông Nguyễn Quang Trung, người từng đứng ra bảo lãnh cho hai ông vay vốn phát triển mô hình nuôi cá hồi suối Sửu.
Mô hình nuôi cá hồi suối Sửu giờ đã ra dáng lắm rồi. Cá giống, thức ăn được nhập trực tiếp từ Đà Lạt về đến sân bay Nội Bài thì có người đón lấy. Ông Chạy, ông Hùng thuê hẳn một chuyên gia về kỹ thuật từ bên Sa Pa về giúp việc. Hàng chục công nhân là người bản địa cũng được tuyển dụng. Họ vừa có trách nhiệm trông coi, vận chuyển, vừa được học tập mô hình. Tương lai không xa Xà Phìn và Mào Phìn sẽ khá. Nuôi cá hồi Tây Côn Lĩnh đã chắc chắn thành công.