Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bauxite: Sao phải cố làm cho được (?!) Tin ảnh

(18:29:57 PM 28/02/2013)
(Tin Môi Trường) - Thật khó hiểu cho cách giải thích của các quan chức Vinacomin về bài toán kinh tế của dự án bauxite.

Bạn đọc Quang Hòa, chỉ rõ: “Tôi còn nhớ tại cuộc hội thảo vào ngày 9 - 4 - 2009 tại Hà Nội về quy mô và vấn đề khai thác Bauxite ở Tây nguyên, Vinacomin mà đại diện là ông Đoàn Văn Kiển đã thú nhận: “Lỗ hay lãi bây giờ chỉ là dự đoán. Chúng tôi nói có lãi, các nhà khoa học bảo không. Khoa học và thực tế bao giờ cũng là 50:50. Vậy thì tốt nhất hãy làm đi, rồi mới kiểm nghiệm được. Thực tế sẽ trả lời”.

 
Làm kinh tế kiểu... đánh cược
 
Thực tế hiện nay đã có câu trả lời: Đổ ra hàng chục tỉ USD cho chương trình khai thác bauxite, luyện nhôm đầy “hứa hẹn” mà không chắc ăn như kiểu đánh bạc 50/50 như ông Kiển nói thì liệu có nên không? Và ai sẽ chịu trách nhiệm trước quả bom bùn bẩn khoảng 20 triệu tấn treo lơ lửng trên đầu người dân TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long? Ai sẽ chịu trách nhiệm về một cao nguyên rộng lớn loang lổ, khô cằn và hoang vu sau này? Xin Quốc hội có một quyết định thật sáng suốt về vấn đề này”.
 
Khai thác bauxite ở Tây Nguyên

Nói về sự tính toán tiền hậu bất nhất của Vinacomin, bạn đọc Lê Thành An, cho biết: Câu chuyện bauxite Tây Nguyên đã được đề cập và đưa ra tại kỳ họp Quốc hội vào năm 2009, nhưng tiếp tục nóng lên tại kỳ họp 2010 đặc biệt sau sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary. Bộ Công Thương và TKV, đơn vị trực tiếp triển khai cho rằng dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao. TKV đưa ra dẫn chứng dự án có thể thu lãi vì giá thành chỉ vào khoảng 265 USD - 287 USD/tấn alumin, trong khi đó, có thể bán ra ở mức 315 USD - 330 USD/tấn. Ngược lại, các chuyên gia kinh tế lại hoài nghi về tính toán trên và khẳng định, theo giá giao nhận ngay của thị trường thế giới thì giá alumin trong năm 2011 sẽ không có loại nào bán được trên 270 USD/tấn, kể cả sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế. Dự án sau đó vẫn tiến hành dù nhiều đại biểu phản biện và can ngăn. Và nay thực tế đã rõ ràng nhưng các quan chức Vinacomin vẫn “cãi chày, cãi cối”.

Với quan điểm “phải làm đã rồi mới biết đến năm nào có lãi” cũa quan chức Vinacomin, bạn đọc Nguyễn Lộc, thẳng thắn nói: “Anh hàng rau, chị bán cá ngoài chợ cũng có thể tính toán và cân nhắc thiệt hơn với đồng vốn và sản phẩm mà họ sẽ kinh doanh. Với cương vị là Chủ tịch hội đồng thành viên Vinacomin mà ông Trần Xuân Hòa lại phát biểu một cách thiển cận như vậy thì không hiểu các ông làm kinh tế kiểu gì ? Hãy làm việc với tinh thần đầy trách nhiệm, hãy lắng nghe những đóng góp của các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức nếu thực sự muốn đóng góp cho sự phát triển đất nước”.

Lan tỏa... hậu quả

Trước sự thật rất rõ ràng càng sản xuất alumin càng lỗ, các quan chức Vinacomin chống chế: Tính hiệu quả của dự án không chỉ là lời lãi khi bán alumin mà phải tính đến hiệu quả lan tỏa như: an ninh, quốc phòng, xã hội...

Bạn đọc Bình Minh, cho rằng: Về tính lan tỏa của dự án là đúng nhưng không như ý muốn của lãnh đạo Vinacomin. Lan tỏa đầu tiên là "lan tỏa... bụi đỏ", bụi đỏ bay mù trời Tây Nguyên từ dự án này. Thứ đến là “lan tỏa… đường hư”: xe siêu tải chạy thế thì đến đường… bằng thép cũng hư nữa là. Tiếp nữa là “lan tỏa… sa mạc!”. Rừng xanh bị lột lên để đãi đất thì không biến thành sa mạc mới lạ! Thứ tư là “lan tỏa… hộ nghèo”. Lỗ thì phải lấy tiền ngân sách bù vào, mà tiền ngân sách mất thì dân phải nghèo đi là lẽ đương nhiên! Ngoài ra còn “lan tỏa” nhiều thứ lắm, trong tương lai còn có “lan tỏa” ô nhiễm vào sông suối, lan tỏa “bùn đỏ”, lan tỏa nợ xấu ngân hàng…
 
Sự cố tràn bùn đỏ tại Nhà máy Alumin Ajka, Hungary vào ngày 4-10-2010
 
Lo ngại trước công nghệ của Trung Quốc đối với dự án, bạn đọc Robert, chỉ rõ: Nghe Trung Quốc tư vấn làm dự án thì có mà chết. Không có ai mà vẽ cái kiểu chở than từ ngoài Bắc vô Nam xong chở ngược lên Tây Nguyên để nấu quặng cả. Thời Trung Quốc họ làm giúp cái Nhà máy gang thép Thái Nguyên hay nhiệt điện Uông Bí nó ăn than một cách khủng khiếp. Còn nhà máy nhiệt điện Ninh Bình thì họ xây cái ống khói thấp tè lại bị chắn bởi núi nên cả thị xã Ninh Bình ngập chìm trong khói bụi. Tất cả các công trình này về sau phải khắc phục rất tốn kém... ”.

Bức xúc, đau xót trước tiền của người dân bị đem ra “đánh cược” như thế, bạn đọc Nguyễn Nhân đặt vấn đề: “Tôi xin hỏi ông Trần Xuân Hòa (Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin): Nếu là tiền của ông thì liệu ông có dám đầu tư mà không biết khi nào có lãi như vậy không? Tại sao lại cứ phải cố tìm cách làm cho bằng được như vậy?”.
 

Hãy phát triển Tây Nguyên bền vững

Đúng là tài nguyên không phải vô hạn. Mấy hôm trước khi báo chí đăng thông tin về giá một tấn quặng nhôm xuất khẩu, một nông dân đã nói ngay "giá 6 tấn quặng alumin mới bằng một tấn cà phê". Mà trồng cà phê thì thu hoạch mãi, cao nguyên tồn tại vĩnh viễn. Còn phá ra lấy nhôm chỉ được một lần mà hủy cả môi trường chẳng trồng trọt được gì. Vậy tại sao lại phải khai mỏ lấy nhôm ? Mong Quốc hội hãy vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích của người dân mà cho dừng dự án này” - Bạn đọc Nguyễn Văn Minh.

 

Theo NLĐ