Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đẩy mạnh an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ

(15:58:59 PM 26/02/2013)
(Tin Môi Trường) - Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và phòng, chống cháy nổ (PCCN) lần thứ 15 với chủ đề: “Tăng cường văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc" sẽ được tổ chức từ ngày 17 đến 23/3. Lễ phát động sẽ được tổ chức tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang vào sáng 17/3.




Tại cuộc họp báo do Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ và PCCN tổ chức ngày 26/2, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Hà Tất Thắng cho biết: Trong Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, nhiều hoạt động sẽ tổ chức: các hội thảo về ATVSLĐ; thanh kiểm tra về công tác ATVSLĐ tại các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn; tổ chức hội thi chung kết an toàn vệ sinh viên giỏi tỉnh Bắc Giang; thăm gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động (TNLĐ), một số doanh nghiệp, hợp tác xã tại tỉnh Bắc Giang. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương tổ chức phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. 

Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2012, toàn quốc đã xảy ra 6.777 vụ TNLĐ làm 6.967 người bị nạn, trong đó, 552 vụ tai nạn gây chết người với 606 người chết. 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng và Bình Thuận. Hai địa phương không để xảy ra TNLĐ chết người là Điện Biên, Bạc Liêu (Bạc Liêu 4 năm liền không để xảy ra TNLĐ chết người). 

Những ngành nghề để xảy ra nhiều TNLĐ nghiêm trọng vẫn là lao động giản đơn trong khai thác mỏ, xây dựng, thợ gia công kim loại, thợ cơ khí, thợ vận hành máy, thiết bị. Nguyên nhân để xảy ra các vụ TNLĐ chủ yếu là do người lao động vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc an toàn về an toàn lao động. Chi phí do TNLĐ xảy ra trong năm 2012 (tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết, bị thương...) là 82,6 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng, tổng số ngày nghỉ (kể cả nghỉ chế độ) do TNLĐ là 85.683 ngày. 

Để chủ động phòng ngừa TNLĐ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp trong thời gian tới tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước về ATVSLĐ và các chế độ bảo hộ lao động; tăng cường tuyên truyền về văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc. Các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật lao động; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra kịp thời, xác định chính xác nguyên nhân xảy ra TNLĐ chết người trong các doanh nghiệp.Người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tuân thủ các quy định về ATVSLĐ; triển khai tốt các hoạt động của Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2013 nhằm đạt các mục tiêu của Chương trình Quốc gia an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015.

TTXVN