Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vi phạm chủ quyền, bị tẩy chay

(17:21:05 PM 17/02/2013)
(Tin Môi Trường) - Game Chinh Đồ, trang mạng Baidu Trà đá quán... và mới đây nhất là WeChat - ứng dụng chat, nhắn tin, đàm thoại miễn phí trên di động do Công ty Tencent của Trung Quốc cung cấp - đã bị người dùng Việt Nam phản ứng dữ dội

Ứng dụng chat, nhắn tin, đàm thoại miễn phí trên di động có tên WeChat phiên bản tiếng Việt đã cung cấp dữ liệu bản đồ Việt Nam nhưng cố tình ẩn thông tin về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi lại đưa bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vào phiên bản tiếng Trung. Điều này đã khiến người dùng Việt Nam hết sức bức xúc trong những ngày gần đây.

 

Nguy cơ tiềm ẩn\

 

Hàng loạt người dùng Việt Nam trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhất là các bạn trẻ, đã bày tỏ phản ứng bằng cách kêu gọi tẩy chay, không sử dụng WeChat. Đông đảo người dùng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử lý hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam.
 
 
Cộng đồng mạng và người dùng di động Việt Nam kêu gọi tẩy chay WeChat trên nhiều mạng xã hội
 

Mới đây, WeChat Việt Nam đã phát đi một thông cáo báo chí khẳng định việc ứng dụng này ẩn thông tin về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên bản đồ là “không đúng sự thật”. WeChat cho rằng họ luôn tôn trọng tính chính xác của bản đồ thế giới và vẫn hiển thị tên của 2 quần đảo Việt Nam trên biển Đông.

 

WeChat lý giải bản đồ hiện nay mà ứng dụng này đang dùng là do Google cung cấp; rằng người sử dụng có thể kiểm tra thông tin bằng cách đăng nhập WeChat, chọn tab “Location - vị trí” và sử dụng chức năng “Zoom - phóng to”. Khi đó, 2 quần đảo của Việt Nam dưới tên quốc tế “Paracel Islands - Hoàng Sa” và “Spartly Islands - Trường Sa” sẽ được tìm thấy trên màn hình.

 

Theo đại diện nhà cung cấp WeChat, việc này đã được thử nghiệm trên một số tài khoản của người dùng tại Việt Nam và được xác nhận là chính xác. Tuy nhiên, WeChat lại không giải thích về hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” trong phiên bản tiếng Trung của ứng dụng này.

 

Trước đó, cuối năm 2012, phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ Thông tin - Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết các dịch vụ OTT (Over the top content) giúp nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí qua mạng WiFi, 3G như Viber, WhatsApp, WeChat… là nguy cơ tiềm ẩn đối với các doanh nghiệp viễn thông. Các dịch vụ này lại đang được cung cấp miễn phí trên mạng bởi những công ty nước ngoài, để từ đó kinh doanh nhiều dịch vụ khác ngoài viễn thông.

 

Theo ông Hùng, các cuộc gọi, tin nhắn miễn phí qua mạng WiFi, 3G này sẽ rất khó quản lý về mặt an ninh. Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ Thông tin - Truyền thông, cho biết sắp tới, cục sẽ tổ chức hội thảo để đưa ra chính sách quản lý phù hợp với các dịch vụ nêu trên.

 

Đâu chỉ WeChat!

 

Vào tháng 7-2012, trang mạng Baidu Trà đá quán của Baidu Trung Quốc đã bị cộng đồng mạng Việt Nam lên án dữ dội. Nhiều nghi vấn xung quanh các dịch vụ của Baidu tại Việt Nam đã được dư luận yêu cầu làm rõ. Sau đó, bất chấp dư luận phản ứng, Baidu vẫn âm thầm cung cấp thêm rất nhiều dịch vụ khác trên mạng internet Việt Nam nhưng không thông tin gì về giấy phép hoạt động. Nhiều chuyên gia bảo mật mạng sau khi phân tích các sản phẩm của Baidu tại Việt Nam đã cảnh báo mức độ nguy hiểm cao với người dùng nếu sử dụng các sản phẩm này.

 

Tiếp đó, cuối năm 2012, Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin - Truyền thông đã ban hành Quyết định 18/QĐ-PTTH&TTĐT về việc thu hồi quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi trực tuyến Chinh Đồ. Lý do là trò chơi trực tuyến này phát hành không đúng với nội dung, kịch bản đã được phê duyệt, vi phạm các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

 

Quyết định 18/QĐ-PTTH&TTĐT được đưa ra sau khi nhiều người chơi game phát hiện trong trò chơi Chinh Đồ có bản đồ “đường lưỡi bò”. Bản đồ này do công ty sản xuất game Chinh Đồ của Trung Quốc tự ý chèn vào và đã bị cộng đồng mạng Việt Nam phản đối dữ dội.

 

Những sự việc nêu trên cho thấy người dùng trong nước luôn tẩy chay quyết liệt các sản phẩm số thể hiện sự vi phạm chủ quyền Việt Nam. “Những sản phẩm này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho người dùng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần kiểm soát và sớm xử lý dứt khoát” - nhiều người đề xuất. 
 
 

Mỹ, Anh từng cảnh báo WeChat

 

Đầu năm 2012, Lầu Năm Góc đã từng đưa ra một báo cáo khẳng định rằng WeChat “có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc”. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Trung ương Mỹ, ông Mike Rogers, nhận xét “có những mối quan ngại sâu sắc về an ninh quốc gia” đối với WeChat.

 

Trong khi đó, Adam Segal, một chuyên gia về lĩnh vực an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) của Chính phủ Anh, cũng cho rằng WeChat là một trong những dịch vụ tiềm tàng nguy cơ lỗ hổng an ninh mà “đối phương có thể lợi dụng để khai thác, thu thập thông tin tình báo”.

 
Chánh Trung (NLĐ)