Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dự án bauxite: Phớt lờ cảnh báo

(09:02:30 AM 24/02/2013)
(Tin Môi Trường) - Công nghệ bùn đỏ khô là phù hợp với sản xuất bauxite ở Tây Nguyên, áp dụng công nghệ bùn ướt là thất sách vì không phù hợp với khí hậu Tây Nguyên và trên thế giới hiện cũng chẳng mấy nơi áp dụng vì quá lỗi thời

Thạc sĩ Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng  Viện Tư vấn phát triển (CODE), sau chuyến khảo sát sản xuất alumin tại Tây Nguyên cho biết đến thời điểm này, phía Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) chưa có đánh giá cụ thể về tác động của quặng đuôi bauxite trong dự án bauxite Tây Nguyên. 

 
Đoàn công tác Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường của Quốc hội thực hiện việc giám sát đối với 2 dự án bauxite ở Nhân Cơ và Tân Rai vào năm 2010 Ảnh: THU SƯƠNG
 

Bùn ướt là thất sách

 

Ông Tú cho rằng công nghệ bùn đỏ khô là phù hợp với sản xuất bauxite ở Tây Nguyên, còn việc 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ vẫn áp dụng công nghệ bùn ướt là thất sách, vì không phù hợp với khí hậu Tây Nguyên và trên thế giới hiện cũng chẳng mấy nơi áp dụng do quá lỗi thời. Hai nhà máy alumin đều đặt ở vị trí cao của Tây Nguyên, là đầu nguồn các con sông, suối đổ về hạ lưu cộng thêm lượng mưa ở Tây Nguyên rất lớn.
 
 
Đoàn công tác Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường của Quốc hội khảo sát thực địa dự án bauxite Nhân Cơ (Đắk Nông)
Ảnh: THU SƯƠNG
 
 
Sản xuất alumin ở công nghệ bùn khô thì khả năng thu hồi nồng độ xút ăn da (NaOH) là tối đa nhất và ít gây hại cho môi trường, còn ở bùn ướt thì tỉ lệ còn rất lớn và khi xảy ra sự cố thì môi trường sẽ lãnh đủ. Với công nghệ bùn ướt, bùn đỏ chứa một lượng nước lớn và với độ ẩm cao (75%) khiến lượng xút trong dung dịch bùn đỏ lớn hơn rất nhiều so với bùn đỏ khô.
 
 
Còn nếu áp dụng công nghệ bùn khô, bùn đỏ sau khi thải ra sẽ được ép thành các bánh, nước và xút ăn da dư thừa sẽ được thu hồi tối  đa và đưa trở lại nhà máy. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ bùn khô đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí để mua thêm công nghệ bùn ép khô. “Ngay từ năm 2010, tôi đã phản ứng việc “né” công nghệ bùn khô của Vinacomin sau này sẽ phải lãnh hậu quả nhưng đã không được tiếp thu” - ông Tú bức xúc.
 

Một số người cũng cho rằng thay vì dùng thải khô với chi phí độn lên nhiều, có thể áp dụng một biện pháp đơn giản hơn là dùng thải ướt rồi ngăn hồ chứa bùn đỏ ra làm nhiều khoang nhỏ (Tân Rai 8 khoang).

 

TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng (thuộc Vinacomin), phản ứng rằng việc áp dụng công nghệ bùn ướt rẻ tiền nhưng mang nhiều bất lợi về môi trường. Ông Sơn dẫn lại đề tài của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) để chế tạo sắt mới công bố thì việc sử dụng bùn khô là hiệu quả hơn cả. “Tỉ lệ sắt trong quặng ở Thái Nguyên là 55% mà lợi nhuận còn là bài toán phải tính. Còn nếu vận chuyển bùn đỏ đi nơi khác để tinh luyện thì chi phí vận chuyển và hủy hoại đường sá, môi trường còn khó tính nổi” - TS Sơn bình luận.

 

Quá nhiều lỗ hổng

 

ThS Phạm Quang Tú cho biết vào tháng 10-2012, CODE đã khảo sát nhà máy alumin Tân Rai và thấy trong dây chuyền sản xuất alumin có khâu tuyển quặng, từ chỗ quặng nguyên khai (bauxite, đất đá…) nhà máy tuyển quặng sẽ làm giàu quặng (chọn quặng tinh) bằng cách dùng hệ thống phun nước áp lực cao để rửa quặng nhằm loại bỏ đất đá (hiện nhà máy tuyển quặng cách nhà máy alumin Tân Rai 4 km và vận chuyển quặng tinh bằng băng chuyền).

 

Điều bất ngờ đối với chính Vinacomin và các cơ quan thẩm định là quặng nguyên khai có độ dính kết rất cao, rất khác so với quặng nguyên khai ở miền Bắc chỉ cần nước áp lực mạnh rửa là sạch đất. “Có lẽ do đất Tây Nguyên “yêu” quặng quá nên rất khó rửa sạch, nhất là vào mùa mưa. Vì thế, công nghệ của nhà máy tuyển quặng không đạt yêu cầu thực tế. Và dẫn đến hệ quả là nhà máy tuyển quặng chỉ làm việc được trong mùa khô, còn mùa mưa, ẩm ướt là gần như bó tay” - ông Tú đánh giá.

 

Chưa hết, ông Tú còn chỉ ra lỗ hổng lớn về môi trường trong hệ thống sản xuất alumin ở Tây Nguyên vì sau khi bơm nước rửa quặng sẽ xuất hiện 2 thành phần là quặng bauxite tinh và hỗn hợp đất đá, ôxít sắt, nước… (được gọi là bùn thải quặng đuôi). Quặng đuôi sẽ được đưa vào một bể lắng lọc và dùng vôi bột, hóa chất để xử lý cho bùn lắng xuống dưới đáy và nước trong bên trên được thu hồi để tiếp tục rửa quặng theo kiểu sử dụng nước tuần hoàn.
 
 
Sau đó, số bùn lắng đọng sẽ được đổ ra bãi thải quặng đuôi. Tuy nhiên, điều trớ trêu ở nhà máy ở Tân Rai là bùn thải quặng đuôi lại không lắng xuống mà lơ lửng phủ trên mặt nước. Có nghĩa là phải thải toàn bộ cả nước và bùn ra bãi thải quặng đuôi và số lượng đã vượt ngưỡng thiết kế của bãi thải so với dự kiến ban đầu, rồi sẽ tràn ra ngoài.
 
 
Cũng theo chuyên gia này, khi lập dự án, giới chuyên môn đã cảnh báo về việc Tây Nguyên lấy đâu ra nước để phục vụ quá trình tuyển quặng và Vinacomin đã giải đáp bằng biện pháp sử dụng nước tuần hoàn. Tuy nhiên, như phân tích ở trên thì giải pháp nước tuần hoàn đã “phá sản”.
 
 

Khi nói đến bauxite và alumin, dường như các bên chỉ quan tâm đến bùn đỏ mà không quan tâm đến bùn thải quặng đuôi. Mà để sản xuất ra 1 tấn alumin thì phải cần 2 tấn quặng tinh (đồng nghĩa với việc thải ra 1 tấn bùn đỏ) và thải ra khoảng 2,5 tấn bùn thải quặng đuôi. Nếu tràn ra bên ngoài môi trường trong thời gian dài thì khó đánh giá hết tác hại đến sinh hoạt đời sống và canh tác.

 
THẾ DŨNG (NLĐ)