Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Ông Hoàng Hữu Phước có dấu hiệu vi phạm pháp luật"

(21:29:16 PM 19/02/2013)
(Tin Môi Trường) - “Việc ĐB Hoàng Hữu Phước đăng tải bài viết trên trang cá nhân với nội dung xúc phạm ĐB Dương Trung Quốc đã vi phạm điều 121 Bộ luật Hình sự về tội làm nhục người khác...", Luật sư Triển nói.

Không thể chấp nhận hành vi xúc phạm nhau của ĐBQH 
 
Mấy ngày qua, dư luận cả nước “nóng" về vụ việc Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Hữu Phước đăng tải bài viết “Dương Trung Quốc - Bốn điều sai năm cũ (Tứ đại ngu)" trên trang blog cá nhân của mình với lời lẽ xúc phạm ông Dương Trung Quốc xung quanh những tranh luận liên quan đến các vấn đề bàn thảo tại Quốc hội.
 
Ngay khi bài viết trên đăng tải đã nhận được nhiều ý kiến phản ứng từ phía các cử tri. Đa số đều bày tỏ sự thất vọng về cách hành xử của vị ĐB đại diện cử tri TP HCM này. Họ cho rằng, là ĐBQH đại diện cho cử tri, nhân dân TP HCM thì nên cẩn trọng từng lời nói. Hơn nữa, có gì băn khoăn, bất đồng quan điểm hãy trình bày tại Quốc hội.

 

 

 Bài Tứ đại ngu đăng trên blog của Đại biểu Hoàng Hữu Phước

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, việc ĐBQH trao đổi mà lại có tính chất mạt sát nhau, xúc phạm nhau là hoàn toàn không nên. “Anh có thể phát biểu chính kiến quan điểm của anh với những lập luận, lý lẽ thuyết phục, có văn hóa, xây dựng nhưng không thể thóa mạ, xúc phạm nhau. Trong các nội quy của kỳ họp của Quốc hội, quy chế về hoạt động của ĐBQH đều cấm các ĐBQH xúc phạm, thóa mạ lẫn nhau, không chỉ trong kỳ họp mà cả hoạt động của ĐB giữa hai kỳ họp”. 
 
Lãnh đạo đoàn ĐBQH TP HCM cũng khẳng định: “Việc đại biểu Phước dùng trang blog để công kích mang tính cá nhân đại biểu khác là không nên".
 
Trao đổi với PV, ông Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, ĐBQH khóa XIII) cho biết không muốn bình luận gì thêm về bài viết nhắm vào mình: “Tôi nghĩ là ĐBQH thì phải đại diện cho ý chí, nguyện vọng chung của cử tri, phải đem ý kiến của cử tri gửi gắm ra nghị trường QH. Tôi chỉ sợ cử tri nói tôi là ĐBQH mà không làm tròn trọng trách được nhân dân giao thôi, chứ tôi không sợ những ý kiến chỉ nhằm mục đích mạt sát cá nhân".

 Các đại biểu có quyền tranh luận trên nghị trường nhưng không được xúc phạm nhau bên ngoài

Tại cuộc họp của đoàn ĐBQH TP HCM ngày 18/2, để làm rõ một số vấn đề liên quan đến bài viết đăng trên trang blog cá nhân, ông Hoàng Hữu Phước đã thừa nhận mình là tác giả của bài viết trên và lãnh đạo đoàn ĐBQH TP HCM đã nhận định việc làm của ông Hoàng Hữu Phước là không phù hợp với văn hóa nghị trường Việt Nam vào thời điểm hiện nay. Theo đó, nếu các đại biểu có những quan điểm khác nhau về bất cứ vấn đề gì thì có thể tranh luận thẳng thắn tại phiên họp hoặc gửi thư đến thường vụ QH hoặc đoàn đại biểu địa phương để phản ánh, bày tỏ quan điểm của mình.
 
Thông qua báo chí, ĐB Hoàng Hữu Phước đã thừa nhận sai xót: “Tôi gửi lời xin lỗi ông Dương Trung Quốc vì tôi đã sai khi sử dụng phương pháp trình bày các ý kiến qua blog. Lẽ ra, tôi chỉ nên gửi thư trực tiếp, gửi thư cho lãnh đạo nơi ông Quốc và tôi cùng sinh hoạt”.
 
Hành vi có dấu hiệu vi phạm luật hình sự
 
Trao đổi với PV, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân cho rằng, vụ việc trên có dấu hiệu vi phạm luật hình sự.
 
Ông Triển cho biết: “Khi đọc bài viết “Dương Trung Quốc - Bốn điều sai năm cũ (Tứ đại ngu)" trên trang cá nhân của ĐBQH Hoàng Hữu Phước, tôi đã rất buồn. Quốc hội Việt Nam là một cơ quan quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nuớc cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. ĐBQH không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình, mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Chính vì vậy, ĐBQH phải cẩn trọng hơn trong hành vi, ngôn ngữ của mình.
 
Điều này càng được khẳng định hơn tại điều 3 của quy chế là ĐBQH phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có nhiệm vụ tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật, động viên nhân dân và người thân trong gia đình chấp hành pháp luật, tham gia quản lý Nhà nước. Chính vì thế, việc đăng tải bài viết trên trang cá nhân của mình, ĐB Hoàng Hữu Phước đã thể hiện sự kém hiểu biết về pháp luật của mình, làm ảnh hưởng đến uy tín QH trong lòng cử tri cả nước”.

 Luật sư Trần Đình Triển

“Thời gian qua, ĐB Dương Trung Quốc đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến trên nghị trường. Những ý kiến của vị ĐB này phù hợp với quyền lợi người dân, của đất nước và được đông đảo cử tri đánh giá cao. Việc bài viết trên blog ĐB Hoàng Hữu Phước đưa ra sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, nhân phẩm của ĐB Dương Trung Quốc. 
 
Trên thực tế, các ĐBQH có quyền phê bình và tự phê bình. ĐBQH này có quyền phê phán ĐBQH khác, luật không cấm, nhưng phải có bằng chứng cụ thể và đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi lên Ban thường vụ Quốc hội hoặc đoàn ĐBQH nơi ĐBQH ấy kia đang công tác, hoặc gặp nhau trao đổi... Việc ĐB Hoàng Hữu Phước đưa các ý kiến lên trang blog cá nhân với nội dung và lời lẽ thô tục, xúc phạm ĐB khác là không thể chấp nhận đuợc", LS Trần Đình Triển bày tỏ quan điểm.
 
Ông Triển cho biết thêm: “Hành vi trên của ĐB Hoàng Hữu Phước có dấu hiệu vi phạm Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về tội làm nhục người khác. Cụ thể, thứ nhất, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 
 
Thứ 2, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
 
Thứ 3, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.
 
Nên xử lý thế nào?
 
Luật sư Trần Đình Triển nhìn nhận: “Việc ĐBQH xúc phạm một ĐBQH khác trên một trang cá nhân và để chế độ công khai cho mọi người cùng xem, theo tôi là hành vi vi phạm pháp luật. Một ĐBQH nói xấu một ĐBQH khác thì rõ ràng bên cạnh việc vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế hoạt động của ĐBQH, vị ĐB đó còn xúc phạm đến một hình tượng đại diện cho nhân dân khác, cũng như làm ảnh hưởng đến hình ảnh của QH".
 
"Qua những gì đã thể hiện, ĐBQH Hoàng Hữu Phước đã cho thấy sự thiếu hiểu biết pháp luật, vi phạm pháp luật, cần xem xét xử lý nghiêm khắc. Ủy ban thường vụ Quốc hội cần xem xét, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật và các quy chế của Quốc hội, nên giao ban công tác ĐBQH để xác minh, xác định tính chất vụ việc vi phạm có nên khởi tố hay không theo điều 121 Luật hình sự về tội làm nhục người khác. 
 
Nếu hành vi chưa đến mức khởi tố thì tuỳ mức độ vi phạm để xử lý như xem xét tư cách ĐBQH theo quy định, có hình thức kỷ luật cho phù hợp, thậm chí có thể miễn nhiệm đến bãi nhiệm đại biểu QH nếu có hành vi vi phạm. Không thể để các ĐBQH tiếp tục có hành vi xúc phạm lẫn nhau làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của QH. Việc này cần phải làm rõ", Luật sư Triển đề nghị.
 
Quyền miễn trừ của ĐBQH

Theo Luật sư Trần Đình Triển, quyền miễn trừ là mô%3ḅt trong những quyền đặc biê%3ḅt nhất đối với mỗi đại biểu QH. Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2002 (sửa đổi bổ sung 2007) điều 58 quy định: "Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội".

Tuy nhiên, điều 56 Luật này cũng quy định, khi đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Theo đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam, Uỷ ban MTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định. 
Theo Kiến Thức