Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dưới đây là bài viết của giáo sư Võ Tòng Xuân - một chuyên gia về nông nghiệp tại Cần Thơ, về những vấn đề trong thành phần gạo hiện nay và tại sao phải dùng gạo sạch.
Số liệu phân tích của Đại học Dartmouth cho thấy trong nước đường làm từ gạo lứt hữu cơ, một sản phẩm an toàn nhất ở nước Mỹ dùng cho trẻ con, chứa 25 phần tỷ (ppb) arsenic.
Đến nay, cơ quan EPA (Bảo vệ Môi trường) vẫn chưa ấn định cụ thể lượng arsenic cho phép trong thực phẩm, trong nước uống lượng cho phép chỉ là 10 ppb. Nhà cung cấp gạo và 150 sản phẩm làm từ gạo tại Mỹ là Trang trại gia đình Lundberg (LFF) cho phân tích gạo của mình, thấy có chứa trung bình 95 ppb, đã làm cho người tiêu dùng các sản phẩm của LFF trở nên rất lo lắng. Tháng 9/2012 tạp chí “Consumer Report” phiên bản in đã công bố chi tiết về kết quả phân tích tất cả sản phẩm từ gạo đang được người tiêu dùng Mỹ ăn uống hàng ngày, từ cơm, bánh gạo ăn sáng và các loại bánh khác, đường mật từ gạo… Phân tích cho thấy lượng arsenic vô cơ có từ 24 đến 214 ppb.
Báo cáo này được đưa lên Internet ConsumerReport.com tháng 12/2012 làm người tiêu dùng Mỹ hốt hoảng, yêu cầu EPA phải gấp rút nghiên cứu lượng arsenic vô cơ cho phép trong thực phẩm là bao nhiêu. Ngay cả sản phẩm gạo hữu cơ cũng có chứa lượng arsenic vô cơ đáng kể.
Thường các chất độc chỉ thâm nhập vào thân thể con người sẽ tích tụ tại gan mỗi ngày một tý khiến ta không thấy có hại gì. Gan là bộ phận chịu đựng các chất độc tích lũy này. Khi lượng độc tích lũy này quá nhiều, gan không chịu nổi nữa thì con người mới phát bệnh khó cứu được.
Trong số chất độc này, arsenic thuộc nhóm nguy hiểm. Arsenic được dùng trong các loại thuốc trừ côn trùng và chuột khi nông dân phun thuốc. Một phần thuốc được di chuyển lên cây và vào hạt gạo, một phần rơi xuống mặt nước ruộng hoặc mặt đất chảy sang những đám ruộng khác hay lẫn vào nước chảy ra kênh rạch di chuyển đi nơi khác.
Giáo sư Võ Tòng Xuân đang làm việc trên cánh đồng lúa sạch. Ảnh do tác giả gửi. |
So lại tình hình Việt Nam, người tiêu dùng chưa có hiệp hội nào mạnh để đứng ra theo dõi, phân tích các đặc điểm an toàn vệ sinh thực phẩm tương tự, mà chỉ phó thác cho các nhà sản xuất. Khi có sự cố nào trong thực phẩm lưu hành nhà nước mới vào cuộc, nhưng phương tiện, thiết bị và con người ít ỏi nên không thể kiểm soát nổi mọi thứ thực phẩm. Các cơ cở sản xuất gánh trách nhiệm bằng cách thể hiện bảng kê trên bao bì những chi tiết an toàn theo quy định. Hai mặt hàng thiết yếu và phổ biến nhất là nước uống và gạo đã được một số doanh nghiệp đi đầu trong chủ trương này để đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến sức khỏe lâu dài.
Ngày nay người tiêu dùng vào các siêu thị thường gặp gạo chứa trong những bao bì xinh xắn có nhãn hiệu và công ty sản xuất rõ ràng, có bảng kê phân tích giá trị dinh dưỡng của các chất chứa bên trong. Một thông tin cần được ghi trên bao bì nữa là địa điểm trồng và phương pháp kỹ thuật đã được áp dụng trong quá trình sản xuất lúa.
Những doanh nghiệp sản xuất gạo sạch Việt Nam thường chọn quy trình GlobalGAP hoặc VietGAP (GAP = Good Agricultural Practices = Kỹ thuật nông nghiệp cao). Có doanh nghiệp thực hiện quy trình nông nghiệp hữu cơ (OP).
Với quy trình GAP, người trồng lúa phải tuân theo tất cả quy định kỹ thuật trồng trọt, từ giống lúa xác nhận, bón phân và áp dụng phân bón đúng loại, đúng lượng và thời điểm, sử dụng hóa chất trừ sâu, bệnh đúng loại, đúng lượng và thời điểm, cho đến thu hoạch, phơi sấy, xay xát và đóng gói trong môi trường sạch và an toàn (HACCP). Nước tưới ruộng lúa phải thuộc loại nước sạch, không bị ô nhiễm bởi nước thải chung quanh.
Quy trynh GlobalGAP bắt buộc mỗi nông dân phải có buồng vệ sinh trong nhà, có bồn cầu giật nước rửa, có sọt rác trong nhà và thùng rác công cộng khắp cánh đồng. Doanh nghiệp sản xuất gạo sạch nhất thiết phải có vùng nguyên liệu riêng và cán bộ chăm sóc, kiểm tra tất cả nông dân tham gia sản xuất lúa. Vì vậy chi phí bảo đảm quy trình GAP phải cao hơn lúa trồng tự do.
Lúa trồng theo quy trình GAP được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP, bảo đảm không chứa dư lượng hóa chất độc hại và lượng dinh dưỡng đầy đủ. Trong khi đó lúa trồng tự do dễ bị nông dân lạm dụng hóa chất, dẫn đến khả năng nhiễm nhiều chất độc lưu tồn trong gạo.