|
Tình trạng ô nhiễm môi trường nặng là một trong những lý do khiến nhiều người hô hào Trung Quốc dời đô. |
Chuyện dời đô trên thực tế không phải quá mới ở Trung Quốc. Những người ủng hộ cho sự thay đổi đó luôn có những lý do khá thuyết phục cho vấn đề này.
Xét trên phương diện lịch sử, nhiều hoàng đế của nước này từng dời đô với nhiều lý do khác nhau nhằm tận dụng tốt nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên, có khả năng phòng thủ tối ưu hơn hoặc có các yếu tố phong thủy tốt hơn.
Trong khi đó, trong kỷ nguyên hiện đại, nhiều quốc gia cũng dời đô. Chẳng hạn, trong thập niên 1960, Brazil dời đô từ Rio de Janeiro tới vùng nội địa Brasilia nhằm đẩy mạnh sự phát triển của vùng nội địa phía tây. Nigeria dời đô từ Lagos đến Abuja với các lý do liên quan đến ô nhiễm môi trường, giao thông...
Ngoài ra, Pakistan, Myanmar và Kazakhstan cũng chọn thủ đô khác và được nhiều nhà quan sát bình luận là một chiến lược thành công.
Trung Quốc trong kỷ nguyên hiện đại đã lấy Bắc Kinh làm Thủ đô kể từ năm 1949 và hiện nay có nhiều lý do để xem xét chuyện dời đô. Hơn 20 triệu người Bắc Kinh đang phải hít thở không khí độc hại chết người, một phần do chất thải từ 5 triệu xe hơi khiến các con đường giao thông tắc nghẽn. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng được ví như một ma cà rồng hút máu từ các thành phố lân cận, trong đó bao gồm nguồn nước, điện và lương thực, thực phẩm.
Mọi người đều đồng ý rằng, Bắc Kinh không phải là một thành phố đảm bảo các điều kiện sống tốt nhưng hàng triệu dân nhập cư lại xem đây là miền đất hứa và di cư ồ ạt tới Thủ đô để tìm kiếm giấc mộng đổi đời. Thực trạng đó khiến thành phố bị quá tải, đất chật người đông, không gian sống ít ỏi, chật chội. Các nguồn lực như giáo dục và chăm sóc sức khỏe không thể đáp ứng nổi nhu cầu của người dân, dẫn đến nhiều bức xúc, chỉ trích.
Do đó, có không ít người Trung Quốc ủng hộ chuyện dời đô. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, thành phố nào sẽ được chọn để trở thành Thủ đô mới. Theo những lời đồn đại sôi nổi trên trang mạng Sina Weibo, Xinyang, một thành phố thuộc tỉnh Hà Nam được xem là một ứng cử viên để trở thành Thủ đô mới của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng không ít người tuyên bố, ý tưởng dời đô là chuyện xa vời, không thực tế. Họ nhấn mạnh, giống như nhiều thành phố của Trung Quốc, Xinyang không phải là không gặp các vấn đề ô nhiễm và đương nhiên cũng chỉ sở hữu các nguồn lực tự nhiên hạn chế.
Hơn nữa, nếu một thành phố được xem là phù hợp để trở thành Thủ đô, liệu nó có đảm bảo khả năng không bị hủy hoại sau khi trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước. Liệu ai có thể đảm bảo rồi Thủ đô mới sẽ không trở thành một Bắc Kinh phiên bản 2. Đó là chưa kể, nhiều nhóm lợi ích chắc chắn sẽ chống đối mạnh mẽ ý tưởng dời đô ngay khi nó bắt đầu manh nha nhằm bảo vệ quyền lực và tài sản của mình.
Trong khi vẫn chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về chuyện dời đô, các cuộc tranh luận nóng vẫn thu hút công đồng mạng Trung Quốc.