Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Tại các địa phương này, hầu hết các công trình thuỷ lợi, sông, suối đều đã cạn nước. Điển hình là huyện Ea Kar có 12 trong tổng số 51 hồ, đập ở mực nước chết, 8 hồ không còn nước, một số sông suối đã trơ đáy, các hồ, đập còn lại mực nước cũng đã cạn nhiều, không đảm bảo nguồn nước tưới cho các loại cây trồng vụ đông xuân. Toàn huyện Ea Kar đã có 2.246 ha cây trồng bị khô hạn, trong đó có 649 ha lúa bị mất trắng. Ngoài ra, các huyện phía Đông của tỉnh cũng đã có hàng ngàn ha cà phê, tiêu trong tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng.
Các địa phương trên đã chủ động chuẩn bị nhiên liệu, phương tiện, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước ở mực nước chết của các hồ chứa, sông suối chống hạn cho cây trồng. Các địa phương cũng trích ngân sách hỗ trợ đồng bào mua xăng dầu, đồng thời, huy động nhân dân làm thuỷ lợi, nạo vét kênh mương, lòng hồ đập, đào giếng tận dụng nguồn nước sinh thuỷ. Ngành nông nghiệp đã phân loại cây trồng để xếp thứ tự ưu tiên cấp nước tưới và tổ chức tưới luân phiên (ưu tiên cây giống, lúa đang trổ, cà phê, tiêu trong vùng quy hoạch)...
Không chỉ gây thiệt hại nặng cho sản xuất, hai tháng nay, do khô hạn kéo dài dẫn tới tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng tại nhiều nơi trong tỉnh, nhất là ở các đô thị. Tại TP.Buôn Ma Thuột, lượng nước cung cấp khoảng 32.000 m 3 /ngày đêm, chỉ đạt 60% nhu cầu; các thị trấn Phước An (Krông Pắk), thị xã Buôn Hồ thiếu từ 5.000 - 10.000m³/ngày đêm. Nguyên nhân thiếu nước do trong năm 2012, lượng mưa ít, mùa mưa kết thúc sớm, khô hạn kéo dài nhiều tháng qua khiến mực nước ngầm cạn kiệt, nhiều giếng khoan không còn nước để khai thác. Bên cạnh đó, tình trạng người dân tưới cà phê tràn lan bằng giếng khoan cũng khiến lượng nước ngầm suy giảm nhanh.
Mùa khô năm nay còn kéo dài tới 3 đến 4 tháng nữa nên việc thiếu nước sinh hoạt vẫn tiếp diễn, thậm chí còn gay gắt hơn. Để đối phó với tình trạng trên, Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk đã thực hiện nhiều giải pháp như: tiến hành tu bổ lại hệ thống cấp nước; thực hiện cắt nước luân phiên giữ các khu vực theo chế độ 1 ngày có 1 ngày không, hoặc 1 ngày có 2 ngày không; thông báo lịch cắt nước ở từng khu vực trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động trữ nước phục vụ sinh hoạt…
Ông Trần Văn Thiện – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk, cho biết: Sắp tới nếu được UBND tỉnh phê duyệt, Công ty sẽ xây dựng 5 bể xử lý nước lưu động tại hai hồ Ea Nhái và Ea Chu Cáp, mỗi bể 2.500 m3/ngày đêm để giải quyết tạm thời nhu cầu thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Mới đây, Công ty cũng đã thông báo đấu thầu thiết kế thi công công trình cấp nước bổ sung lấy nước mặt từ hồ Ea Chu Káp (xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột) công suất 5.000 m3/ngày đêm, nhưng dự kiến đến tháng 11 công trình mới hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nhưng giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng “khát” nước sinh hoạt vẫn là việc sử dụng nước tiết kiệm của người dân.
Không chỉ ở các đô thị, nhiều vùng nông thôn cũng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Theo thống kê chưa đầy đủ đã có gần 6.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tại các huyện Krông Bông, Krông Na, Krông Pắc... UBND các huyện đã chỉ đạo UBND các xã khuyến cáo nhân dân nạo vét giếng, thực hiện các giải pháp khắc phục nguồn nước tại chỗ để phục vụ sinh hoạt./.