Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường TPHCM gặp nhiều rào cản

(21:48:45 PM 25/02/2013)
(Tin Môi Trường) - 7 rào cản chính khiến cho Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường của TPHCM - một trong 6 chương trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2011 - 2015 có nguy cơ không đạt được mục tiêu đề ra. Điều đáng nói là để khắc phục những nguyên nhân trên không phải là việc dễ làm.


Xử lý rác thải tại bãi rác Phước Hiệp. Ảnh: Phạm Kim Ngân

 

 

Khó toàn diện

 

Trong cuộc họp đánh giá hiệu quả triển khai chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đại diện Chi cục bảo vệ môi trường TPHCM chỉ rõ, hiện còn tồn tại 7 nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu đặt ra. Cụ thể, kinh phí cho các dự án phục vụ mục đích cải thiện chất lượng môi trường chưa được bố trí kịp thời; với một số dự án vệ sinh môi trường thì việc chậm triển khai cải tạo và nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người dân; tình hình ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp chưa có cách giải quyết dứt điểm…

 

Theo quy hoạch, trên địa bàn thành phố có 30 cụm công nghiệp. Đa số cụm này lại chưa có ban quản lý, chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Việc xử lý nước thải phụ thuộc vào sự tự giác các cơ sở nhỏ nhưng thường thì các cơ sở này vẫn lén xả thải thẳng ra ngoài môi trường; nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là tại các quận 12, Bình Tân dù đã phát hiện và xử lý nhiều lần nhưng vẫn còn tồn tại dai dẵng, chưa có biện pháp xử lý triệt để; số doanh nghiệp lén lút vi phạm xả nước thải và khí thải tăng cao bất chấp hoạt động thanh kiểm tra được thực hiện khá ráo riết. có nhiều lý do để doanh nghiệp làm việc này nhưng chủ yếu vẫn là vì lợi nhuận.

 

Doanh nghiệp cố tình không đầu tư hệ thống xử lý hoặc có đầu tư nhưng không bảo dưỡng định kỳ dẫn đến xuống cấp, quá tải hoặc vận hành đối phó. Số ít doanh nghiệp có ý thức trong việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường nhưng do hoạt động với quy mô gia đình nên không đủ nhân lực quản lý hoặc không có chuyên môn để nắm rõ hết quy định hiện hành, dẫn đến nhưng vi phạm ngoài ý muốn; riêng công tác quản lý chất thải rắn đô thị và chất thải nguy hại - một trong những công tác được đánh giá là thực hiện khá tốt tại TPHCM trong những năm qua cũng đang gặp không ít rào cản khó gỡ.

 

Đáng kể nhất là cho đến nay quy hoạch tổng thể của ngành vẫn chưa thể lập vì hầu như không có quận huyện nào đồng ý để thiết lập các công trình ngành vệ sinh trên địa bàn của mình. Do vậy, rất khó khăn trong vấn đề xác định địa điểm, đất đai xây dựng các công trình thu gom, trung chuyển rác và khu xử lý rác. Về công nghệ thu gom rác thì chủ yếu là phương tiện thô sơ, lạc hậu, các loại xe tự chế nhưng cơ chế để tái đầu tư thì gần như không có.

 

Đáng lo hơn là công tác bồi thưởng giải phóng mặt bằng còn chậm dẫn đến tình trạng thiếu đất để giao cho các dự án đã có chủ trương, ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu gom, xử lý chất thải rắn hiện nay. Đặc biệt là diện tích đất dành chi khu xử lý chất thải nguy hại chưa được thành phố thống nhất về địa điểm. Vì thế mà công tác kêu gọi đầu tư vào công tác xử lý chất thải nguy hại gặp nhiều khó khăn.

 

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị cho biết thêm, một nguyên nhân khác đang làm đau đầu cơ quan quản lý đó chính là một bộ phận không nhỏ những người dân hiện vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường hoặc chưa chuyển biến thói quen thành hành động thân thiện với môi trường. Vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi dưới lòng đường, kênh rạch. Đặc biệt, đối với những vấn đề mới như phân loại chất thải rắn tại nguồn, người dân chưa thích nghi với thói quen này và cần có thời gian thích ứng.

 

Kiến nghị sửa đổi nhiều dự án

 

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, những rào cản trên đã ít nhiều ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra. Điển hình chưa đánh giá tỷ lệ thu gom chất thải nguy hại và chất thải y tế; chỉ tiêu xử lý chất thải rắn theo công nghệ làm phân compost đạt 40% và đốt phát điện là 10% nhưng thực tế cho đến nay chỉ rác xử lý theo công nghệ compost chỉ mới đạt 5%-8%, còn đốt thì mới đang ở khâu xét chọn dự án.

 

Nhìn chung, qua 2 năm thực hiện chương trình giảm thiểu ô nhiễm cho thấy các chương trình, đề án triển khai còn chậm so với tiến độ đề ra. Do vậy, để khắc phục vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND TP chấp thuận bổ sung thêm 4 đề án với tổng kinh phí thực hiện khoảng gần 14 tỷ đồng là xây dựng phương pháp đánh giá các chỉ tiêu bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2012 đối với hoạt động sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn thành phố; đánh giá mức độ giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt khu vực nội thành và ngoại thành.

 

Trong đó, tập trung chính vào đánh giá nguồn ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt và công nghiệp; đánh giá và ứng dụng mô hình lan truyền tính toán mức độ giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn do hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra. Và cuối cùng là đề án đánh giá chỉ tiêu bảo vệ môi trường đối với hoạt động thông tin, tuyên truyền. Bên cạnh đó, điều chỉnh nguồn vốn một số dự án như dự án bồi thường giải tỏa và trồng cây xanh cách ly cho khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi), Đa Phước (huyện Bình Chánh)…

 

Với dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn kéo dài thêm gian thực hiện. Theo đó từ nay đến hết 2015 chỉ tập trung hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại trung tâm thương mại, khu đô thị, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Bắt đầu từ năm 2016 mới áp dụng triển khai tại khu vực hộ gia đình. Tuy nhiên, giải pháp cấp bách là cần có biện pháp chế tài hành vi xả rác bừa bãi trong cộng đồng, nhất là hành vi xả rác xuống kênh rạch. Có như vậy mới mong gìn giữ và phát huy hiệu quả công trình cải tạo chất lượng môi trường nước hệ thống kênh rạch của thành phố.

Theo SGGP