Theo ông Mạnh, sữa dê Danlait tên sản phẩm chính thức tại Pháp là “prémilait" được dịch sang tiếng Việt là "Sữa cho trẻ em được làm từ sữa dê" và trong các giấy tờ của Pháp đều được ghi như vậy.
Ông Đặng Quang Mạnh - Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Mạnh Cầm |
Về hàm lượng đạm, ông Mạnh giải thích, theo quy định của luật pháp Pháp, tất cả các loại sữa bột dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi đều được gọi chung là sữa trẻ em (lait infantile), với tỷ lệ protein dao động từ 10-25g/100g bột.
Hàm lượng protein 34% chỉ tồn tại trong thành phần của các sản phẩm sữa bột nói chung dành cho người lớn, còn các công thức sữa cho trẻ em không bao giờ đạt tiêu chuẩn này bởi trẻ em sẽ rất khó hấp thụ, ông Mạnh giải thích thêm.
Nhưng theo qui định của Việt Nam, nếu không đạt đủ 34% độ đạm (protein) thì không được gọi là sản phẩm sữa. Do vậy, ở Việt Nam, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm cấp phép cho sản phẩm này là "Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait". Nhưng Công ty Mạnh Cầm đã tự ý bỏ tên là "thực phẩm bổ sung, mà ghi là sữa".
Giải thích trước nghi vấn sữa dê nhập từ Pháp nhưng là sữa Trung Quốc, ông Mạnh cho rằng: Sản phẩm sữa dê đang xuất khẩu sang các thị trường là Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Arập Xêut và Việt Nam. Sản phẩm sữa dê của FIT cũng được bán tại Pháp với tên gọi khác.
Ông Mạnh cũng quyết định treo thưởng 1 tỷ, nếu ai chứng minh được nguồn gốc sản phẩm Danlait không phải từ Pháp và chất lượng có nguy hại đến sức khỏe của con người.
Tuy nhiên, ngày 21/2, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết đã tiến hành kiểm tra các sản phẩm sữa dê Danlait nhập khẩu từ Pháp của công ty TNHH Mạnh Cầm, tại số 13, ngõ 2 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo đó, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm tại công ty này, cụ thể: Tự ý bỏ tên thực phẩm chức năng mà ghi là sữa, đó là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe trẻ em.
Tiếp đến là việc chưa kê khai giá và niêm yết giá theo quy định.
Đội Quản lý thị trường số 12 đã quyết định niêm phong và tạm giữ toàn bộ 6.000 hộp sữa còn lại của Công ty Mạnh Cầm, để dịch nhãn mác gốc và nhãn phụ có tương đồng không sau đó mới đưa ra quyết định xử lý.
Trẻ ăn không lớn
Theo phản ánh của chị Cao Thị Ngân Hà, ở 37 làng Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội), chị lựa chọn sữa dê Danlait cho con khỏi bị táo bón.
Sữa dê Danlait bị tố là sữa giả |
“Qua hơn 2 tháng dùng sữa dê Danlait, con mình không bị bón nhiều như trước nhưng không lên cân và còn sụt cân nữa (trước cháu 7 tháng 12 kg, nay gần 9 tháng được 11,5 kg), mọc răng chậm.
Sáng 21/2, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo quy chuẩn về chất lượng sản phẩm dành cho trẻ nhỏ, sản phẩm được coi là sữa khi đạt 34% đạm. Nếu dưới mức này, thì được coi là thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng.
Ngoài ra, theo ông Trung, các lô hàng nhập khẩu đều đã được Hải quan chấp thuận cho thông quan, đầy đủ giấy tờ, không làm giả được.
Được biết, Chủ tịch của FIT cũng đã gửi thư đến đại sứ quán Pháp để chứng minh nguồn gốc của sữa. Trong ngày 22/2, Giám đốc công ty Mạnh Cầm đã trực tiếp làm việc với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và trong vài ngày tới, phía Đại sứ quán Pháp sẽ có thông tin chính thức về sản phẩm Danlait.
Thách cược tiền tỷ là thách thức khách hàng?
Trước đó, dư luận đang xôn xao chuyện nhiều loại nước tương chứa chất 3-MCPD gây ung thư thì Cty Vitecfood (sở hữu nhãn hiệu Chin-su) đã quảng bá thông tin "Cam kết trả 1 tỷ đồng cho bất cứ ai tìm được 1 chai nước tương Chin-su không đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế về 3-MCPD". Tuy nhiên, theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - cho biết, Cục chưa cấp phép cho quảng cáo này. Ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thừa nhận: “Khi chúng tôi lấy 2 mẫu cùng một lô nước tương đi xét nghiệm ở 2 labo (phòng thí nghiệm) lại cho 2 kết quả khác nhau. Vì vậy, khi nhận kết quả kiểm nghiệm, chúng tôi cũng không dám chắc kết quả có chính xác 100% hay không!”. |