Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bãi Môn – Mũi Điện: Điểm đến ngày xuân

(07:07:10 AM 26/02/2013)
(Tin Môi Trường) - Mùa xuân du ngoạn về Bãi Môn – Mũi Điện sẽ làm tâm hồn mỗi người thư thái, sảng khoái sau một năm bộn bề với công việc và làm tan biến những lo toan của cuộc sống đời thường.

Một góc Mũi Điện- Phú Yên

 

Bãi Môn – Mũi Điện là hai địa danh nằm liền kề nhau, thuộc địa phận thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia từ năm 2008. Du khách có thể đến Bãi Môn – Mũi Điện bằng đường bộ từ bãi Chính hoặc theo đường biển qua cửa Vũng Rô. Với nhiều nét đẹp hoang sơ có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên như: núi đồi, rừng cây, dòng suối và đại dương mênh mông xanh thẳm với các công trình xây dựng do con người kiến tạo như ngọn hải đăng làm cho Bãi Môn – Mũi Điện trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch gần xa, nhất là khi tết đến xuân về…

 

 Mũi Điện còn có các tên gọi khác như: Mũi Đại Lãnh, Mũi Kê Gà, CapVarella; có tọa độ địa lý 1205348vĩ độ Bắc và 10902706 kinh độ Đông được xem là một điểm du lịch lý tưởng. Với vùng biển mênh mông tít tắp tận chân trời du khách tha hồ mà hóng gió biển, hít thở bầu không khí trong lành, thỏa sức ngắm nhìn từng đoàn thuyền cánh buồm no gió đang vươn ra khơi xa hoặc những khoang thuyền đầy ắp cá trở về bến sau mỗi lần đi đánh bắt. Mũi Điện còn là một trong số rất ít điểm trên đất liền được đón ánh bình minh đầu tiên trên đất nước Việt Nam.

 

Từ thành phố Tuy Hòa bằng các phương tiện giao thông đường bộ theo tuyến đường Hòa Hiệp – Phước Tân – Bãi Ngà khoảng 24 km là đến được Bãi Môn – Mũi Điện. Cũng có thể từ thành phố Tuy Hòa theo quốc lộ 1A về phía Nam khoảng 30km đến lưng chừng đèo Cả, rẽ trái là đường xuống vịnh Vũng Rô, tiếp tục đi theo đường nhựa về phía Đông khoảng 5km là đến Bãi Môn – Mũi Điện. Từ Bãi Môn lội qua một suối nước ngọt có mạch nguồn từ dãy đèo Cả chảy qua bãi tắm, đi theo đường núi, vượt lên khoảng 400 bậc cấp, dài 500m là lên đến Trạm hải đăng. Đứng ở đây du khách thỏa sức ngắm cảnh biển, trời mây non nước, tận hưởng bầu không khí trong lành, mát rượi và cả vị mặn mòi của biển.

 

Cuối thế kỷ XIX, viên đại úy sĩ quan người Pháp tên là Varella đã phát hiện và ghi nhận tầm quan trọng của mũi đất này trên bản đồ hàng hải thế giới, người Pháp gọi là Cap Varella. Năm 1890, người Pháp xây dựng ngọn hải đăng với mục đích định hướng cho tàu thuyền hoạt động trên biển ra vào vịnh Vũng Rô. Từ khi hải đăng được xây dựng và đi vào hoạt động, Mũi Nạy có tên là Mũi Điện. Năm 1945, hải đăng Mũi Điện tạm ngưng hoạt động. Năm 1961, chính quyền Sài Gòn khôi phục hải đăng nhưng hoạt động chưa lâu thì phải tạm dừng bởi Mũi Điện nằm trong khu vực căn cứ miền Đông của cách mạng, là hành lang đón các con Tàu Không số. Để ngăn chặn tuyến đường tiếp tế trên biển của cách mạng vào Vũng Rô, Mỹ - Ngụy ném bom dày đặc vào núi rừng khu vực Vũng Rô, phá hủy cả trạm hải đăng. Ba mươi năm sau, nhà nước ta xây dựng lại hải đăng Mũi Điện và chính thức đưa vào hoạt động ngày 3 tháng 7 năm 1995, là một trong 45 đèn biển cấp một quốc gia. Hải đăng Mũi Điện sử dụng thiết bị thu năng lượng mặt trời của Australia và đèn điện tử của Mỹ. Hải đăng có tầm nhìn địa lý 26,5 hải lý, tầm hiệu lực ánh sáng 24 hải lý, có đèn chính và đèn phụ với thiết bị hiện đại, bảo đảm chiếu sáng theo quy định (ánh sáng trắng chớp nhịp 3, chu kỳ 15 giây), tạo bờ nối giữa người đi biển và đất liền. Đặc biệt đây là một trong tám ngọn hải đăng có trên 100 năm tuổi trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động của Việt Nam; là ngọn hải đăng nằm gần hải phận quốc tế nhất.

 

Bãi Môn được Mũi Nạy ở phía Bắc và Mũi Điện ở phía Nam che chắn, bờ biển dài hơn 400m, cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhẹ, độ dốc nhỏ và thoai thoải dần ra xa, là bãi tắm lý tưởng. Khám phá Bãi Môn – Mũi Điện để được tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, được đắm mình vào dòng nước mát có vị mặn của biển, được tắm nắng, thong thả dạo bước trên những dải cát tinh khôi, mịn màng, được trải nghiệm cảm giác của các ngư phủ trên những chiếc thuyền câu lênh đênh trên sóng biển và được thưởng thức các món hải sản biển như: cua, cá, mực, tôm, hàu,… Mùa xuân du ngoạn về Bãi Môn – Mũi Điện sẽ làm tâm hồn mỗi người thư thái, sảng khoái sau một năm bộn bề với công việc và làm tan biến những lo toan của cuộc sống đời thường. 

Nguyễn Hoài Sơn (Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Yên)