Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người bình thường khi đặt chân lên bãi rác này chưa đầy 5 phút là chịu không nổi mùi hôi rất đặc trưng của rác. Tuy nhiên, hàng trăm con người đã ăn, ngủ cùng rác mấy chục năm nay. Đối với họ, nơi đây là nguồn kiếm sống, là nơi cho họ miếng cơm hàng ngày. Mùi của rác với họ cũng đã quá quen thuộc, đến mức nhiều người không cần phải mang khẩu trang khi làm việc.
Trưa 30/1, khi bữa trưa của những người nhặt rác bắt đầu thì tôi mang máy ảnh vào. Ngay đầu dốc lên bãi rác là những túp lều trại của người dân làm nơi tập kết hàng chục bao tải là những thứ mà họ đã cật lực lựa chọn được để bán cho các vựa ve chai. Tại đây, tôi may mắn được chứng kiến một mâm cơm cúng tất niên của họ.
Giữa biển rác mênh mông, họ khấn vái rất thành khẩn. Mâm cơm cúng tất niên không có gì đặc biệt, có con gà trống, bình hoa, nải chuối cùng chè xôi.
Đợi cho tàn nhang, họ mang tất cả những thứ vừa cúng bày ra và mời những người khác chung vui. Bàn tiệc đơn sơ giữa bãi rác khổng lồ nhưng hơn 10 con người cùng quây quần ăn uống vui vẻ.
Ở một quán cơm giữa biển rác được che bằng vài tấm nilon rách bươm, nhiều người khác ghé ăn bữa trưa. Bữa trưa của người dân ở đây chỉ có giá 10 ngàn đồng cũng có cá, thịt, đồ xào và có cả… ruồi. Ruồi có mặt khắp nơi, bu cả vào bát ăn cơm của người dân. Bà chủ quán vừa bới cơm liền tay cho khách vừa lấy tay đuổi ruồi. Đồ ăn được cho tất cả vào bát cơm.
Ông không ngại chia sẻ: "Vợ chồng tôi sống với nghề này cách đây mười mấy năm. Lúc ấy bãi rác không nhiều như bây giờ. Bây giờ rác cũng nhiều hơn và người đi kiếm rác như tôi cũng nhiều".
Nói tới nghề nhặt rác, có lẽ ai cũng nghĩ chỉ vào bước đường cùng người ta mới chịu làm. Ấy vậy mà, nhiều người dân mưu sinh ở bãi rác Khánh Sơn này đã có thâm niên gần 20 năm trong nghề. Bà Nguyễn Thị Mật (67 tuổi, trú Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), một trong những người nhiều tuổi nhất ở đây nhớ lại: “Khoảng 16-17 năm trước, tôi bắt đầu theo nghề này. Mới đầu làm, không thể chịu đựng nổi mùi hôi thối. Tối đi ngủ còn bị mùi hôi nó ám nhưng làm lâu thành quen, hôm nào ốm đau không lên đây được lại thấy nhớ đấy. Giờ già rồi, 7 giờ sáng lọ mọ lên làm rồi 4 giờ chiều là về. 40-50 ngàn một ngày là đủ sống rồi cháu à”.
Còn rất nhiều những hoàn cảnh đã sống với bãi rác, nhờ rác mà sống như bà H., bà L., ông T. Họ bảo ngày tết người ta nô nức đi mua sắm còn những người ở đây cứ chúi đầu chúi mũi vào rác. Vì xa bãi rác thì họ không thể sống nổi.
Một bữa tất niên giữa biển rác. Những người bới rác ở đây cũng có niềm tin vào tâm linh. Họ muốn cảm ơn chính mảnh đất đầy rác này đã cho họ miếng ăn quanh năm, cho con cháu họ có tiền tới trường.
Ông Thái cũng cho biết, bình thường có khoảng 60-70 người mưu sinh ở bãi rác này, còn ngày cao điểm thì bãi rác tăng lên khoảng 100 người. Theo những người dân ở đây thì ở bãi rác luôn có khoảng trên 100 người bất kể ngày đêm, tính ra ở đây có trên 200 người đang mưu sinh.