Hộ được bồi thường nhiều nhất là 1,207 tỉ đồng
Theo thông báo của UBND xã Tam An, lý do mà Sonadezi đưa ra để giải thích cho việc trả chậm là do kinh tế năm qua gặp nhiều khó khăn và công ty cũng bị ảnh hưởng. Nghe vậy, nhiều người dân đã đứng lên phản đối, một số người nói họ sẽ không nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, sau đó, nhiều người đã tạm chấp nhận lĩnh trước số tiền trên và công việc giao nhận tiền diễn ra khá trật tự.
Đến cuối ngày, đã có khoảng 100 hộ dân nhận đền bù với số tiền 1,4 tỉ đồng. Việc giao nhận tiền sẽ được tiếp tục trong ngày hôm nay (1-2), với tổng số tiền chi trả đợt đầu khoảng 3,6 tỉ đồng.
Chỉ chấp nhận đền bù một nửa
Điều làm người dân thất vọng hơn là việc Công ty Sonadezi chỉ chấp nhận bồi thường tổng số tiền cho các hộ chưa đến một nửa so với tổng giá trị thiệt hại được xác định ban đầu. Bởi trước đó, sau khi nhà máy xử lý nước thải của Công ty Sonadezi bị Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an bắt quả tang xả thải bẩn gây ô nhiễm rạch Bà Chèo, có 271 hộ dân địa phương làm đơn kiện đòi bồi thường với số tiền được xác định ban đầu lên đến 25 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến giờ cuối, Công ty Sonadezi đưa ra lý do sự thiệt hại còn nhiều nguyên nhân khác nên chỉ đồng ý bồi thường cho 169 hộ dân với số tiền 11,787 tỉ đồng.
Một người dân bức xúc nói: “Công ty Sonadezi chỉ chấp nhận bồi thường 50% tổng thiệt hại thực tế, bà con đã chấp nhận. Nay, họ còn tiếp tục cù nhầy, chỉ chịu trả trước 30%, người dân làm sao tính toán để gầy dựng sản xuất, chăn nuôi?”. Vì thế, dù đã được giải thích nhưng đến cuối ngày, vẫn còn hơn 40 hộ cương quyết không nhận số tiền đền bù 30% vì cho rằng Công ty Sonadezi sẽ tiếp tục tìm lý do để lần lữa.
100 hộ “vòng ngoài” lại khiếu nại
Tại buổi giao nhận tiền đền bù sáng 31-1, hơn 100 hộ dân không có tên trong danh sách bồi thường đã kéo vào trong hội trường để đòi nói chuyện với những người có trách nhiệm. Nhiều nông dân dáng vẻ lam lũ, cho biết thực tế, vườn cây ăn trái, vật nuôi của họ thiệt hại trong nhiều năm qua nhưng những người cùng cảnh ngộ được nhận tiền đền bù, trong khi họ chẳng nhận được đồng nào. “Cùng chung vùng đất, cùng sống với nguồn nước từ rạch Bà Chèo, chúng tôi đã thiệt hại càng không thể thiệt thòi thêm lần nữa”- bà Nguyễn Thị Bê, ngụ xã Tam An, bức xúc nói.
Ông Võ Văn Luật, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tam An, đã phải đứng ra trấn an, giải thích với người dân. Ông Luật cho biết nếu không thỏa mãn với kết quả xác minh, người dân có thể tiếp tục làm đơn khiếu nại, xã sẽ nhận đơn và đề nghị Ban Chỉ đạo có ý kiến lên UBND tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành, cho biết Ban Chỉ đạo có thể hướng dẫn người dân khiếu nại để được làm rõ. |