Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nguồn rác khổng lồ đầy tiềm năng

(08:50:00 AM 04/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Hiện cả nước mỗi ngày thải ra khoảng 23.000 tấn rác sinh hoạt đô thị. Tiềm năng thu hồi năng lượng từ nguồn rác thải là rất lớn nhưng đến nay tiềm năng này vẫn bị lãng phí vì vẫn còn 85% lượng rác được xử lý theo kiểu chôn lấp.

Nguồn rác khổng lồ đầy tiềm năng


Tại Hội thảo về Quản lý tổng hợp chất thải rắn thu hồi năng lượng do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức sáng nay (1-3) ông Nguyễn Thành Lâm, đại diện Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường thuộc Tổng cục Môi trường cho biết, trong khoảng 23.000 tấn rác sinh hoạt mà cả nước thải ra mỗi ngày, tỉ lệ được tái chế, xử lý thành phân compost chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại được chôn lấp.

 

Còn theo ông Nguyễn Trung Việt, Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM thì khoảng 9.200 tấn trong tổng lượng rác thải 23.000 tấn của cả nước mỗi ngày (khoảng 40%) có thể đốt phát điện với tổng công suất gần 200 MW.

 

Chỉ tính riêng TPHCM đã thải ra đến 7.500 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày. Lâu nay đã có một số nhà đầu tư xin dự án đốt rác phát điện, nhưng đến nay chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào được triển khai.

 

Tại hội thảo sáng nay, ông Masanori Tsakahara, đại diện Công ty Hitachi Sozen của Nhật Bản cho biết hiện công ty đang nghiên cứu khả thi để đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện, mỗi ngày đốt 1.000 tấn rác, công suất 25 MW tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, Củ Chi, TPHCM với tổng vốn đầu tư ước khoảng 100 triệu đô la Mỹ.

 

Tuy nhiên theo phân tích của ông Tsakahara, nếu nhà máy vận hành 8.000 giờ mỗi năm, giá bán điện dao động từ 0,05 đến 0,2 đô la Mỹ/kWh thì chi phí xử lý rác phải lên đến gần 40 đô la Mỹ/tấn. Ông Nguyễn Thành Lâm của Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường thì với chi phí xử lý rác cao như vậy thì sẽ khó có tỉnh thành nào đủ ngân sách để đầu tư.  

 

Cũng theo ông Lâm, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang soạn dự thảo Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải rắn tại một số tỉnh thành, dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 6-2013. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu đạt 60% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.

Theo KTSG