(Tin Môi Trường) - Tràn bùn đỏ, liên tục lùi ngày vận hành; ngừng xây dựng cảng bôxít xuất khẩu, xuất khẩu bôxít lỗ... là sự không may đã xảy ra với nhà máy bôxít Tân Rai.
Liên tục lùi ngày vận hành
Ngày 18/2, ông Trần Văn Chiều, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)- Vinacomin cho biết bắt đầu bán quặng bôxít Tân Rai sang Trung Quốc, Malaysia.
Nhà máy bôxít Tân Rai (Lâm Đồng) sẽ sản xuất 300.000 tấn alumin trong năm 2013, trong đó phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia ... với giá xuất khẩu khoảng 340 đô la Mỹ/tấn.
Trước đó, nhà máy bôxít Tân Rai đã 4 lần lỗi hẹn xuất xưởng sản phẩm alumina. Quý II/2011, Dự án Tổ hợp Bô xít nhôm Tân Rai hứa sẽ ra lò sản phẩm alumina đầu tiên. Do một số nhà thầu phụ có tốc độ thi công chậm nên kế hoạch phải lùi sang đầu quý III/2011. Tiếp đến, Vinacomin lại hoãn kế hoạch xuất xưởng sang đầu quý II năm 2012 và sau đó kế hoạch này lại lùi sang đầu năm sau.
Nguyên nhân được ông Phan Bội Lợi, giám đốc Ban quản lý dự án bôxit - nhôm Lâm Đồng, cho biết hồi tháng 10/2012 : “…các công trình vệ tinh này cũng như nhà máy alumin cơ bản đã hoàn thành nhưng hoạt động chưa ổn định và đồng bộ. Mới đây, trong quá trình ủ mầm, một khúc gỗ không biết từ đâu rơi vào và xuất hiện rác nên phải mất nhiều thời gian khắc phục.
Nhà máy điện có hai tổ máy với 15MW/tổ máy nhưng quá trình chạy thử thì công suất các tổ máy này trồi sụt, không đạt yêu cầu. Tuyến băng chuyền tải quặng tinh trong nhà máy bị ngưng trệ do quặng bị ướt khi gặp mưa. Hồ chứa bùn đỏ đã hoàn thành hai khoang nhưng đang phải đợi đội đặc nhiệm (Bộ Tài nguyên - môi trường) đến kiểm tra”.
Một góc nhà máy bôxit Tân Rai
Tràn bùn đỏ
Nhà máy Tân Rai từng được nhắc đến rất nhiều với sự cố tràn bùn đỏ. Theo thống kê bước đầu của UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), có khoảng trên 200ha cafe, trà và ao nuôi cá của người dân nằm giáp ranh với công trình bôxít Tân Rai nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố hoá chất tràn ra môi trường bên ngoài.
Nguyên nhân được xác định do nơi để các bao chứa xút (lỏng và rắn) tại khu vực tập kết nguyên liệu đã không được che chắn kỹ, các bao bì chứa xút, sau khi pha trộn không được thu gom, xử lý, vứt bừa ra môi trường bên ngoài.
Lượng xút còn dính trong bao theo nước mưa thẩm thấu vào đất và một phần trôi theo dòng nước chảy vào mương thoát nước chung của khu vực nhà máy, sau đó chảy ra môi trường bên ngoài.
Mặt khác, tại thời điểm kiểm tra, bể pha trộn xút của công trình bôxít Tân Rai có một số vị trí bị hư hỏng, gạch bao tường bị sạt lở, đáy nền bị ăn mòn, tạo ra nhiều khe hở, không có biển báo nguy hiểm nơi kho chứa xút và bể pha trộn.
Những hành vi này đã vi phạm khoản 3, điều 8, nghị định 117 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngừng xây dựng cảng Kê Gà
Ngày 18/2, tại cuộc làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức tuyên bố ngưng không xây dựng cảng Kê Gà tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.
Những dự án du lịch hoàn chỉnh như thế này phải ngưng để nhường đất cho cảng Kê Gà. Nhưng suốt 5 năm qua cảng Kê Gà chỉ có trên giấy
Sau gần năm năm với bốn lần tuyên bố khởi công rồi dừng lại, dự án cảng Kê Gà (do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin làm chủ đầu tư) đã chính thức bị ngưng.
Dự án cảng nước sâu Kê Gà được Chính phủ chấp thuận chủ trương từ năm 2007. Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận có thông báo cho 12 dự án du lịch (đang kinh doanh, xây dựng và đền bù) phải ngưng lại để dành đất cho chủ đầu tư Vinacomin xây dựng cảng.
Hiện hàng chục resort, biệt thự tiền tỉ trên con đường ven biển dẫn đến ngọn hải đăng Kê Gà bị bỏ hoang gây lãng phí.
Việt Nam được xác định là một trong những nước có nguồn bôxít lớn trên thế giới. Tổng trữ lượng quặng bôxit đã xác định và tài nguyên dự báo khoảng 5,5 tỉ tấn, đứng thứ ba thế giới.
Tuy nhiên, theo tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam Vinacomin cho hay, dự kiến cả năm 2013 nhà máy Tân Rai sẽ sản xuất được 300.000 tấn alumin (tức mới đạt 50% công suất thiết kế là 600.000 tấn/năm), chủ yếu dành cho xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia. Nhưng do giá xuất khẩu theo đàm phán chỉ đạt 340 USD/tấn nên dù xuất khẩu vẫn lỗ.