Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khó tin với những cây gạo mang lại tiền tỷ

(09:20:41 AM 01/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Mấy năm trở lại đây, nhiều người dân xã Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) thu hàng trăm triệu mỗi năm từ cây gạo tía. Người ta nói rằng, nhà nào có một cây gạo mà tầm gửi bám thì chỉ cần ở nhà ngồi chơi xơi nước mà... đếm tiền. Chỉ có ở Hiền Quan

 

Cây gạo có nhiều nơi ở nước ta nhưng hiếm có loài cây nào như cây gạo ở xã Hiền Quan, chẳng phải mất công chăm sóc nhưng mỗi năm có cây “nhả” ra cả trăm triệu đồng nhờ hàng tạ tầm gửi mọc kín trên cây. Nay giá cả tầm gửi tăng cao, người dân Hiền Quan vẫn đùa vui với nhau, đó là những “cây ATM” đặc biệt, chẳng cần phải gửi tiền mà vẫn nhận được tiền, mà còn nhận được nhiều là đằng khác.

 

Tầm gửi vốn là loài cây sống nhờ trên thân của cây khác. Có nhiều loại tầm gửi khác nhau. Theo người dân Hiền Quan, mỗi loài tầm gửi lại có tác dụng chữa những thứ bệnh khác nhau, nhưng tầm gửi cây gạo tía là quý nhất. Đó cũng là lý do tại sao tầm gửi ở Hiền Quan lại được nhiều người tìm đến mua với giá cao như vậy.

 

 


Khắp đường làng, ngõ xóm, ruộng đồng xã Hiền Quan đâu đâu cũng có cây gạo tía

 

Cụ Bùi Lạng, 80 tuổi, ở khu 6, bảo: Cả vùng đất này, chạy dọc theo sông Hồng làng quê nào cũng có cây gạo, ấy vậy mà chỉ có Hiền Quan có thôi. Người ta bảo, đây là lộc trời cho.

 

Cụ Lạng dẫn chứng: “Như xã Thanh Uyên giáp ranh với xã Hiền Quan, cây gạo cũng mọc nhan nhản nhưng chẳng cây nào có tầm gửi. Ấy vậy ở Hiền Quan trung bình cứ 10 cây gạo thì có đến 7 cây có tầm gửi. Tầm gửi nhiều đến nỗi gạo chẳng thể ra hoa, kết quả được. Thậm chí, có cây gạo còn bị chết khô vì tầm gửi mọc nhiều và hút hết chất dinh dưỡng”.

 

Chúng tôi tìm đến nhà chị Bùi Thị Tiến ở khu 6. Cây gạo của chị Tiến cao tầm 30 m, thân cây hai người ôm mới xuể. Khắp thân, cành, cây tầm gửi bám vào sum suê. Chị đang phơi ngoài sân 3 nong tầm gửi đóng thành gói đem bán. Chị Tiến cho biết, chị vừa nhặt số lá tầm gửi này hôm qua, vì chúng bị gió thổi rụng xuống gốc gạo ngay sân nhà. Số tầm gửi này phơi khô cũng được khoảng 4 kg, tương đương với 2,8 triệu đồng.

 

Khi hỏi về tầm gửi cây gạo chữa bệnh gì, chị Tiến cho biết: Nó được sử dụng trong các bài thuốc dân gian nhưng tác dụng tốt nhất là chữa sản hậu mòn ở phụ nữ. Ngoài ra, còn giúp lợi tiểu, mát gan nên rất tốt cho những người bị bệnh về thận và gan. Chị Tiến khoe: “Có những người ở Hà Tĩnh, rồi từ Hà Giang tìm về tận nơi để mua. Cứ người này uống hết, họ lại giới thiệu người khác đến mua. Cũng vì thế, cây gạo nhà tôi “sản xuất” không kịp cho khách hàng”.

 

 


Chị Bùi Thị Tiến bên cây “bạc tỉ”

 

Cũng không biết từ đâu, tiếng lành đồn xa về cây tầm gửi chữa bệnh, mọi người tìm đến Hiền Quan mua. Ban đầu từ giá 5 ngàn đồng/kg rồi tăng lên vài trăm ngàn; hiện, bán với 700 ngàn/kg đã phơi khô, tươi 500 ngàn/kg. “Cứ cuối năm cây mới rụng lá, khách về mua tháng 1 tháng 2 không muốn bán. Tầm tháng 9 đến tháng 11 thì lúc đó thu về lá nhiều, năng suất cao", chị Tiến nói.

 

 
Những câu hỏi chưa có lời giải

 

Ông Lê Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Quan, cho biết, hiện cả xã có khoảng 170 cây gạo, trong đó, khoảng gần 100 cây có tầm gửi. Gạo tập trung nhiều nhất ở giải đất ven bờ sông Hồng thuộc khu 1, khu 2 và khu 3. Ngoài ra, còn có ở các khu 5, 8, 9 của xã. Cây nhiều thì cho thu hoạch gần 200 triệu, cây ít thì cũng có 15 đến 20 triệu đồng, nhưng phổ biến là loại cây gạo cho thu hoạch khoảng 40 đến 50 triệu mỗi năm. Tính sơ sơ thì số cây gạo đem lại cho người Hiền Quan hàng tỉ đồng mỗi năm.

 

Nói về cây gạo, ông Long cho hay: “Giàu thì chẳng dám nói nhưng rõ ràng những cây gạo này đã làm cho đời sống của bà con trong xã khá hơn rất nhiều so với trước đây. Nhà nào có được một cây gạo có tầm gửi thì coi như là có báu vật trong nhà. Cả năm chẳng chăm sóc, bón phân nhưng bỏ túi vài chục triệu”.

 

Nhà ông Long cũng có một cây gạo cổ thụ. Cách đây mấy tháng cây gạo tự nhiên trụi lá, rồi chết. Cây này đã có hàng trăm năm nay, từ ngày ông nội ông còn sống nó đã có rồi. Và mỗi năm thu được khoảng 4 tạ tầm gửi từ cây gạo này, nếu tính với giá hiện tại thì cũng hơn 200 triệu đồng. Đấy là chỉ thu những cành dài còn những cành non, cành ngắn hơn thì để lại để gối vụ. Nếu thu cả những cành tầm gửi loại nhỏ thì thừa sức trăm triệu đồng. Ấy vậy mà nó chết mất.

 

 


Có một cây gạo mỗi năm người dân Hiền Quan thu ít nhất vài chục triệu nhờ tầm gửi

 

Hỏi về nguyên nhân, ông Long buồn bã: “Tiếc lắm chú ạ! Mình có chăm sóc gì đâu, chẳng bỏ công sức gì nhưng mỗi năm hốt bạc về, ấy vậy mà đã chết. Bố tôi làm thuốc nam nên không bán chỉ dùng trong các vị thuốc. Cũng vì thế, tầm gửi mọc nhiều hút hết chất dinh dưỡng của cây gạo nên mới chết”.

 

Nhà bà Đỗ Thị Miên, khu 10, cũng có một cây gạo nhưng bị chặt mất. Bà Miên kể: Trước năm 1990, nhà bà có một cây gạo tía, tầm gửi mọc sum suê. Thời điểm đó chưa có người mua, cây gạo cũng không cho lợi gì, do vậy cưa làm ván. Nay tầm gửi có giá, nghĩ về cây gạo, bà tiếc đứt cả ruột. “Nếu như cây gạo của tôi còn, chắc mỗi năm cũng bán tầm gửi trên 100 triệu đồng, nay trong vườn còn mấy cây nhỏ, không biết lúc nào mới có tầm gửi”, bà Miên tâm sự.

 


Chị Bùi Thị Tiến đóng gói tầm gửi đem bán

 

 

Trước việc tầm gửi có giá, nhiều nhà có cây gạo nhưng không có tầm gửi, người ta dùng phương pháp đem cành tầm gửi ở cây gạo này sang ghép vào thân cây gạo không có tầm gửi. Tuy nhiên chỉ 2, 3 hôm sau thì những cành tầm gửi này héo dần và chết. Thậm chí có những nhà thuê nhưng chuyên gia ghép cây, những cao thủ ghép cây cảnh về làm, có người đem hạt tầm gửi cấy vào thân cây gạo nhưng đều thất bại.

 

Không chỉ tầm gửi không thể cấy ghép được mà ngay cả cây gạo cũng rất khó trồng. Anh Bùi Văn Hùng, khu 6 đã nhiều lần đem cây gạo con từ nơi khác về trồng trong vườn nhưng gạo cứ bị chết và cho tới bây giờ anh vẫn chưa trồng thành công cây gạo nào. Nói như chị Bùi Thị Tiến, nếu trồng gạo dễ dàng thì nhà nào cũng trồng 5, 10 cây mà thu tiền. Chẳng thế mà người ta coi đó là “lộc trời cho”.

 

Đối với một số cây gạo không có tầm gửi mọc (mặc dù nằm ngay cạnh một cây khác có tầm gửi phủ kín) thì người dân nơi đây cho rằng, vì đó là những cây gạo trắng. Tầm gửi chỉ mọc trên thân của cây gạo tía. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì những cây gạo này cũng chẳng khác gì những cây gạo có tầm gửi mọc um tùm. Tại sao tầm gửi lại mọc trên cây gạo nhiều đến vậy? Tại sao lại khó nhân giống gạo và khó cấy ghép được tầm gửi? Đó vẫn là những câu hỏi mà ngay cả người Hiền Quan cũng chưa lý giải được. Họ chỉ biết, hàng chục năm nay những sợi tầm gửi nhỏ bé mọc trên những cây gạo xù xì cao vút kia đã và đang làm giàu cho quê hương của họ.

Theo NN