- Cảm giác của ông như thế nào, khi phóng viên AFP mô tả về phở Hà Nội “chỗ ngon nhất lại nằm ở những hàng quán không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ, dòng người xếp hàng dài và môi trường tồi tàn nhất”?
TS Trịnh Hòa Bình: Chạnh lòng, cảm thấy buồn chứ. Lâu nay, nhiều người chúng ta chấp nhận nó như một thứ bán kèm, chịu đựng lẫn nhau của sự kém phát triển, văn minh. Nhưng khi thiên hạ định giá mình một cách “ngang giá” thì chúng ta khó chịu. Nó chạm vào lòng tự ái dân tộc chứ không riêng gì Hà Nội.
|
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình |
Tác giả nước ngoài nói vậy thì cũng chẳng oan sai gì cho chúng ta đâu. Không có gì đáng ngạc nhiên vì hàng ngày chúng ta chứng kiến những chuyện như thế một cách rất thực.
Xưa nay mọi người hay gắn hình ảnh một ông chủ hiệu phở người ngầy ngậy béo, mặt mũi đầy mồ hôi, xộc xệch, lôi thôi, tay dao tay thớt… Và rất nhiều người Hà Nội bấy lâu nay cũng có quan niệm, ăn phở đúng chất thì phải ở chỗ ngồi bụi bặm, dưới bóng cây, xào xào nấu nấu nhếch nhác ngay trên vỉa hè thì mới ngon.
Hà Nội từng có quán phở gà rất nổi tiếng tại Nam Ngư, nơi đó đúng nghĩa là phở chửi.
Ai gọi món to thì bị chủ quán đáp lời: “Nói to, nói gì mà lắm thế?”. Ai nói nhỏ thì bị quát: “Lẩm bẩm thế thì ai biết mà làm?”. Chung quy là kiểu gì “thượng đế” cũng bị chửi và đành co rúm lại chỉnh đốn lại mọi hành vi, lời nói… nhưng người ta vẫn cứ đổ xô đến ăn. Nó trở thành một thứ văn hóa rồi mà nhiều người nói vui là phải vào những chỗ đó mới thú vị, mới ngon.
Không phải tất cả các chủ hiệu phở đều thế. Nhưng nói chung, ấn tượng của nhiều thực khách nước ngoài về phở tại Việt Nam là như vậy, sự xấu bao hàm ở cả nghĩa văn hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Theo ông, tại sao người Hà Nội lại có thể chịu đựng được thứ văn hóa phục vụ khủng khiếp đến thế? Phải chăng là do một thói quen từ thời bao cấp còn “lưu luyến”?
TS Trịnh Hòa Bình: Đó là một kiểu của thứ thực dụng. Cái quan trọng là họ vẫn được hưởng thụ loại món ăn mà họ thích, còn chuyện chửi bới kia thì họ cho rằng họ không chấp, thậm chí, họ thương hại ngược trở lại. Dĩ nhiên, cái cảm giác thương hại dạng này cũng giống như suy nghĩ của AQ mà thôi. Nhiều người nghĩ là cái đó gần như không thể thay đổi được và người ta chấp nhận nó.
Khi bàn, khi miêu tả về ấn tượng phở Hà Nội, phở Việt Nam người ta có thể bao gồm cả cái văn hóa chửi đó. Văn hóa ẩm thực, vẫn tính đến nó như một thành tố của sự dã man, mông muội.
Và họ chấp nhận nó như một thứ gia vị.
Mà tôi thấy rằng, chả riêng gì chủ quán phở, bây giờ nhiều trí thức, nhiều đại gia cũng nói tục trở lại. Nói thực, tôi thấy nói tục đang thịnh hành trở lại đấy.
Khi thô lỗ cũng thành trường phái
- Đời sống ngày càng văn minh hơn nhưng dường như cũng đầy rẫy sự thô lỗ?
TS Trịnh Hòa Bình: Một vị tiến sĩ nổi tiếng, giảng dạy tại trường ĐH Kinh tế lớn nói tục ngay trên bục giảng. Nhưng nhiều người coi đó là một thứ phong cách, trường phái. Và rất nhiều trí thức đang nói tục.
Tôi từng có dịp tham dự một buổi tọa đàm trực tuyến cùng một trí thức lớn. Sau mỗi câu nói, ông này lại “đệm” một từ rất tục. Một thứ phong cách thô lỗ lại được nhiều người đi theo và trở thành một thứ bỗ bã, làm duyên.
Trí thức lớn như thế, giới trẻ, kể cả học sinh, sinh viên, công chức nói tục, chửi bậy ngày càng phổ biến. Nhiều người coi nói tục chửi bậy là một thứ đồ trang sức, là cách thể hiện với mọi người là tôi rất dân dã, hòa đồng và không lạc lõng giữa số đông. Một lý do nữa, đó là hình như người ta nói bậy, nói tục cũng là một sự giải thoát, xả stress, là một sự phủ định xã hội hiện tại.
Việc nói tục chửi bậy thường xuyên kéo dài, kể cả trong một bộ phận người thầy làm cho bầu không khí xã hội bị vẩn đục. Cái chuẩn mực dường như đang bị đánh rơi đâu đấy.
- Thỉnh thoảng vẫn có những cuộc hội thảo được tổ chức, bàn bạc về vấn đề “xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Bàn tới bàn lui trong hội trường, còn bên ngoài, những biểu hiện thô lỗ như ông vừa nói vẫn đầy rẫy và ngày càng nhiều hơn…
TS Trịnh Hòa Bình: Nếu một hội thảo khoa học nữa về vấn đề này lại được mở ra thì tôi đảm bảo nhiều phương thức, biện pháp được đưa ra chỉ mang tính bông phèng. Giống như ai đó nói, theo vận động này, chương trình nọ, đến năm 2020 sẽ thực hiện quyết liệt để tiến tới chấm dứt những biểu hiện của nếp sống thiếu văn minh tại đô thị, dẹp được “rác” trong cuộc sống, trong văn chương.
Nói đúng ra, chúng ta đang tuyệt vọng trước hàng loạt các chỉ tiêu. Mà ai đó nói khác đi, chắc sẽ bị nhiều người nói là theo chủ nghĩa thất bại. Xã hội đang ngày càng xô bồ và không dám nhìn thẳng vào vấn đề mà luôn né tránh biện minh.
Hành vi xả rác theo nghĩa đen hay xả rác về ô nhiễm tinh thần cũng có mối quan hệ bà con gần gũi với nhau đấy, chứ không phải là xa cách đâu. Việc giữ được chuẩn mực không quá khó nhưng cũng không dễ, nó là một sự giằng co giữa cái đẹp và cái xấu mà con người phải vượt qua. Cuộc sống ngày nay đòi hỏi phải giản dị nhưng không giản đơn, ngắn gọn nhưng không cụt lủn, thô mộc nhưng không thô lỗ.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bi quan hoàn toàn, nhưng người lớn phải làm gương, nhà trường phải giáo dục đúng đắn cho trẻ. Tôi tin, nếu cả xã hội kiên quyết làm thì chắc chắn sẽ giáo dục được nhân cách tốt cho thế hệ trẻ. Vì Nho giáo không dễ gì bị tiêu vong, con người Việt Nam vốn dĩ vẫn là những người coi trọng văn hóa, đạo đức, lễ nghĩa.
Mà việc này đòi hỏi nhiều thời gian chứ không đơn thuần là đưa ra các chỉ tiêu.