Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường, TPHCM có 2 nguồn cung cấp nước chính: các nhà máy nước và nước giếng ngầm.
Sông Đồng Nai đang trở thành mối đe dọa đối với TPHCM Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều đoạn “chết lâm sàng”
Hệ thống giếng ngầm gồm 39 giếng do Công ty Cấp nước Sài Gòn quản lý. Trong đó có 11 giếng được xây dựng sau năm 1975, 28 giếng cũ đã được sửa chữa phục hồi hiện đang khai thác nên nước giếng bơm lên một số phải xử lý sắt mới hòa vào lưới phân phối để cung cấp.
Bên cạnh đó còn có một số lượng giếng ngầm của Chương trình nước sạch nông thôn do UNICEF tài trợ; Nhà máy Nước ngầm Hóc Môn có công suất 50.000 m3/ngày đêm (cung cấp nước cho các quận 6, 11 và Bình Tân); Trạm cấp nước Bình Trị Đông, công suất 12.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, còn khoảng 100.000 giếng do các đơn vị sản xuất - dịch vụ và hộ dân tự khoan đang được sử dụng. Tuy nhiên, do ô nhiễm hệ thống sông, kênh rạch… khiến chất lượng nước ngầm suy giảm và hiện tượng sụt giảm nước ngầm gây biến dạng mặt đất một số khu vực.
Do đó, các nhà máy nước là nguồn cung cấp chủ lực của TP: Nhà máy Nước Thủ Đức là nguồn cung cấp nước sạch chính cho TP với công suất 750.000 m3/ngày đêm, Nhà máy Nước BOT Bình An có công suất 100.000 m3/ngày đêm và Nhà máy Nước Tân Hiệp có công suất 300.000 m3/ngày đêm. Cả 3 nhà máy này đều dẫn nước trực tiếp từ sông Đồng Nai.
Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cảnh báo chất lượng nước sông Đồng Nai đang xấu dần đi, có những đoạn “chết lâm sàng” vì ô nhiễm quá mức. Cụ thể, nước sông Sài Gòn từ khu vực cửa sông Thị Tính bắt đầu ô nhiễm hữu cơ, vi sinh, tăng dần về phía hạ lưu. Khu vực TPHCM, hàm lượng BOD5, COD, vi sinh… đều không đạt quy chuẩn chất lượng nước cấp cho mục đích sinh hoạt.
Chỉ số chất lượng nước năm 2012 tại các điểm quan trắc đều thấp hơn năm 2011, cho thấy chất lượng nước ngày càng suy giảm. Hạ nguồn sông Đồng Nai còn đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn ngày càng vào sâu hơn. Theo Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường tỉnh Đồng Nai, trong tháng 11- 2012, kết quả đo độ mặn trên sông Thị Vải (khu vực cửa sông Đồng Nai tiếp giáp với biển) dao động từ 10,2‰ - 24,9‰, cao hơn tháng 9 - 2012 khoảng 2‰.
Từ năm 2009 đến nay, vào mùa khô, độ mặn lên rất cao: nếu năm 2009 độ mặn chỉ gần 1.700 mg/lít thì mùa khô năm 2011 có lúc tăng lên trên 3.400 mg/lít. Những tác động đó khiến các nhà máy nước của TP “lên ruột” vì khâu xử lý phức tạp và đội chi phí lên cao. Dẫu vậy, các chuyên gia trong ngành y tế vẫn lo ngại việc tăng cường hóa chất chỉ có thể xử lý một số chỉ tiêu cơ bản và đơn giản, còn nhiều kim loại nặng và một số hóa chất khác với cách xử lý như hiện nay không thể làm được.
Nhiều dự báo cho thấy với xu hướng nước biển dâng ngày càng nhanh và hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai đồng loạt tích nước thì xâm nhập mặn sẽ tới trạm bơm nước thô Hóa An.
Phập phồng vì các hồ chứa
Vị trí tiếp giáp cửa sông tạo điều kiện thuận lợi cho TPHCM phát triển một hệ thống giao thông đa dạng. Thế nhưng, hàng loạt công trình thủy lợi - thủy điện xây dựng và vận hành trên thượng nguồn sông Đồng Nai khiến TP bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo quy hoạch, trên dòng chính sông Đồng Nai sẽ có 7 bậc thang với 14 nhà máy thủy điện, thuộc loại thủy điện vừa và lớn. Sáu thủy điện đã hoạt động: Đa Nhim dung tích chứa 166 triệu m3, Đại Ninh dung tích chứa 319 triệu m3, Đồng Nai 2 có dung tích 543 triệu m3, Đồng Nai 3 dung tích 1.432 triệu m3, Đồng Nai 4 dung tích 337 triệu m3, Trị An dung tích 2.765 triệu m3.
Dự án thủy điện Đồng Nai 5 đang xây dựng có dung tích 106 triệu m3 và 2 dự án đang gây nhiều tranh cãi là Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A. Ngoài ra, có 9 thủy điện đang hoặc sắp hoạt động trên các dòng nhánh sông Đồng Nai và một số hồ chứa, đập thủy lợi khác. Tổng cộng hơn 30 công trình tích nước trên hệ thống sông Đồng Nai nhưng vẫn chưa có quy chế vận hành liên hồ cũng như kịch bản, phương án ứng phó sự cố cho hạ lưu.
Nhiều cơ quan chức năng, các nhà khoa học đã tỏ ra quan ngại về vấn đề này, bởi lẽ, các công trình trên không khác gì những “quả bom” nước đe dọa các địa phương ở hạ nguồn. Chỉ riêng công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng nếu xả lũ theo đúng công suất thiết kế 2.800 m3/giây thì diện tích ngập của TP sẽ rất lớn. Vì thế, TPHCM đang kiến nghị Chính phủ và Bộ NN-PTNT điều chỉnh mức xả lũ hồ Dầu Tiếng không quá 600 m3/giây.
Tuy nhiên, theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, nếu không xả lũ đúng thiết kế sẽ gây vỡ đập, khi đó, thảm họa còn nặng nề hơn. Việc dung hòa an toàn của hai bên đang là bài toán gây đau đầu cho Bộ NN-PTNT.
Tuy chưa có những nghiên cứu cụ thể về tác động của các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Đồng Nai nhưng theo giám sát hằng năm của tỉnh Đồng Nai, nhiều công trình thủy lợi của tỉnh này rơi vào tình trạng “trùm mền” vào mùa khô do các công trình thủy điện thượng nguồn tích nước. Qua đó cho thấy các công trình thủy điện không thể tránh khỏi liên đới nguyên nhân gây thiếu nước và xâm nhập mặn ở hạ lưu.
|