Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hứng chịu tổn thất
Theo TS Chu Thái Hoành, Viện Nghiên cứu tài nguyên nước quốc tế (IWMI)), phía thượng lưu sông Mekong, những con đập thủy điện đã và đang xây dựng sẽ giữ đến 16% trong tổng lưu lượng nước (475 tỷ m³/năm), ảnh hưởng 50% tổng lượng nước sông Mekong. Vì vậy, thay đổi dòng chảy và lượng phù sa ở phía hạ lưu là điều chắc chắn. 12 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong đang bị nhiều tổ chức cùng giới khoa học phản ứng quyết liệt, cảnh báo thảm họa sẽ xảy ra. Nếu các đập thủy điện trên được xây dựng, khoảng 55% tổng chiều dài sông Mekong sẽ biến thành hồ chứa với một lượng nước khổng lồ bị tích trữ lại; tác động rất lớn đến vựa lúa của Việt Nam, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và thế giới.
Theo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của Ủy hội sông Mekong, Việt Nam sẽ bị tổn thất rất lớn, phải đối mặt với các vấn đề: Về dòng chảy, kinh tế nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập mặn gia tăng. Về phù sa, 26 triệu tấn phù sa/năm hiện nay sẽ chỉ còn lại 7 triệu tấn/năm, dẫn đến suy giảm năng suất nông nghiệp, gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông và mất cơ hội mở rộng lãnh thổ ĐBSCL. Về thủy sản, ĐBSCL sẽ thiệt hại 1 tỷ USD/năm do tổn thất các loài cá trắng, vốn chiếm đến 65% lượng cá ở sông Mekong. Cá trắng lại là thức ăn của cá đen, chiếm 35% lượng cá còn lại. Sự biến mất của cá trắng đồng nghĩa cá đen cũng biến mất theo. Về mặt xã hội, khoảng 14 triệu nông, ngư dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng…
Lựa chọn thích ứng cho ĐBSCL
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng công tác BĐKH TP Cần Thơ cho rằng: “Chưa có một nghiên cứu nào cho rằng việc xây đập, nhất là xây một hệ thống đập liên hoàn trên một con sông là hoạt động phát triển bền vững”. Nghiên cứu của Đại học Umea (Thụy Điển) và Viện Tài nguyên thế giới cho biết, sinh thái sông Dương Tử của Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi đập Tam Hiệp hoàn thành.
Tại sông Columbia, sau 80 năm kể từ khi xây đập đầu tiên,sản lượng cá di cư gần như bằng không so với hơn 20.000 tấn cá khai thác được hàng năm trong quá khứ. PGS-TS Lê Anh Tuấn nhận định: “Dự báo nếu tốc độ bất thường BĐKH xảy ra cao hơn và việc phát triển thủy điện nhanh hơn thì đến khoảng thời gian từ giữa đến cuối thế kỷ này, Việt Nam có thể không còn là quốc gia xuất khẩu lương thực nữa, sẽ có những đợt di dân to lớn, hàng loạt quy hoạch hiện nay có thể bị phá vỡ và xáo trộn về kinh tế - xã hội khó tiên đoán hết được”.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cho rằng: Trong bối cảnh các rủi ro tác động đối với ĐBSCL rất phức tạp và chưa thể tính toán ngay được, mặc dù không nên đợi nước tới chân mới nhảy nhưng để ứng xử với tương lai không chắc chắn, chúng ta cần phải áp dụng nguyên tắc cẩn trọng, cân nhắc các biện pháp thật kỹ càng để tránh những giải pháp không phù hợp hoặc không đúng lúc, vừa lãng phí vừa gây tác động tiêu cực.
Biện pháp thích ứng trước tiên là phải bền vững, tức là biện pháp đó phải có tác dụng lâu dài, không gây ảnh hưởng đến nơi khác, ngành khác. Các biện pháp cần phải cân nhắc tất cả khía cạnh về lợi ích và tổn thất, kể cả về môi trường, kinh tế và xã hội và nhìn trên tổng thể ĐBSCL. Biện pháp cũng nên đa dạng, tổng hợp, tùy lúc, tùy nơi và điều quan trọng là một biện pháp nào đó không nên loại trừ các biện pháp khác và đặc biệt nên tránh những biện pháp nào đưa chúng ta vào thế không thể thay đổi được.
Thông thường, các biện pháp công trình là những biện pháp chi phí cao, có tác động môi trường lớn và thường dẫn đến tình huống khó thoái lui, khó thay đổi và nó làm loại trừ các biện pháp khác. Trong khi đó, ngoài biện pháp công trình, có nhiều cách khác như áp dụng kiến thức địa phương để chọn giống thích hợp, thay đổi lịch thời vụ; biện pháp quy hoạch sử dụng đất, kiểm soát phát triển, hoặc thậm chí di dời, tái định cư ở những nơi khó bảo vệ. Biện pháp bền vững, hiệu quả và “không hối tiếc” nhất là phục hồi và phát huy vai trò của hệ tự nhiên ĐBSCL để chống chọi với những thay đổi trong tương lai.