Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những nghi án sữa giả rúng động Việt Nam

(09:53:23 AM 22/02/2013)
(Tin Môi Trường) - Người tiêu dùng cảm thấy hoang mang trước các thông tin về tình trạng sữa nhái, sữa bẩn trên thị trường. Chất lượng sữa không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.

Nghi sữa dê Danlait ở Việt Nam là giả 


Mấy ngày qua, các bà mẹ nuôi con nhỏ đang truyền tai nhau về thông tin sữa dê nhập khẩu mang nhãn hiệu Danlait xuất hiện trên thị trường Việt Nam gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ nhỏ.

Vì không có sữa nên chị Cao Thị Ngân Hà (ở 37 làng Yên Phụ, quận Tây Hồ, HN) phải cho con uống sữa ngoài. Trong suốt 6 tháng đầu đời con khỏe mạnh, phát triển bình thường. Từ khi con ăn dặm bắt đầu bị bón, chị Hà đổi sang dùng sữa dê cho mát, nên chị chọn sữa Danlait. Chị Hà kể: “Qua hơn 2 tháng dùng sữa dê Danlait, con mình không bị bón nhiều như trước nhưng không lên cân và còn sụt cân nữa (trước cháu 7 tháng 12 kg, nay gần 9 tháng được 11,5 kg), mọc răng chậm.

Trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện nhóm “Chung tay chia sẻ thông tin về sự dối trá của sữa Danlait”, tính đến chiều 20/2, đã có gần 1.000 thành viên tham gia. Một bà mẹ khác có nickname là mauhau trên diễn đàn này chia sẻ: “Độ mịn và màu sắc sữa không đồng nhất, lúc màu vàng hạt mịn, lúc màu ít vàng và hạt cũng ít mịn hơn, lúc lại màu vàng xanh xanh... không hiểu sao chất lượng sữa trông không ổn định về cảm quan”.

Sản phẩm sữa Danlait được phân phối bởi Công ty TNHH Mạnh Cầm có địa chỉ website là http://manhcam.com.vn, trên web vẫn có khẳng định đây là sản phẩm nhập khẩu nguyên lon từ Cộng hòa Pháp.

 

Sữa dê Danlait ở VN bị nghi là giả

Người tiêu dùng càng bức xúc hơn nữa khi Công ty Mạnh Cầm công bố giấy tờ liên quan, khi tính toán, các thành viên “ngã ngửa”: Đơn giá hộp sữa 400gr hơn 3 euro, tính ra chỉ hơn 80.000 đồng/hộp, nhưng giá bán hiện tại trên thị trường từ 400 - 420.000 đồng/hộp!

Chiều ngày 21/2, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và trực tiếp là Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã vào cuộc và công bố ban đầu về kết quả kiểm tra các sản phẩm sữa của công ty này.

Theo ông Kiều Đình Cảnh, Phó đội trưởng đội 12, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, sau khi tiến hành kiểm tra các sản phẩm sữa dê Danlait của công ty TNHH Mạnh Cầm đã phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể là công ty đã không tuân thủ các điều kiện kinh doanh của Việt Nam về mặt hàng sữa, trong đó liên quan đến đăng ký chất lượng ghi trên nhãn không đồng nhất, "tự ý bỏ tên là thực phẩm bổ sung" mà lại ghi là sữa.

Bản thân công ty đã đăng ký sản phẩm là thực phẩm bổ sung nhưng trên nhãn phụ lại ghi là 'sản phẩm sữa cho trẻ em,' đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng, chủ yếu là đối tượng trẻ em," ông Kiều Đình Cảnh, Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường Thanh Xuân cho hay. Công ty TNHH Mạnh Cầm cũng chưa hề thực hiện việc kê khai giá và niêm yết giá theo quy định.

Hiện tiêu chuẩn đối với sản phẩm sữa theo qui định của Việt Nam phải có độ đạm từ 34%, nhưng sản phẩm của Mạnh Cầm chỉ có độ đạm từ 13%-17,5%. "Việc này đã khiến chênh lệch giá do hành vi gian dối rất nhiều," lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nêu rõ.

Giải thích về những hành vi này, ông Đặng Minh Sang, Phó Giám đốc phụ trách chính về phân phối và bán hàng của công ty Mạnh Cầm giãi bày: việc "bỏ tên" thực phẩm bổ sung hoàn toàn không có dụng ý gì mà chủ yếu là sai sót trong việc ghi tên nhãn mác?!

Sữa Ba Vì “nhái” chứa khuẩn Ecoli

Mới đây, Công an thành phố Hà Nội cũng công bố kết quả kiểm nghiệm và kết quả điều tra đối với vụ “sữa tươi Ba Vì” bị làm nhái được cơ quan chức năng phát hiện.
 
Giám đốc Công ty Cổ phần sữa tươi Ba Vì, ông Phùng Phương Nam đã thừa nhận công ty không được cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm sữa mang địa danh Ba Vì và việc sản xuất trái phép sữa tươi Ba Vì đóng chai loại 1 lít là vi phạm nghiêm trọng về nhãn mác.

 

Sữa Ba Vì bị làm nhái (Ảnh: VietQ)


Đại diện đơn vị làm nhái nhãn hiệu sữa Ba Vì này cũng không xuất trình được với cơ quan chức năng giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sữa bột nguyên liệu, phụ gia để sản xuất các sản phẩm sữa và bánh sữa.

Kết quả giám định các mẫu sản phẩm sữa tươi Ba Vì bị làm nhái, do Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thực hiện, cho thấy, có 3 mẫu sản phẩm của Công ty Cổ phần sữa tươi Ba Vì không đạt chỉ tiêu về hàm lượng và chất lượng. Cụ thể, các mẫu “sữa dê tươi thanh trùng 100% sữa sạch không đường”; “sữa bò tươi thanh trùng 100% sữa sạch không đường” có hàm lượng protein sữa, hàm lượng lipit không đảm bảo tiêu chuẩn.
 
Trước đó, cơ quan chức năng cũng kiểm tra các mẫu của Công ty Cổ phần sữa tươi Ba Vì và phát hiện 2 mẫu sản phẩm là “Sữa bò tươi thanh trùng 100% sữa sạch” và “Sữa dê tươi thanh trùng 100% sữa sạch” có các chỉ tiêu về Coliforms và Ecoli cao gấp nhiều lần cho phép.
 
Hoang mang thông tin sữa có đỉa

Vào khoảng giữa năm 2012, người dân tại các vùng nông thôn Việt Nam đổ xô đi săn lùng đỉa bán cho thương lái Trung Quốc với mức giá trên trời. Ngay sau đó, mật độ tin đồn thực phẩn chứa đỉa xuất hiện với mức độ dày đặc khiến người tiêu dùng (NTD) hoang mang.

 

Thông tin sữa có đỉa từng gây hoang mang dư luận

Hiệp hội Sữa Việt Nam ngày 24/9 ra văn bản bác bỏ thông tin đỉa có thể băm nhỏ để trộn vào thực phẩm, trong đó có sữa. Theo Hiệp hội, đây là tin đồn thất thiệt nhằm phá hoại kinh tế và gây mất ổn định xã hội.

Ngày 12/11/2012, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có công văn gửi lãnh đạo Bộ Công an và Hội Nông dân Việt Nam, kiến nghị giải quyết sự lan truyền của tin đồn “trong sữa có đỉa”.

Mặc dù, các nhà khoa học và cơ quan chức năng đã vào cuộc và khẳng định đỉa không thể phát triển và tồn tại trong sữa, nhưng tin đồn “sữa có đỉa” tiếp tục xuất hiện với mức lan truyền cao tại các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh…

Nghi án sữa ngoại "bẩn"

Cuối năm 2011, nhà sản xuất sữa hàng đầu tại Nhật Bản Meji đã xác nhận có chất phóng xạ cesium được phát hiện trong sữa Meiji "Step" dành cho trẻ em. Theo hãng Meiji, trong sản phẩm sữa bột sản xuất từ ngày 14 - 20/3/2011, đã phát hiện có 30,8 becquerel phóng xạ cesium/1kg sữa trong các sản phẩm Meiji "Step".

 

Hãng Meiji nói là sữa này "trong giới hạn an toàn" và "không gây bất cứ nguy cơ nào", tuy nhiên, hãng cũng "tự nguyện" thu hồi ngay lập tức 400.000 thùng sữa bột này.

Được biết, chất đồng vị phóng xạ cesium thường được chứa bên trong các thanh nhiên liệu, có thể bị hòa trộn vào trong khí quyển dưới dạng khí hoặc hạt bụi khi các thanh nhiên liệu bị hư hỏng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ em nếu ăn, uống phải các loại thực phẩm chứa chất phóng xạ, có thể bị tích tụ trong tuyến giáp và gây ra căn bệnh ung thư.

Trước đó, vào tháng 9/2011, nhà sản xuất sữa Abbott Laboratories đã thu hồi khoảng 5 triệu hộp sữa bột hiệu Similac được bán ở Mỹ, Puerto Rico, Guam và một số quốc gia khác thuộc vùng biển Caribbe. Lý do thu hồi được hãng này giải thích là một số sản phẩm có thể bị nhiễm bẩn với một số loại côn trùng như bọ cánh cứng, ấu trùng. Những tạp chất này có thể khiến người sử dụng bị đau dạ dày hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa.

Các sản phẩm Similac trong diện thu hồi được đựng trong hộp nhựa với nhiều kích cỡ khác nhau. Hãng Abbott chỉ thu hồi sữa dạng bột và khẳng định sản phẩm dạng lỏng vẫn an toàn. Những mẫu sữa nhiễm bẩn được phát hiện tại nhà máy Sturgis, bang Michigan, Mỹ.

 Những điều cần biết khi chọn mua sữa

Những loại vi khuẩn thường gặp trong sữa?

Có rất nhiều loại vi khuẩn đã được tìm thấy trong sữa. Bacillus cereus là loại vi khuẩn sinh độc tố gây nôn mửa và tiêu chảy nặng. Vi khuẩn này là loại sinh nha bào, một loại vỏ đặc biệt giúp vi khuẩn không bị chết bởi nhiệt độ cao và có thể sống sót khi sữa được tiệt khuẩn bằng phương pháp Pasteur. Mặc dù rất hiếm, nhưng có trường hợp Bacillus cereus cũng được tìm thấy trong sữa bột và một số chế phẩm sữa bột cho trẻ em. Brucella cũng thường được tìm thấy trong những sản phẩm sữa chưa được tiệt trùng. Khi bị nhiễm loại vi khuẩn này có thể bị sốt tái diễn nhiều lần. Campylobacter jejuni, loại vi khuẩn hay gây tiêu chảy nhất tại Mỹ, có mặt trong sữa tươi.

Vi khuẩn này bị tiêu diệt bởi pH axit của dịch vị nên nếu như ăn một lượng sữa tươi lớn làm dịch vị bị loãng, pH bớt axit đi thì Campylobacter jejuni có thể sống sót và gây tiêu chảy. Vi khuẩn Coxiella burnetii gây nhiễm ở nhiều loại vật nuôi và rất khó bị diệt bởi nhiệt độ và môi trường khô. Vi khuẩn này là nguyên nhân gây sốt Q, kéo dài từ 1 – 2 tuần. Các loại sữa tươi, phó-mát cũng có thể bị nhiễm E. Coli, đặc biệt là chủng E. coli O157: H7. Nếu bệnh nhân sau khi ăn sữa bị tiêu chảy có máu giống hội chứng lỵ thì phải coi chừng nguyên nhân gây bệnh là E. Coli. Listeria monocytogenes, là loại vi khuẩn hay gây bệnh ở các đối tượng bị suy giảm miễn dịch, HIV, phụ nữ có thai, trẻ con, người già với bệnh cảnh viêm màng não mủ

Sữa có thể bị nhiễm khuẩn như thế nào?

Sữa có thể bị nhiễm khuẩn từ nhiều giai đoạn. Có nhiều loại vi khuẩn sống cộng sinh ở tuyến sữa của bò sữa, dê nuôi lấy sữa. Những loại vi khuẩn này vô hại đối với súc vật nhưng lại có thể gây bệnh khi lây lan sang người. Sữa có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình vắt sữa nếu không đảm bảo qui trình vệ sinh. Thông thường, với những dây chuyền chế biến sữa hiện đại, việc tiệt khuẩn được tiến hành theo những qui trình nghiêm ngặt nên nhiễm khuẩn sữa khó có thể xảy ra. Sữa chỉ bị nhiễm khuẩn khi bao bì, hộp đóng gói bị rách thủng, rò rỉ hoặc sữa để quá hạn sử dụng, sữa cất giữ trong môi trường không thích hợp. Cuối cùng, sữa cũng thường bị nhiễm khuẩn khi người tiêu dùng chế biến các sản phẩm từ sữa như làm sữa chua, bánh kẹo… hoặc cất giữ sữa ở môi trường mất vệ sinh, để ruồi muỗi, gián… rơi vào sữa.

Cách chọn sữa theo nhóm:

+ Nhóm sữa dành cho trẻ dưới 1 tuổi:

- Nhóm sữa dành cho trẻ sinh non, trẻ thiếu cân như Frisolac Premature, Enfalac Premature, Dumex Premature …

- Sữa dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi: Similac, Enfalac, SMA, Diealac 1, Cô gái Hà Lan Step 1, Dumex 1, Guigoz 1, Lactogen 1, NAN 1 …

- Sữa dành cho trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: Enfapro, Cô gái Hà Lan Step 2, Dielac 2, Gain…

+ Nhóm sữa dành cho trẻ trên 1 tuổi như sữa Cô gái Hà Lan 123, Dielac 3, Dugro, Enfagrow, Nestle 1+ …

+ Nhóm sữa dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt:

Đây là nhóm sữa không có đường latose dành cho trẻ có ruột bị kích thích, đầy hơi, tiêu lỏng do nhạy cảm với đường latose. Bạn có thể chọn cho bé các loại sữa như: Dumec latofree, Enfalac Lactose, Prosobee, Nursory…
Theo VNN