Rác chất thành núi trước nhà máy nhưng không được cho vào xử lý
Năm 2007, UBND tỉnh Vĩnh Long kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý bãi rác cũ đã quá ô nhiễm, đồng thời tiến hành xử lý rác thu gom mới để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, vì một môi trường xanh, sạch hơn. Ngày 3/2/2009, UBND tỉnh Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần phát triển xây dựng Phương Thảo do bà Liêu Cát Phương Thảo làm tổng giám đốc.
Được phép của chính quyền, năm 2009, Công ty cổ phần xây dựng Phát triển Phương Thảo bắt đầu tiến hành xây dựng Nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long với công suất 600 tấn/ngày, chi phí phát sinh 236 tỷ đồng.
Tuy nhiên vào đầu tháng 12/2012, khi chủ đầu tư háo hức đưa nhà máy vào hoạt động thì bỗng… chưng hửng vì rác thì chất thành núi nhưng nhà máy... không có rác để xử lý. Theo bà Thảo, sau khi nhà máy hoàn thiện, từ giữa tháng 11/2012, công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Long thông báo việc nhà máy đã đi vào vận hành và bắt đầu tiếp nhận xử lý rác thành phân Compost từ ngày 1/12/2012.
Ngày 3/12, phía công ty tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị được ký hợp đồng xử lý núi rác hiện hữu cao 10m, diện tích 2,4ha, khối lượng khoảng 400 ngàn tấn và 100 tấn rác thải rắn sinh hoạt hàng ngày của người dân trong tỉnh. Nhưng đến thời điểm hiện tại, phía Công ty Phương Thảo vẫn chưa được cung ứng nguồn rác để xử lý mặc dù nhà máy nằm ngay tại bại rác khổng lồ.
Bà Thảo bức xúc cho biết, có lúc công ty chạy vạy xin vay ngân hàng nhưng gặp khó khăn làm chậm tiến độ thì tỉnh đòi thu hồi dự án. Nay nhà máy đã hoàn thành, đi vào hoạt động thì không được ký hợp đồng để xử lý khiến công ty gặp khó khăn.
Hiện tại phía Công ty Phương Thảo phải liên hệ với một số địa phương lân cận như Cần Thơ, Cái Bè (Tiền Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp), Trà Vinh… để tìm nguồn rác cho nhà máy hoạt động; nhưng UBND tỉnh Vĩnh Long lại không chấp thuận cho Công ty Phương Thảo tiếp nhận rác từ các tỉnh này về xử lý.
Rác và nhà máy xử lý rác cùng... nằm chờ quyết định của tỉnh
Khi phóng viên đang loay hoay ghi hình xung quanh bãi rác khổng lồ, bà Nguyễn Kim Hồng, hộ dân sinh sống gần bãi rác, chạy tới bức xúc cho biết: “Tui sống ở đây từ năm 1997 đến nay là lúc bãi rác xuất hiện. Ngày nào cũng có xe ô tô chở rác vào chất đống cao, mùi hôi thối vào những ngày nắng không tài nào chịu được. Ruồi muỗi bay mù mịt, trời mưa nước chảy đen đục từ trong bãi rác ra. Nguồn nước xung quanh đây đều bị đục ngầu, đem sì. Tui thấy lạ nữa là nhà máy rác xây xong mà không thấy hoạt động. Bao năm qua gia đình tôi chờ ngày hoạt động này lâu lắm rồi. Sống ở đây khổ lắm...”.
Chị Nguyễn Thị Kiều đang rửa bát gần đó cho biết, nước ở đây không dùng được nữa, gia đình chị phải đi chở nước từ xa về dùng. Rửa chân tay bằng nước ở đây sẽ bị mẩn ngứa và nổi nhọt đỏ.
Sống trong sự ô nhiễm kinh khủng nhưng hàng trăm hộ dân ấp Phú Hưng không thể chuyển nhà đi nơi khác do kinh tế không cho phép. Hàng ngày họ phải chấp nhận sống chung với mùi hôi thối, ruồi muỗi, sự ô nhiễm,...
Bãi rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều hộ dân nơi đây
Anh Lý Thanh Tâm, công nhân nhà máy xử lý rác, cho biết, nhà máy xử lý rác đã xây dựng xong nhưng UBND tỉnh Vĩnh Long không thống nhất phương án hỗ trợ để xử lý nguồn rác. Công nhân ngồi chờ việc trong lúc người dân sống xung quanh bãi rác cơ cực bao nhiêu năm qua.
Sau nhiều phản ứng của nhà đầu tư và người dân, mới đây, ngày 3/1, UBND tỉnh Vĩnh Long có cuộc họp với các ngành liên quan và Công ty cổ phần phát triển xây dựng Phương Thảo để thống nhất xử lý bãi rác lộ thiên Hòa Phú đang có khối lượng khoảng 400 ngàn tấn rác.
Theo đó, ông Trương Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, giao Sở Tài chính nhanh chóng xác định khung giá để ký hợp đồng xử lý rác theo hình thức giao trọn gói đối với “núi” rác cũ và cân ký đối với rác thải sinh hoạt thu gom hàng ngày. Ông Sáu thống nhất sẽ ứng vốn trước 20% trên hợp đồng xử lý bãi rác cũ và 1/3 đối với hợp đồng xử lý khối lượng rác mới trong một năm và sẵn sàng hỗ trợ vốn ưu đãi theo quy định hiện hành của nhà nước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
Nhà máy xử lý rác của Công ty Phương Thảo đã đầu tư hàng trăm tỷ nhưng không được nhận rác về xử lý
Tuy nhiên từ đó đến nay, lần hứa thứ 2 của UBND tỉnh lại rơi vào im lặng. Ngày 30-31/1 vừa qua, công nhân Công ty Phương Thảo kéo nhau đến đòi đập phá máy móc vì công ty không có tiền trả lương cho công nhân, buộc lòng bà Thảo phải đi vay lãi nóng để trả lương cho công nhân; đồng thời cho công nhân nghỉ việc, chỉ giữ lại 6 người bảo vệ trông coi nhà máy, chờ ngày tỉnh cho nhận rác vào xử lý!